Nét độc đáo của Thập chỉ đạo còn ở tính nguyên tắc về việc sử dụng các huyệt hồi sinh. Có rất nhiều huyệt được gọi là huyệt hồi sinh, chính là những huyệt trợ sức, tăng cường sức chịu đựng và có tác dụng cấp cứu tốt khi có rối loạn huyết động học. Những huyệt hồi sinh bắt nguồn từ những huyệt dưỡng sinh của người thầy Ấn Độ đã dạy bà trước đây. Đôi khi, người bệnh yếu quá, bấm huyệt hồi sinh không đủ, chuyển sang bấm huyệt chính, bà thường sử dụng một thủ pháp độc đáo khác mà gọi là biến điện. Biến điện là một thủ pháp dùng ngón cái bấm hoặc day đi trên một số huyệt vị nhất định trong một thời gian nhất định, với tâm niệm hết sức tập trung – Hãy truyền cho người bệnh sinh lực của mình, hãy cứu họ! Bà gọi là vận nội công. Sau khi làm thế, quả thật mạch đập của bệnh nhân có khá hơn. Y sinh chỉ được phép sử dụng thủ pháp biến điện khi thấy mình thực sự khoẻ mạnh. Chỉ với những động tác bấm rất nhẹ nhàng, như múa, các cơ tê liệt giật rất nhẹ, nhưng bệnh nhân đã ra mồ hôi hoặc nóng bừng, mặt đỏ như vừa qua một vận động quá tải. Sự nhẹ nhàng ấy đòi hỏi y sinh phải điêu luyện về thủ pháp day bấm. Bà kể:Tôi phải học 12 năm cách bấm đó. Cốt bấm trúng huyệt, không dùng sức mạnh làm đau bệnh nhân. Phải bấm đúng như bấm nốt đàn, bấm mạnh mà sai thì vô ích.
Không hề giấu nghề, Lương y Huỳnh Thị Lịch luôn mong có những học trò tâm huyết để học hỏi, thừa kế phương pháp Thập chỉ đạo này để trị bệnh cứu người. Bà có 4 yêu cầu chủ yếu đối với các y sinh:
1. Thương yêu vô hạn đối với bệnh nhân, đặc biệt là đối với trẻ em và những người tật nguyền, khốn khổ.
2. Say sưa tìm tòi trong nghề nghiệp.
3. Giữ cho mình một tâm hồn, đạo đức trong sạch, một sức khoẻ tốt, không làm tiền bệnh nhân.
4. Chú ý rèn luyện những ngón tay bấm huyệt, không phải bằng sức mạnh ngón tay mà với tất cả nội khí của toàn thân mình…
Một đời gian truân, mồ hôi và nước mắt…
Sinh ra ở vùng Ý Yên, Hà Nam Ninh, cha mẹ chết sớm, năm 12 tuổi, cô bé Trần Thị Kim Thanh đã theo người làng vào làm ở đồn điền cao su Nam Bộ, trong âm hưởng của câu ca buồn thương… Chạy vào đất đỏ làm phu – Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng… Nhưng từ 18 tuổi trở lên mới làm công nhân được. Cô bé bơ vơ không có việc làm, đứng ôm gốc cây cao su mà khóc. Một bà chủ người Tây thấy vậy, đem Thanh về giúp việc nhà, hàng ngày đưa con cái bà chủ đi học. Cô bé đã trải qua tất cả những gì cực nhọc và tủi nhục nhất của một người làm thuê thuở ấy. Đến thì, cô Thanh tóc dài ngày một xinh ra trong sự lóng lánh âm thầm. Cô đi ở với một gia đình ở Củ Chi, có chàng trai Trần Văn Hải, làm ở nhà đèn. Cô em gái của Hải, quý chị Thanh quá, nói với anh trai rằng: Chị hai hiền lành, tử tế, suốt bao nhiêu năm trời không gian dối với ai một lần. Lại đẹp vậy. Anh chịu không để em nói với chị Hai. Chịu chớ sao không? Thế là nên vợ nên chồng. Khi đó cô mới 18 tuổi. Cô Thanh tóc dài còn phải chịu đựng những lời cay nghiệt đầy định kiến thô lậu của đôi người bà con kiểu giặc bên Ngô của nhà chồng, đại loại như: thiếu gì người Nam không lấy mà đi lấy con Bắc Kỳ cọc cạch, Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Nhưng rồi chính cô Thanh Bắc Kỳ ấy lại chính là người con dâu hiếu thảo nhất trong gia đình. Phần mộ của ba má chồng giờ này vẫn được cô Thanh tảo tần chăm sóc. Ông Hải trở thành người chiến sĩ quân báo cách mạng, rồi ông hy sinh năm 1948.Lấy chồng thời chiến chinh – Mấy người đi trở lại – Lỡ khi mình không về – Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê… Khác với bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, người vợ bé bỏng chiều quê ấy không chết mà gánh chịu thêm biết bao tang tóc. Con gái 13 tuổi bị Tây hãm hiếp chết, khi đang theo bà con đi cắt lúa ma ở Đồng Tháp Mười. Hai đứa con trai nhỏ cùng chết thương tâm trong một dòng kênh, vì phải gục mặt xuống nước, tuyệt đối im lặng khi bọn địch hành quân đến kề bên. Bọn lính khố xanh ập đến, cô chỉ tay đánh lạc hướng. Lần đó, một đoàn quân cách mạng tránh được một cuộc vây ráp hiểm nghèo nhờ sự bình tĩnh, mưu trí của cô Thanh tóc dài. Còn lại một mình với họa vô đơn chí, tưởng chừng người đàn bà bé nhỏ ấy phải gục ngã trước những ngọn roi oan nghiệt của số phận. Nhưng cô đã lại đứng dậy…
