(Xã hội) – Đối với nhiều sinh viên, Tết là cơ hội để làm thời vụ, tăng thu nhập và tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Đối với nhiều sinh viên, tết chính là cơ hội cho những ai thích thú với việc làm thời vụ. Có rất nhiều công việc được các bạn lựa chọn như Part time, bán hàng, dọn dẹp nhà của, làm mứt… Những công việc này thường chỉ làm trong những ngày đông khách, gấp rút giao hàng và lương gấp 2, 3 lần so với thông thường.
Bạn Ngọc sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Mở Hà Nội, sau nhiều ngày tìm việc đã chọn cho mình được công việc bán hàng. Ngọc cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ rất vất vả nuôi ăn học nên mình muốn tìm được việc làm thêm, mong có thêm thu nhập trang trải được phần nào cho cuộc sống sinh viên xa nhà. Ngọc bán hàng theo ca, nên cũng không mất quá nhiều thời gian, vẫn có thể tập trung cho việc học.
Ngọc chia sẻ thêm về công việc: “Mình mới xin được vào đây công việc cũng không quá vất vả nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực, mức lương mà mình nhận được là 50 nghìn đồng/buổi, nếu những ngày nghỉ mình làm thêm thì có thêm thu nhập”.
Bán hàng dịp Tết – mùa làm thêm của sinh viên
Khi mùa mua sắm cho năm mới bắt đầu cũng là lúc nhiều công ty, cửa hàng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển thêm nhân viên. Trong khi đó, nhiều sinh viên cũng mong có việc làm thời vụ để cải thiện cuộc sống và sinh hoạt. Vì vậy, trong thời gian này, mùa làm thêm của sinh viên đã trở nên khá nhộn nhịp.
Anh Lê Xuân Khanh chủ cửa hiệu kinh doanh quần áo ở phố Lê Xoay, phường Ngô Quyền, cho biết: “Trước Tết khoảng 1 tháng, cửa hàng anh đã thuê thêm 2 sinh viên phụ bán hàng. Thời điểm này, sau khi thi học kỳ xong, nhiều sinh viên tìm đến cửa hàng của anh xin việc làm. Dù nhiều sinh viên đến tìm việc nhưng tiêu chí đầu tiên để anh chọn là sinh viên nghèo, vì những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ tận tụy với công việc. Anh luôn chọn sinh viên bán hàng vừa để giúp các em có thêm thu nhập”. Còn anh Trần Trung Tuyến, chủ quán cà phê Tuyến nằm trên đường Trần Quốc Toản (Ngô Quyền) chia sẻ: “Bắt đầu từ dịp Noel là thời điểm nhiều cửa hàng, quán ăn, quán cà phê có nhu cầu tuyển nhân viên. Và đối tượng mà các chủ quán hướng tới chủ yếu là sinh viên. Hiện tại quán cà phê của anh có 2 sinh viên phục vụ làm việc theo 2 ca, với thu nhập 1,5 triệu đồng/ca/tháng; ngày Tết anh sẽ tăng ca và thù lao lúc đó sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần bình thường, tương đương với mức 300.000đồng/ngày…”.
Được biết, khu nhà trọ ở ngõ 15, đường Lam Sơn, nơi có nhiều sinh viên của trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải Vĩnh Phúc vừa đi học vừa đi làm. Khi gặp chúng tôi, Đỗ Thị Huệ, quê ở Quốc Oai (Hà Nội) chia sẻ: “Do kinh tế gia đình khó khăn nên năm nay em quyết định ở lại thành phố Vĩnh Yên để làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học và gửi một ít về quê cho gia đình sắm Tết. Hiện tại, em đang bán quần áo cho một cửa hiệu thời trang ở phường Ngô Quyền, với mức thù lao 8.000 đồng/giờ. Những ngày cận tết thì mức thù lao sẽ tăng lên. Thời điểm làm thêm cuối năm thường rơi vào mùa thi học kỳ, em cũng ít có thời gian đầu tư cho việc học nên kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng, nhưng bù lại, công việc sẽ giúp em có thêm trải nghiệm về cuộc sống và cảm thấy mình năng động hơn”.
