Không rõ từ bao giờ đã sinh ra một ngày thảo hiếu tuyệt vời như thế. Đó là ngày lễ Vu Lan, còn gọi là ngày “Xá tội vong nhân” vào đúng rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm.
Phải chăng đó là ngày Mục Kiền Liên làm lễ cầu trời Phật xin xá tội cho người mẹ nơi chín tầng địa ngục để linh hồn mẹ được an thường giải thoát, hay đó chính là ngày mà tất thảy những đứa con trên thế gian cùng đồng lòng báo hiếu với đấng sinh thành dù mẹ vẫn còn hay đã vĩnh viễn đi xa ? Chỉ cần nhớ đó là “Ngày tạ Mẹ” – một phong tục đẹp trên đất Á Đông.
Con đã lớn, đã trưởng thành, tóc đã màu sương gió
Trong mắt mẹ, con mãi là trẻ nhỏ.
Đứa con nào cũng nghĩ về mẹ mình như thế. Mẹ bao giờ cũng lớn và con bao giờ cũng yêu thương mẹ vô cùng. “Quê hương không còn mẹ/ Bao giờ con lại về”. Câu thơ xát lòng của Tế Hanh khi thăm mộ mẹ là cả một trời thương nhớ gửi lại chốn mẹ nằm. Theo thuyết âm dương giao hòa thì người mẹ nơi suối vàng vẫn nghe được câu thơ ấy của con, và mẹ có thể mỉm cười hoặc rơi lệ yêu con.
Nhớ một lần xem báo, bắt gặp bức ảnh giáo sư Văn Như Cương râu tóc bạc phơ cõng mẹ già đến nhà thờ họ tộc dịp tế lễ rằm tháng bảy với lời chú thích : “Mẹ già con cũng đã già. Mẹ muốn đi lễ họ mà không đi được. Thì con cõng mẹ đi như hồi xưa mẹ cõng con đi… Chỉ giản đơn vậy thôi mà mấy ai làm được ?”
Lại nhớ chuyện nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng kể lại. Khi mẹ đã ngoài tám mươi có trận ốm nặng, biết không qua khỏi, bà cho gọi con cháu về đứng quanh mình để được nhìn mặt lần cuối. Nhưng mẹ không còn mở mắt ra được nữa. Mai Khắc Ứng lúc đó đã sáu mươi, ông thấy mẹ đang đuối dần. Bỗng ông thưa mẹ, xin được thay mặt các con được bú mẹ một lần cuối. Rồi ông quì xuống vạch áo mẹ ra bú vào bầu vú đã teo tóp chỉ còn da bọc xương. Có lẽ vì quá cảm động vì tình con hay vì sức sống của con truyền sang mẹ, nên bà đã mở mắt mỉm cười sống lại được vài năm nữa.
Những câu chuyện đặc sắc về tình mẫu tử từ ngàn xưa luôn làm lay động lòng người. Dù thời nào cũng vậy thôi, mẹ đắm đuối vì con, và con suốt đời cứ mang theo ân hận về nhưng lỗi lầm làm mẹ phải buồn phiền.
Có một ngày tạ mẹ là để mẹ tha thứ cho ta. Nhưng mẹ đã tha thứ cho ta suốt cả cuộc đời vui buồn của mẹ. “Tình mẹ bao la như biển Thái bình”, câu hát ấy luôn vang lên xao động trong lòng khi ta nghĩ về mẹ.
Ngày tạ mẹ, ngày Vu Lan – báo hiếu, hay ngày Xá tội vong nhân là ngày cho những linh hồn nơi miên viễn, nhưng cũng là ngày của những người đang sống chốn dương gian. Ngày này ở Nhật Bản, ta gặp trên các ngả đường những cô gái cầm trên tay lẵng hoa hồng trắng và hoa hồng đỏ để cài lên ngực áo những người đàn ông họ gặp. Hoa hồng trắng cho người không còn mẹ và hoa hồng đỏ cho người còn có mẹ. Đó là những lời cầu chúc và chia sẻ chân thành ấm áp cho tình mẫu tử muôn đời bất diệt.
Vâng, một ngày thật ý nghĩa về đạo làm con, đạo làm người – ngày tạ mẹ. Và không chỉ một ngày với mẹ, mẹ mãi mãi theo ta cả khi mẹ không còn, và ngày nào cũng là ngày con tạ mẹ. (theo Ng Trọng Tạo – Tháng bảy, năm Quý Tỵ)
CÕNG MẸ
Cõng mẹ đi chơi khắp muôn phương
Cho mẹ thấy được cảnh phố phường
Cho mẹ thấy được nơi chưa thấy
… Bỡi mẹ gian nan tuổi đoạn trường
Cõng mẹ đi xem khắp vùng miền
Chùa chiền mẹ viếng ở đâu đây
Mẹ ơi một nén hương con thắp
Lấp đầy khoảng trống thưở xa xăm
Cõng mẹ đi thăm những bà con
Có người giờ trú ngụ núi non
Xin mẹ đừng buông giòng lệ khô
Cõng mẹ đi chơi khắp nước non
Mẹ ơi mẹ là cả đời con
Bao nhiêu năm cõng không trả đủ
Sanh thành nhắn nhủ mấy mùa Thu
Cõng mẹ đi ngang quãng đời con
Mẹ ơi con gót hãy còn son
Lỡ lem bùn đất đâu người nhắc
Mẹ ơi, giọt nước mắt không tròn
Sức mạnh con người là điều chi
Chẳng phải gươm đao, súng đạn gì.