 |
Lương y Huỳnh Thị Lịch chữa cho bệnh nhân. |
Đôi mắt sáng, thông minh đã giúp bà tìm cách học lỏm những khi có thể, kể cả với những ông bà chủ hay bạn bè lương y, bác sĩ của họ. Kể cả việc học các huyệt và thế võ Bình Định của một người cha nuôi, hay học nghề y khi làm nữ cứu thương trong chiến khu Đ và khi làm y tá của một bệnh viện Công giáo. 12 năm lưu lạc ở nước ngoài như Pháp, Pakistan, Nhật, Ấn Độ… bà cũng đã học hỏi được biết bao điều. Lớn lên trong một gia đình có 7 đời làm nghề y, cộng với một tấm lòng, năng khiếu trời cho, cha mẹ sinh, bà vẫn không nguôi ý định học hỏi, trưởng thành trong cái nghiệp trị bệnh cứu người. Khó ai có thể nghĩ cô bé Thanh làm con ở ngày ấy lại trở thành bà Sáu Lịch, bà Thầy bấm, bà Lang Hàng Xanh nổi tiếng trong dân gian sau này. Bà đã học hỏi tất cả những gì có thể, thậm chí pha trộn kiến thức, rồi bằng thực tế cứu người, đúc rút dần dần. Bà tâm sự chân thành và khiêm nhường: Tôi đâu có được học. Tôi chỉ là một người giúp việc, hoàn toàn học lỏm. Tôi cũng không ngờ tôi chữa được thành công. Nhiều khi trăn trở suốt đêm không ngủ được vì chữa mãi mà bệnh nhân ấy vẫn không khỏi…
Hết lòng dâng hiến…
Suốt mấy mươi năm, hầu như không ngày nào bà được nghỉ. Sau những thời gian phiêu bạt từ Sài Gòn xuống Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Tiền Giang, rồi trở về Tổng cục Cao su, và bây giờ là căn nhà số 4, Lô B1, Cư xá 30-4, đường Đ1, sát chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP.HCM, vòng tay bà vẫn luôn rộng mở đối với các bệnh nhân từ muôn phương. Hàng trăm chiếc nạng, xe lăn để lại nơi điều trị của bà từ xưa đến nay quả là những kỷ vật hùng hồn về cuộc giải thoát tật nguyền từ mười ngón tay dâng hiến của bà. Quan Âm Bồ Tát tảo tần – Nghiêng bàn tay xuống cõi trần thương đau…Nguyên tắc không đòi tiền, đặt giá đối với bệnh nhân, bà vẫn luôn giữ từ trước tới nay. Bệnh nhân khỏi bệnh, cảm kích, tặng tiền hay vật chất thì bà lại tích góp, dành cho hoạt động từ thiện. Bà không có ham muốn vật chất gì cho riêng bà. Khi bà chữa khỏi bệnh cho con của nghệ sĩ cải lương Phùng Há thì nghệ sĩ này lạy bà, rồi trở thành thân thiết. Cách đây chưa lâu, Lương y Huỳnh Thị Lịch cùng Nghệ sĩ Phùng Há đã đi làm công tác từ thiện cho 17 tỉnh, thành phố. Mới đây, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tuyên dương bà như một tấm gương người tốt việc tốt để mọi người học tập. Cuộc tổ chức mừng thọ 87 tuổi của bà ngày 1/6/2003 tại TP.HCM đã quy tụ biết bao bệnh nhân, các chuyên gia đông, tây y, các quan chức… đến chúc mừng bà với lòng tri ân và cảm thông.
Hồi còn sống, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, đã viết thư gửi Lương y Huỳnh Thị Lịch với những lời cảm kích:
TP.HCM 29/2/1992
Cô Sáu Lịch,
Đọc bài thơ của Cô rồi, tôi rất phục Cô và thương Cô vì trong lòng Cô còn vương vấn chút khổ đau trần tục, chưa được thanh thoát như Phật Thích Ca trên toà sen.
Phục Cô ở chỗ: Có lòng tự hào dân tộc, nhân từ, đạo đức, lo cho nhân dân, lấy chân lý làm vinh, làm lương y với đôi tay thần luyện, với lòng thương bao la không biên giới, cao như Hy mã lạp sơn, như biển đông xanh mát, có đạo Phật từ bi bác ái. Bao nhiêu đức tính ấy đã đủ cho một người tự an ủi mình trong cuộc đời gian khổ để sống hạnh phúc!