Có nhiều lý do để các SV ở lại làm thêm trong dịp cuối năm. Bạn Lê Đức Hoàng, quê ở Tam Phúc (Vĩnh Tường) sinh viên Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải Vĩnh Phúc, đang là nhân viên kinh doanh của công ty cổ phần và đầu tư Ocfort cho biết: “Em vừa được nhận vào làm tại công ty khoảng vài tháng nay. Vì thời gian còn phải đi học nên mỗi ngày em chỉ làm việc ở công ty 4 giờ, thời gian còn lại em phải tập trung cho việc học tập. Mức lương của em hiện tại là 1,2 triệu đồng/tháng, em đã góp được 8 triệu gửi ngân hàng, cộng cả tiền lương, thưởng tháng Tết này em sẽ có 10 triệu. Em làm thêm, tích góp đến khi nào đủ tiền mua 1 chiếc xe máy để sau này ra trường còn có phương tiện đi làm. Những ngày sắp Tết, sinh viên chúng em ai cũng nôn nao về quê sớm để sum họp với gia đình, đối với em, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên một chút niềm vui nhỏ cũng phải gác lại để lo toan cho cuộc sống, chắc khoảng 27 hoặc 28 Tết này em mới về quê được”.
Không ít sinh viên đã lên kế hoạch cho công việc làm thêm từ rất sớm. Vừa thi xong các môn học hoặc được nhà trường cho nghỉ tết là bắt tay ngay vào làm thêm. Điển hình như trường hợp của bạn Trần Hồng Ngân, quê ở Minh Quang, Tam Đảo, sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc. Mặc dù rất bận rộn với công việc bán hàng tại siêu thị CoopMart, nhưng bạn Ngân giành thời gian tâm sự với chúng tôi: “Hai năm nay, nhà trường cho nghỉ Tết là em lại xin vào bán hàng tại siêu thị Coop Mart. Hiện nay, em đang bán hàng cho một quầy kinh doanh hàng mỹ phẩm với mức thu nhập trọn gói cho đợt bán hàng Tết là 2.000.000 đồng. Được nghỉ Tết, về quê cũng không phải làm gì mà tiền thì không có để tiêu nên việc bán hàng dịp Tết đã trở thành nghề kiếm thêm của em. Với số tiền kiếm được, Tết này em có thể tự mua sắm áo quần và mừng tuổi cho người thân trong gia đình”.
Bán hàng hand madde online
Nắm bắt nhu cầu về bánh kẹo, mứt trong dịp Tết, Đặng Giang, sinh viên năm cuối một trường ĐH tại Hà Nội đã mở “gian hàng” trên Facebook, với đồ bán chủ yếu là mứt tự làm. Giang cho biết, cô đã nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng vài chục kg. “Giá nguyên vật liệu khá đắt, lại làm kỳ công nên với giá bán 200.000 đồng/kg, mỗi kg mình chỉ lãi được 30.000 đồng – 40.000 đồng. Vì vẫn phải đi học nên mình tranh thủ làm tối, có hôm thức đến gần 1 giờ sáng mới làm xong 2kg, nhưng mình thích làm việc này và cũng tranh thủ kiếm chút tiền sắm Tết cho gia đình”.
Bán chữ Văn Miếu
Giáp tết, trong khi bạn bè gói ghém đồ đạc về quê sum họp với gia đình thì Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) lại lỉnh kỉnh nghiên, mực, bút lông lang thang khắp phố phường bán chữ.
Với sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn, Hoàng Văn Thông (sinh viên năm 3, ngành Quy hoạch, ĐH Kiến trúc Hà Nội) tặng chữ không lấy tiền. Số tiền chắt chiu từ việc bán chữ ngày xuân, Thông gửi tặng bố mẹ một phần, còn lại dùng trang trải cuộc sống – Ảnh Kiều Linh
Văn Thông sinh năm 1993, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ ở quê quanh năm lam lũ, chỉ trông vào mấy sào ruộng khô cằn nên từ ngày chân ướt chân ráo vào đại học, Thông đã đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thông đi khắp thành phố Hà Nội để bưng bê ở các quán cà phê, đi giao hàng… Năm nay, với số vốn 3 triệu đồng vay mượn từ bạn bè, Thông sắm đầy đủ cho mình một bộ bút lông, nghiên, mực để xuống phố bán chữ. Thông cho biết, trừ tiền mực, tiền giấy, nghiên… tiền lời mỗi chữ thu về cũng chưa đến 10.000đ.
Thông đi khắp nơi, khi ở phố Nguyễn Khuyến, lúc ở phố Văn Miếu đến tối mịt mới trở về phòng. Hỏi Thông khi nào về quê ăn tết, Thông ngậm ngùi: “Tranh thủ mấy ngày tết mình làm thêm kiếm chút tiền gửi về cho bố mẹ sắm tết. Tiết kiệm được thêm chút nào hay chút đó, chứ giờ vé tàu về tết rồi lại ra cũng mất gần 500.000đ. Tốn lắm!”.
Bảo vệ
Ngoài công việc bán hàng, phục vụ ăn uống…; nhiều sinh viên chọn công việc bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Khung cảnh đường hoa rực rỡ, dòng người náo nức du xuân càng thêm khiến nhiều người trẻ xa quê khắc khoải mơ phút đoàn tụ.