Nhưng là yêu thương và gắn kết.
Vượt qua được hết cảnh lâm nguy.
Chuyện cảm động về cặp song sinh 1 trai 1 gái. Trong khi bé trai khỏe mạnh, bé gái lại rất yếu và nguy kịch buộc lòng bác sỹ phải để hai bé nằm trong 2 lồng kính riêng. Nhưng một hôm, cô y tá phá lệ đặt 2 bé nằm cạnh nhau. Bất ngờ cậu anh trai giang tay ôm lấy em gái mình trong nhiều giờ đồng hồ. Kỳ diệu hơn là nhịp tim cô bé cũng bắt đầu đập bình thường, sức khỏe dần hồi phục và thoát khỏi bàn tay tử thần.
Ðôi khi sức mạnh kỳ diệu không ở đâu xa, mà chỉ đơn giản là một vòng tay ấm áp từ những người thân yêu bạn nhỉ !? Ðó chính là “Ðiều Kỳ Diệu”
“Con run rẩy.. van xin trong bụng mẹ
Đừng bắt con mất tiếng khóc chào đời
Ngày lại ngày… hồi hộp…
Mẹ, Ba ơi………..
Suy nghĩ cho kỹ: cho con quyền được sống….”
Quế Phượng post (tổng hợp)
MÙA VU LAN BÁO HIẾU
Nhà tôi theo đạo Phật. Hồi nhỏ mỗi năm sau Tết là tôi thường theo má đi chùa, gọi là đi thập tự. Các bà tụ nhau thành một nhóm, đi vào tận trong các xóm xa, vòng vèo, tới xóm nào cũng có đám con nít rần rần chạy theo, hy vọng hưởng được ít bạc cắt. Trong một khoảng thời gian từ buổi sáng đến quá trưa là về nhà nghỉ ngơi cơm nước.
Vậy mà phải thăm được mười chùa, lớn nhỏ, trong một phạm vi … toàn đi bộ. Điều đó chứng tỏ dân miền Nam rất mộ đạo. Có chùa oai nghiêm, cổng chánh điện đàng hoàng, mở rộng, tiếng chuông chùa ngân nga. Cũng có chùa thảm thương xiêu vẹo như sắp đổ, bên trong tối om, sư trụ trì ốm ròm như que củi, vội vã khoác áo cà sa, gióng hồi chuông sao buồn thảm.
Đi thập tự trước là viếng chùa, bỏ dép bên ngoài, vào chánh điện lạy Phật, rồi cúng dường tam bảo. Tôi nhớ má chỉ nhắc “con quỳ xuống, cúi đầu lạy Phật ba lạy” chứ không nghe bà dặn dò phải cầu nguyện, xin xỏ điều gì.
Tôi học ở trường nữ Lê Văn Duyệt, giờ là Võ Thị Sáu, hồi chưa được phép đi xe đạp, thấy tôi đi bộ xa, má tôi gửi gắm tôi ra ở nhà cậu mợ trong “Trường Tiền” đối diện Lăng Ông, rất gần trường. Tôi không phải thức dậy sớm, cuối tuần mới về nhà. Thoát sự kiểm soát nghiêm ngặt tôi cũng bắt chước vài đứa con bà mợ … cúp cua, đi ăn kem thay vì vào lớp. Sáng không thuộc bài vở, bù lại thuộc rất nhiều bài kinh, vì mợ tôi theo đạo Phật nhánh Kỳ Viên tối nào cũng đọc kinh và bắt bọn con nít đọc theo. Đứa nào cũng ngáp ngắn ngáp dài, rơi rụng dần, cuối cùng còn mỗi mình tôi là gồng đến chót, đã vậy còn bắt được nhịp, tụng theo, nên mợ thích, định xin phép ba má cho tôi ở luôn, để có đạo hữu tụng kinh chung.
Cuối tuần về lại nhà, buổi tối tôi cũng đem kinh ra đọc trước bàn thờ Phật. Đọc leo lẻo có vần ê a (kinh tiếng Phạn) như đã từng vào cổng chùa làm chú sa di lâu năm. Nhưng chắc đó không phải là nguyên do má tôi bắt về, không cho ở nhà mợ nữa. Bà đập ống heo, mua cho tôi cái xe gắn máy loại candy, bắt tập rồi cho phép lái đi học. Vì chỉ sau một lục cá nguyệt tất cả mọi môn tôi đều tuột dốc một cách cực kỳ thảm hại, không còn cách chi nguỵ biện. Có xe tôi khoái, nên cũng không buồn, khi không còn được phép ra ở nhà mợ nữa. Bị bắt học nên tôi đọc kinh bớt dần rồi bỏ hẳn lúc nào không hay.
Lớn một chút, hết thích đi chùa, còn lười, lấy cớ bận học, nên má tôi cũng không thèm rủ đi thập tự hàng năm nữa. Lấy Tú tài, tôi rời gia đình, rời luôn bàn thờ Phật.
Hồi ở Ý có khi buồn kinh khủng, tôi vào nhà thờ, không biết làm dấu thánh, nhưng quỳ trên ghế, chấp hai tay lại, nhìn lên tượng Giê Su, như muốn hỏi vì sao ?