Tạp chí Pháp L’Express dưới bức chân dung của tổng thống Nga ở trang bìa, chạy hàng tít đập mắt : « Putin siêu sao », nêu bật một số nguyên nhân của sự chú ý hiện nay : Trước tiên là Thế vận hội mùa đông đầy thách thức ở Sotchi, (khiến các cập mắt đổ dồn về Nga), khủng hoảng ở Ukraina, nước láng giềng mà Nga có nhiều ảnh hưởng…
Mở đầu hồ sơ dài hơn một chục trang, tạp chí Pháp điểm lại các sự kiện đã làm cho ông Putin trở nên ‘siêu sao’ trên sân khấu chính trị thế giới, Thế vận hội mùa đông Sotchi – một thắng lợi của Nga và cũng là thắng lợi của bản thân vị tổng thống – khai mạc vào ngày thứ Sáu, 07/02 tới đây dĩ nhiên là đã đưa ông ra trước các ánh đèn, nhưng ông cũng đang đắc thắng với nhiều hồ sơ mà ông đã lèo lái : Từ Ukraina cho đến Syria trên chính trường thế giới, cho đến hồ sơ tình báo Mỹ Snowden.
Trong nước thì gây ngạc nhiên và được tiếng tốt là quyết định trả tự do cho Khodorkovski và các thành viên nhóm nhạc Pussy Riot. Tạp chí Pháp nhận thấy vị cựu đại tá KGB rất tự tin vào sức mạnh của mình đang mơ tưởng xây dựng lai một đế chế chính trị và kinh tế để đưa nước Nga trở lại thời vàng son.
Tuy nhiên không chắc « siêu sao Putin » sẽ tiếp tục chói sáng và mọi việc sẽ tốt đẹp. L’Express lấy ví dụ điển hình là Thế vận hội mùa đông ở Sotchi. Chưa biết là các vận động viên Nga sẽ giành được bao nhiêu huy chương, nhưng Sotchi thì đã được huy chương thế vận về chi phí đắt đỏ nhất trong Lịch sử và về tham nhũng. Thế vận hội Sotchi cũng có nạn nhân : Khoảng 3000 người đã bị ngang nhiên di dời, đất họ ở đã bị trưng thu.
Và theo L’Express, cũng do các luật lệ mang tính chất kỳ thị ở Nga, nhiều lãnh đạo phương Tây đã từ chối lời mời không đến dự lễ khai mạc, nhiều người đã tội nghiệp cho Tổng thống Nga sẽ phải ở trong thế rất lẻ loi.
Tình hình phức tạp tại Ukraina
Tạp chí Courrier International cũng nói đến Nga và ông Putin nhưng qua hồ sơ Ukraina đang trong bế tắc. Bên cạnh ảnh một người biểu tình ngồi trước bao cát đắp thành chiến lũy, đăng trên trang bìa, tạp chí nói đến « cơn thịnh nộ của một dân tộc » và giải thích lý do khó khăn, bế tắc hiện nay : Người biểu tình bác bỏ mọi thỏa hiệp với chính quyền và cũng giữ khoảng cách với cả lãnh đạo đối lập.
Tạp chí điểm lại tình hình : Phong trào đối kháng ngày càng mạnh mẽ, bạo động đã khiến nhiều người thiệt mạng, đối lập vẫn tiếp tục thương lượng với chính quyền, nhưng ‘đường phố’ ở thủ đô Kiev và ở tỉnh không còn nghe theo. Trước quy mô của phong trào phản kháng, chính quyền Ukraina có vẻ nhượng bộ. Courrier International nhận thấy Ukraina đang đứng trước một bên là sự thay đổi triệt để của xã hội và một bên là nguy cơ xung đột nghiêm trọng thêm hơn. Châu Âu và Nga có vai trò giúp Ukraina ra khỏi khủng hoảng.
Tạp chí trích báo Đức – Frank Herald Franckfurter Rundachau – đưa ra lời kêu gọi Châu Âu và Nga phải thỏa thuận vói nhau. Tờ báo phân tích tình hình khẩn trương, vì đường phố Ukraina là đấu trường của một cuộc nội chiến, người biểu tình tỏ nỗi bức xúc sâu sắc, nhưng sự bức xúc không phải là một chương trình hành động và cũng là yếu tố cản trở việc tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Bài nhận định không loại trừ khả năng Tổng thống Ianoukovitch rút lui nhưng cho là điều này không giải quyết được tình hình. Tuy nhiên tác giả cũng thấy một lối ra : Đó là Châu Âu thỏa thuận với Nga trên hồ sơ này, nhưng đến nay thì Châu Âu vẫn từ chối điều đó. Khủng hoảng nổ ra do chính phủ Kiev không ký hiệp định liên kết với Châu Âu, nhưng trước tình thế Ukraina, Châu Âu cho thấy rất họ là lúng túng.
