Hãy quyết tâm sửa đổi
“Sau khi phạm sai lầm, mình rất ăn năn và muốn gặp người đó ngay để xin sự tha thứ. Nhưng khi gặp gỡ rồi để ngồi nói chuyện là sự đấu tranh nội tâm lớn. Điều này cũng xảy ra với cả người bị chúng ta làm tổn thương. Vậy làm sao để thoải mái khi xin lỗi người khác?”, chị Hải Yến, quận 12 chia sẻ.
Nói về điều này, diễn viên Chi Bảo cho rằng: “Con người chúng ta luôn nôn nóng. Khi phạm lỗi với một người nào đó, thường nóng vội xin người kia tha thứ để lấy lại hình ảnh đẹp của mình trong mắt họ. Nhưng xin lỗi ở đây phải hiểu là lấy lại những lỗi lầm và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra.
Chính vì thế nhiều khi chúng ta xin lỗi như một phản xạ tự nhiên, xin lỗi mà không biết mình phạm lỗi gì. Đôi khi chỉ vì muốn lấy lại hình ảnh ngày xưa trước mặt họ mà chúng ta “vồ vập xin lỗi”, “nài xin” sự tha thứ dẫn đến co mình lại.
Các bạn hãy kiên nhân, để cho người đó thấy sự thay đổi của mình. “Quay đầu là bờ” nhưng để thấy bờ, chúng ta cần có thời gian”.
Cách tốt nhất để xin lỗi thành công, theo diễn viên Chi Bảo: “Chúng ta cần hiểu nguyên nhân tại sao chúng ta có lỗi, tác nhân gây ra và hãy gọi đúng tên, từ đó đưa ra phương pháp sửa lỗi”.
Cần hiểu rằng, mọi phiền muộn đều xuất phát từ tâm. Khi đã phạm sai lầm, chúng ta cần yên tĩnh lắng nghe tiếng nói trong tâm mình. Đừng bao giờ hành hạ mình, chính lúc đó, tâm chúng ta rất dễ bị tổn thương, hãy tạo cho mình một cơ hội.
Nói về vấn đề xin lỗi, diễn viên Chi Bảo ví von: “Tâm hồn chúng ta như một khu vườn. Trong khu vườn đó, có nhiều hoa thơm, cỏ lạ nhưng cũng có những loại sâu bọ. Muốn sửa đổi, chúng ta phải làm sạch khu vườn, hãy là người thợ giỏi chăm sóc cây cối cho thật tươi tốt”.
“Người ta có thể tha thứ, nhưng người ta lại không thể quên. Vậy làm sao để giúp người tha thứ hiểu, tha thứ đó cũng là một món quà?”, bạn Ngọc Trân, SV trường ĐH Ngân hàng chia sẻ.
“Tha thứ rất khó và tha thứ luôn đi kèm với thiệt thòi, vì tha thứ là chấp nhận lỗi lầm người khác đã gây ra cho mình. Nhưng cuộc sống cần ân tình và tha thứ cũng chính là đỉnh cao của ân tình.
Bản chất của sự tha thứ là tình thương. Tình thương luôn mang đến sự bình yên và ấm ấp. Nếu chúng ta nói mình đã tha thứ cho người làm tổn thương mình nhưng lòng còn thấy xốn xang, nghĩa là chúng tavẫn chưa tha thứ.
Tha thứ không chỉ đơn giản là nói: tôi tha thứ cho anh mà phải giúp cho người đó hiểu tại sao họ sai, để họ quyết tâm sửa đổi”, diễn viên Chi Bảo nhấn mạnh
Dù biết tha thứ có nhiều cách nhưng để thực hiện không dễ. Chia sẻ chút kinh nghiệp của mình, cô Nguyễn Thi Ngọc (57 tuổi, quận 12) cho rằng: “Nếu có ai đó hiểu nhầm mình, nói sai về mình, thậm chí có những người chúng ta kỳ vọng nhưng vẫn đi nói xấu chúng ta.
Lúc đó, chúng ta hãy nhìn nhận rằng họ chỉ hiểu một phần cuộc sống của chúng ta, và thực sự khi họ đi nói xấu như thế họ cũng đáng thương hơn là đáng trách”.
“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, nếu sống tốt, sống bao dung thì người khác sẽ thấy cái tốt của mình và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.
Hoài Lương – Thanh Xuân
(theo dantri)