Nhiều trường hợp người mắc chứng sợ thân mật chọn đại cho mình những người bạn trai hoặc bạn gái tốt nhưng không thực sự có tình yêu, cốt chỉ để không bị ràng buộc về mặt tình dục hay tình cảm; họ làm điều đó không xuất phát từ một ý định nghiêm túc hay lâu dài. Một lý do thứ hai cho hành vi này là nếu mối quan hệ có không suôn sẻ đi chăng nữa, họ cũng không phải đau đớn nhiều, vì vốn dĩ hai bên không thực sự yêu nhau ngay từ đầu.
Một dạng khác, một số người chọn cách sa vào một loạt các mối quan hệ dễ dãi hay các cuộc “tình một đêm” không đòi hỏi về mặt tình cảm như một cách để đối phó với nỗi sợ sự thân mật. Với những người này, việc có bạn tình mới không bao giờ là đủ, vì bản thân chúng vốn dĩ đã là những mối quan hệ không trọn vẹn; và thế là họ có xu hướng lặp đi lặp lại hành vi này trong thời gian dài.
Làm thế nào để nhận diện nỗi sợ sự thân mật?
Câu trả lời nằm trong các mối quan hệ trước đây của bạn. Nếu bạn thường xuyên hẹn hò hết người này đến người kia nhưng lại không bao giờ dành thời gian để phát triển một mối quan hệ, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn sợ sự thân mật. Nếu những bạn bè hay người thân xung quanh bạn than phiền rằng bạn không cho họ cơ hội để thấu hiểu con người thật của bạn, đó cũng là một cơ sở để khẳng định chứng sợ thân mật.
Về mặt y học, có một số thử nghiệm hoặc bài kiểm tra tâm lý giúp xác định xem bạn có đang mắc phải chứng sợ thân mật hay không, điển hình là hệ thống Thang Đo Mức Độ Sợ Thân Mật (FIS) do hai nhà khoa học Descutner và Thelen phát triển năm 1991. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng đây chỉ là một bài kiểm tra sơ lược. Nếu bạn muốn hiểu biết chi tiết hơn về nỗi sợ sự thân mật cũng như những biện pháp cụ thể để khắc phục, một bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về sức khỏe tinh thần sẽ giúp bạn có câu trả lời.
Một số biện pháp giúp khắc phục nỗi sợ thân mật
Đối với các cặp đôi gặp khó khăn trong chuyện tình cảm do nỗi sợ sự thân mật gây ra, cách tốt nhất chính là, hãy mở lòng giao tiếp với nhau và tôn trọng những khác biệt của nhau.
Tiến sĩ Judith Sherven và tiến sĩ Jim Sniechowski là đôi vợ chồng nổi tiếng chuyên viết sách về những mối quan hệ thân mật cũng như nghệ thuật giúp cho các cặp đôi có thể gần gũi và gắn bó với nhau hơn. Sau đây là một số bí kíp được hai tiến sĩ chia sẻ về việc làm thế nào để loại bỏ nỗi sợ sự thân mật và hàn gắn mối quan hệ:
- Hãy nhớ, đối phương không phải là bạn: Việc đối phương có những suy nghĩ hoặc quan điểm khác biệt với bạn là chuyện khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cách cư xử, thái độ và cảm nhận của họ cũng quan trọng không kém những gì bạn làm cho họ.
- Quan tâm chân thành: Nếu người yêu của bạn sợ gắn bó, một trong những câu nói ấm áp và gần gũi nhất mà bạn có thể nói với họ là: “Hãy giúp em hiểu anh hơn!” hoặc “Hãy dạy anh cách làm thế nào để khiến em hạnh phúc!” Bạn luôn mong chờ đối phương mở lòng hơn với mình, vậy thì tội gì bạn không chủ động mở lời trước? Đây chính là một cách đơn giản giúp bạn hiểu đối phương hơn và tiến gần hơn đến trái tim của họ.
- Mở lòng với tình yêu và những lời khen ngợi: Phần lớn những người sợ sự thân mật luôn cảm thấy họ không xứng đáng được yêu, không đáng được tôn trọng, rằng những đau khổ hoặc những câu nói khiến họ tổn thương trong quá khứ vẫn luôn ám ảnh họ. Nếu người yêu của bạn không dám tiến xa mối quan hệ cũng vì nỗi sợ sự thân mật, bạn đừng ngại chứng minh tình cảm chân thành của mình dành cho họ, cho họ thấy họ xứng đáng được như thế.
Còn nếu bạn chính là người sợ gắn bó trong mối quan hệ, đơn giản là hãy mở lòng đón nhận tình cảm của đối phương. Tiến sĩ Sniechowski nói rằng, “Một khi bạn có thể mở lòng trò chuyện và bày tỏ thẳng thắn với người yêu về những nỗi sợ, những sự lo lắng và khó chịu trong lòng mình, đó chính là sự thân mật.”
(tổng hợp từ Internet)
2013-12-26 18:00:10
Nguồn: http://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/2013/12/27/sat-thu-tham-lang-cua-cac-moi-quan-he-do-vo/