Cho nên, theo bài báo, đã đến lúc phải từ bỏ thái độ chống đối Nga một cách cứng ngắt, vì Nga một nước có quyền lợi thiết yếu và ảnh hưởng lớn tại Ukraina. Tác giả bài báo hy vọng hai bên hợp tác có thể ảnh hưởng được trên Kiev. Điều quan trọng nhất trước mắt là ngăn không cho số người chết tại đây cao thêm.
Chế độ Bắc Kinh phải minh bạch
Nhìn về Châu Á, Courrier International chú ý đến Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tạp chí mô tả số phận hẩm hiu những người chạy trốn khỏi đất nước Bắc Triều Tiên đen tối, sống vất vưởng ở Trung Quốc, tại vùng sát biên giới. Về Trung Quốc, Courrier trích báo The Diplomat, phát hành tại Tokyo, phân tích : « Tại sao chế độ phải tỏ ra minh bạch ». Tạp chí cho là khi ém nhẹm các tiết lộ về tài sản bị che giấu của gia đình các lãnh đạo, Bắc Kinh đã phạm một sai lầm chính trị.
Bài viết bắt đầu bằng nhận xét rằng việc nhiều kẻ giàu ở Trung Quốc có quan hệ với cấp lãnh đạo không phải là thông tin mới mẻ gì, việc họ có trương mục ở ngân hàng nước ngoài cũng vậy, kể cả việc họ làm giàu do dựa vào quyền thế hay tham nhũng. Bài báo nhắc lại là 50 người giàu nhất trong Quốc hội Trung Quốc nắm đến 94,7 tỷ đô la, và so với họ thì nghị sĩ Mỹ quả là ‘nghèo nàn’ : 50 người giàu nhất Quốc hội Mỹ chỉ nắm tổng cộng 1,6 tỷ đô la.
Mối liên hệ giữa tiền bạc và chính trị rất rõ rệt ở Trung Quốc.
Thế tại sao báo cáo của Hiệp hội Quốc tế các Phóng viên Điều tra (ICIJ), theo đó 22.000 người Trung Quốc thành lập công ty hải ngoại để đầu tư hay cất giấu tiền, lại gây ra phản ứng sôi nổi và chính phủ Bắc Kinh lại nỗ lực bóp nghẹt thông tin như vậy ?
Bài báo nêu trước tiên vấn đề tâm lý, kẻ giàu vẫn bị nghị kỵ trong chế độ Trung Quốc từ trước đến nay. Hơn nữa lại là trong giai đoạn ông Tập Cận Bình mở chiến dịch chống tham nhũng. Lẽ ra báo cáo nêu lên 22.000 trường hợp có khả năng tham nhũng này phải được hoan nghênh thay vì bị kiểm duyệt.
Nhưng ở đây theo bài báo cũng có một vấn đề liên quan đến cá nhân ông Tập Cận Bình : có lẽ ông chẳng vui vẻ chút nào khi trong số người nêu danh có người anh em rể của ông.
Thách thức thật sự đối với Bắc Kinh là bản báo cáo cho thấy một sự mất mát quyền lực không nhỏ của giới lãnh đạo đất nước. Những thông tin này tạo cơ hội cho dư luận chất vấn chính quyền. Nếu chỉ nêu lên một thủ phạm, thì người dân sẽ lại thắc mắc về hàng trăm trường hợp khác. Giấu nhẹm báo cáo là chính quyền muốn nắm quyền phán xét ai có tội ai không?
Nhưng tác giả bài phân tích cho là vì lợi ích chung của những công dân giàu có ở Trung Quốc và của chính quyền, thì Bắc Kinh nên tỏ ra minh bạch và công bố danh sách. Nếu không thì sẽ có một sự nhầm lẫn, không minh bạch thì làm thế nào cổ vũ cho một nhà nước pháp quyền và tránh cho số 22.000 kẻ trong báo cáo không trở thành những mục tiêu vì những lý do chính trị ? Nhất là làm thế nào để người dân Trung Quốc tin là lãnh đạo của họ tôn trọng những quy tắc mà họ áp đặt lên mọi người.
Theo RFI