Có khi, những chuyện quan trọng trong nhà, vợ cũng nắm quyền quyết định luôn, dù chuyện đó chủ yếu chỉ liên quan đến… người chồng. Anh Phú Đức (chủ một tiệm karaoke ở Q.Phú Nhuận) kể: “Gia đình khá ổn về kinh tế, tôi dành dụm được một ít tiền, tính mua con Zace-Toyota, bèn dạm ý vợ. Vừa mở miệng, “chị ấy” đã ầm ĩ lên: “Đất chật, người đông, đường kẹt, mua ôtô làm gì? Để giải quyết khâu oai à? Nếu để cho oai thì quá đắt, mất mấy trăm triệu đồng để mua cái oai sao?”. Vợ không hiểu được, đàn ông rất mê ôtô và ôtô cũng giải quyết được nhiều việc liên quan đến… đàn ông. Lạ thật, tiền mình kiếm ra, nhưng muốn mua gì cũng phải rón rén xin phép vợ, hồi hộp chờ vợ phán quyết”.
Có trường hợp căn bệnh nan y “nhất vợ nhì trời” nặng hơn, không những vợ được quyền phán quyết tất tần tật thứ trong nhà, mà còn quyết cả chuyện… nhà chồng! Anh Tú (Q.Gò Vấp) là một trong những “ca” như thế. Ngày về quê nội họp gia đình để chia đất, anh đi cùng vợ. Cuộc họp đang bế tắc vì chưa tìm ra được cách chia cho công bằng, vợ anh đã đứng ra làm… trọng tài phân xử, đưa ra luôn phương án chia phần. Cả “họ nhà trai” điên tiết, xúm lại “tấn công” bà chị dâu. Anh Tú lại phải cố sức bênh vợ, làm mấy cô em càng “nóng” hơn. Đó là do các cô không hiểu, nếu ông anh của họ không đỡ đòn cho vợ, về nhà anh ấy sẽ… ốm đòn! Anh biết phải trái đấy chứ, nhưng không kiểm soát được tình hình “leo thang quyền lực” của vợ, vợ lên cao quá lúc nào chẳng hay. Giờ thì anh đành phải nương theo đó mà… sống.
Cân bằng quyền lực
Đàn ông vẫn là phái mạnh, nhưng sao lại “yếu” trong nhà? Cách lý giải của anh Tú xem ra có phần hợp lý: “Thực ra, không phải đàn ông sợ vợ, mà là sợ mất hòa khí trong gia đình. Với bản tính rộng lượng, người chồng dễ chép miệng cho qua để yên chuyện. Khổ nỗi, mỗi lần được chồng nhịn là mỗi lần người vợ tưởng mình đúng hoàn toàn, nên cứ thế “phát huy”. Một lần, hai lần, ba lần và nhiều lần như thế, quyền lực của người vợ tăng lên dần khiến cán cân quyền lực trong nhà nghiêng hẳn về nội tướng lúc nào chẳng biết. Cái bi kịch khó giải quyết ở chỗ, có những người vợ thâu tóm quyền lực một cách quá đáng mà vẫn nghĩ chân lý thuộc về họ nên không chịu lùi một bước, không nghĩ mình còn phải biết tôn trọng chồng”.
Anh Phạm Tùng (biên tập viên một nhà xuất bản) bức xúc: “Nhịn hoài, nhịn hoài đến lúc không nhịn được, tôi đã nghĩ, một sự nhịn là chín sự… nhục! Thế nên thỉnh thoảng, tôi bất ngờ quật lại vợ một phát, khiến bà ấy cũng tá hỏa. Tôi vô tình nghe được vợ tâm sự với người bạn qua điện thoại: “Ông nhà tôi lạ lắm, vốn hiền lành nhưng lâu lâu lại nổi khùng bất tử, làm mình cũng sợ thật. Mà sao lạ thế nhỉ?”. Tôi cười thầm trong bụng, hóa ra bà ấy cũng biết sợ, thế là còn may. Thực ra, lâu lâu vùng lên một lần chỉ để vớt vát lại đôi chút quyền lực, để bà ấy “tỉnh ngộ”, chứ lúc nào cũng nhịn thì vợ dễ “hư” lắm. Nói ra nghe kỳ cục, chứ khoảng một tháng là tôi cãi lại vợ một lần và có thể gây nhau từ cuộc cãi vã đó”.
Anh Trịnh Kim Hòa (giáo viên dạy Văn tại TPHCM) quan niệm, rất khó có mối quan hệ “win-win” (cả hai cùng thắng) khi cán cân quyền lực đã nghiêng về một bên và lợi ích của tất cả các thành viên trong gia đình tùy thuộc hết vào người vợ. Đó là chưa kể, nếu người đàn ông cứ phải cúc cung đi theo phán quyết của vợ, thì tâm lý luôn bức bối và dần trở nên kém tự tin.
Vậy, làm thế nào để cân bằng lại cán cân quyền lực? Cần phân định rõ ràng những vấn đề thuộc về quyền quyết định của người chồng. Cụ thể, chuyện xây nhà, sắm các vật dụng lớn trong nhà, mua xe… Tất nhiên, người vợ cũng tham gia vào các vấn đề này nhưng chỉ với mức độ góp ý để chồng tham khảo. Còn những chuyện bếp núc trong nhà, tất nhiên do người vợ quyết định. Cái khó nhất là làm sao phân định ra “chuyện nào dành cho đàn ông, chuyện nào dành cho đàn bà”, phải tùy hai người thống nhất với nhau. Khi bàn bạc thống nhất, hai bên cần tôn trọng nhau và có ý thức chia đều quyền lực. Nếu lúc đó, chồng lại nhường cho vợ phân định luôn thì coi như… huề vốn!
Nếu xét lợi-hại, thì việc vợ thâu tóm quyền lực, cái gì cũng can thiệp và cái gì cũng đòi can thiệp thì suy cho cùng, người vợ đó cũng chẳng sung sướng gì. Có những chuyện của đàn ông, mà nghe theo quan điểm của vợ, đôi khi phải chịu thiệt hại.
Về mặt tâm lý, công bằng mà nói, nhiều khi các quý bà chỉ vô tình lạm quyền, chứ chẳng ai lại muốn trên quyền chồng. Và cũng có lẽ, chẳng người vợ nào muốn được khen là “hét ra lửa” trước mặt chồng. Vì thế, các bà vợ may mắn gặp được một người chồng “biết vâng lời”, thì cũng nên lưu ý “một vừa, hai phải”, đừng sẵn trớn lấn tới mà làm xấu đi hạnh phúc gia đình.
Theo Trần Triều
PNO