- Vậy ý tượng là gì? Trước tiên, ý tượng không phải là biểu tượng như có người nói, không thể đem ý tượng đánh đồng với kinh nghiệm cảm quan ban đầu. Biểu tượng là một khái niệm tâm lý học, là ký ức (hình ảnh) của sự vật khách quan được não giữ lại một cách chủ quan, là hình ảnh sự vật mang tính chủ quan, nó là dạng cơ bản của việc nhận thức cảm tính trực quan của não người đối với thế giới khách quan. Biểu tượng là những hình ảnh được giác quan cảm nhận và lưu lại tương đối nguyên vẹn, nó có một ý nghĩa xác định nào đó nhưng lại không mang tầng sâu ẩn ý để ta khai phá, giải mã. Nếu đem so với ý tượng mang hứng thú thẩm mỹ và các mã văn hoá thì khác nhau một trời một vực. Đương nhiên ta không thể nói ý tượng không liên quan gì đến biểu tượng. Biểu tượng là chất liệu cơ bản cho ý tượng hình thành, sau khi trải qua quá trình cải tạo của một loạt những hoạt động tâm lý phức tạp và được cấp cho những ẩn ý sâu sắc, nó có thể thăng hoa thành ý tượng. Về sự thăng hoa từ biểu tượng lên ý tượng, nhà nghiên cứu Dương Nghĩa đã nói: “Ý tượng không phải là phép cộng giản đơn của biểu tượng với một ý nghĩa nào đó, mà trong quá trình tụ hợp, nó dung hợp với “thần tứ” của thi nhân, dung hợp những ý thú tài học của nhà thơ, từ đó khiến cho biểu tượng và ý nghĩa vốn có đó không thể không nảy sinh sự thăng hoa và biến đổi thực chất của nó, trở thành một thể sống khiến người ta trở đi trở lại để tìm kiếm những ý vị của nó”.
- Thứ hai, ý tượng cũng không giống với ngữ tượng. Ngữ tượng là “hình tượng ở cấp ngôn ngữ”, nhờ vào chức năng chỉ vật của ngôn ngữ, mà độc giả sau khi đọc từ ngữ đó thì liên tưởng đến bản thân sự vật mà từ ngữ đó muốn chỉ, hoặc giả là thông qua từ ngữ làm kích hoạt (gợi lên, làm sống lại) ký ức biểu tượng có liên quan. Điều không thể phủ nhận là, bằng vào chức năng này ngôn ngữ có được khả năng thể hiện. Đối với văn học mà nói, ngữ tượng nằm giữa biểu tượng và ý tượng, nó có thể đạt được độ sâu của ý tượng, cũng có thể dừng lại ở tầng cạn ký ức biểu tượng ban đầu. Nếu ngữ tượng ở trong một ngữ cảnh nhất định, không những nó có thể thực hiện được chức năng cơ bản chỉ vật của nó mà còn là chìa khoá mở các loại ký ức và những điều thể nghiệm trong tình cảm cá nhân, nó sẽ kích hoạt cả hệ thống những kinh nghiệm phức tạp của tình cảm và lý trí, có thể mở cánh cửa của các ý tượng kỳ diệu. Ngữ tượng có thể đạt đến ý tượng hay không còn phải có một nhân tố khác quyết định – ngữ cảnh. Yan Bu Sun (Yên Bốc Tốn) từng nói, ngữ cảnh có thể làm cho ý nghĩa của một từ đạt đến mức “trọn vẹn”, nghĩa là ngữ cảnh khiến cho một từ có đầy đủ những lớp nghĩa mà trong văn bản không trực tiếp biểu hiện ra.
- Thứ ba, ý tượng cũng không giống với hình tượng nghệ thuật. Một vài hình tượng nghệ thuật có tính chất ý tượng, nhưng có hình tượng nghệ thuật thì chưa hẳn. Trong tiểu thuyết, nhiều hình tượng nghệ thuật mang tính chất miêu tả nhân vật và tình tiết làm trung tâm xuất hiện với tần số khá cao, nhưng thường không được người ta xem là ý tượng. Tiểu thuyết là nghệ thuật văn học mô phỏng hiện thực, hình tượng trong tiểu thuyết phần lớn là hư cấu nhưng lại đòi hỏi nó xuất hiện với hình thái khách quan hoá hiện thực sinh động, một hình tượng hoàn chỉnh thì chi tiết càng rõ ràng và phong phú. Còn ý tượng lại chú trọng vào những hình ảnh cảm xúc trong một lúc để ẩn dụ, tượng trưng, hàm ý ám thị hoặc hướng đến một ý nào đó (ý hướng). Với một hình tượng cụ thể, càng hoàn chỉnh thì chi tiết càng rõ ràng phong phú, mà “ẩn ý” (hàm ý) không thể nói ra thì lại càng ít đi. Vương Đình Tướng đời Minh, trong cuốn Bàn thơ cùng học sĩ Quách Giới Phu (Dữ Quách Giới Phu học sĩ luận thi thư) có nói: “Thơ quý ở ý tượng lấp lánh, mà không ưa sự thật chết dính” (thi quý ý tượng thấu oánh, bất hỷ sự thực niêm trước). “Sự thật chết dính” thì không thể có “ý tượng lấp lánh” được, điều đó cho thấy ý tượng phải đạt đến cảnh giới to lớn vô hình, vi diệu tinh thâm, tinh tế, lời gọn gàng mà ý vô cùng. Bởi vậy, học giả đương đại Ngô Sĩ Dư khi bàn về vấn đề “xây dựng ý tượng” của tiểu thuyết, có chỉ ra rằng: “Ngôn ngữ biểu đạt ý tượng (ngữ tượng) thường nhảy vọt, gián đoạn đồng thời theo những phản ứng cảm xúc mà trực giác tạo ra sự liên tưởng và tình cảm chợt tuôn chảy chợt dừng lại mà biến hoá không ngừng. Như vậy, việc biểu đạt ngữ tượng hiện ra một cách khác với cách thức biểu đạt của lối tư duy thông thường: sự giản luyện (ngắn gọn) của ngữ tượng, không gian của ngữ tượng được mở rộng, thiếu sự liên hệ logic nhân quả tất nhiên tạo bước nhảy không liền mạch”. Đặc điểm này khiến cho ý tượng thích dụng với thơ ca, chính vì vậy, ý tượng trở thành một phạm trù của lý luận văn học luôn được nuôi dưỡng và lớn lên trong mảnh đất thơ ca, chỉ mấy năm gần đây mới được các nhà lý luận dùng vào tiểu thuyết. Ở chương “Ý tượng” trong cuốn Trung Quốc tự sự học, nhà nghiên cứu Dương Nghĩa có phân tích ý tượng “bươm bướm” trong đoạn Bảo Thoa đùa bướm ở truyện Hồng lâu mộng mang một nét văn hoá truyền thống, và giải thích ý tượng “hoa quế muộn” (trì quế hoa) dưới ngòi bút của Úc Đạt Phu tượng trưng cho tính dục và sự thăng hoa của dục niệm, một cách vô cùng thấu đáo. Đồng thời, ông nắm vững ranh giới giữa ý tượng và hình tượng tiểu thuyết nói chung một cách rạch ròi. Ông nói: Ý tượng “không giống với hình tượng thông thường”, “ý tượng và hình tượng nằm ở hai tầng khác nhau của chức năng tự sự”.