Suốt 7 năm học chung trường từ ĐHKH đến ĐHYK tôi chưa bao có cơ hội nói chuyện với PDL kể cả họp tổ, học chính trị hay đi công tác thực tế. Tôi chỉ nhớ PDL lờ mờ qua hình ảnh cao ốm, có nụ cười hiền lành mỗi lần gặp trên hành lang. Sau 1978, mỗi đứa trôi giạt mỗi phương. Qua web site của Võ Khôi Bửu tôi biết có lần PDL vào chùa tu gieo duyên mấy tháng theo kiểu Phật giáo mguyên thủy. Có lúc thấy hình PDL chụp chung với Ngô Phước Long ở California? Rất khó biết vì Ngô Phước Long tuy ở Cali nhưng không tiếp xúc bạn bè trong lớp. Mãi tới 2011, tôi vào Facebook PDL mới ngỡ ngàng nhận ra tôi ở đó. Tôi và PDL hay trao đổi những clip hay. Có lúc PDL soạn nhạc, chơi đàn, hát cho Facebook nghe. Có những bài hát trình bày rất chuyên nghiệp có quay ngoại cảnh. Giọng PDL hay nhưng rất tiếc chỉ nổi lên ở tuổi xế chiều! PDL có 1198 followers trên Facebook vào lúc PDL từ giã FB. Tôi khuyên PDL: FB giống như con sông đang chảy cuồn cuộn mình chỉ cần đứng trên bờ ngắm, cần gì phải từ giã, PDL viết rất hăng say, về Phật giáo nguyên thủy , về Dĩa Bay (UFO) với tất cả chứng cớ, về thần học…Qua giao tiếp chúng tôi không đá động tới việc làm, gia đình, chính trị, khi tôi biết được gia đình PDL có tổ chức làm từ thiện tôi xúi PDL làm tích cực hơn nữa, qua hình ảnh , PDL đã tiếp tay cho các bà phước bên Công giáo. (PDL và con gái PDL vẫn còn liên lạc với các bà Phước lúc trước 1975 làm trong Cafeteria của Đại học Y khoa Saigon). Có lúc vợ chồng PDL và các em Luyện khám bịnh phát thuốc ở Định Quán cùng với nhóm thiện nguyện khác. Có lúc họ đi xuống sâu miệt vườn , sông nước mênh mang giữa xóm nghèo xơ xác, có lúc PDL tươi cười với đám người thiểu số mặc xà rông tới khám bịnh, nhận trợ phẩm ở cao nguyên. Trong lớp mình có Nguyễn Thị Ngọc Trâm góp tài chánh. Thình lình PDL email tôi “công tác thiện nguyện dừng ở đây, đừng gởi tiền nữa”. Tới bây giờ tôi mới biết PDL lúc đó đã kiệt sức và cạn tiền. Tôi đã lỗi lầm không nhận ra rằng người cần được giúp nhiều nhất chính là PDL. Cách đây vài tuần PDL viết lời từ giã với các “bạn ảo”trên Facebook, tôi đang bận rộn đi CME (continue medical education) ở Palm Spring nên không đọc chi tiết. Một con người hiền lành, đạo lực cao như PDL, một khi đã từ giã có ý ra đi thì bạn bè vợ con cũng không níu lại được. Bây giờ tiếng hát đã tắt, cung đàn gãy nhịp, những bài viết của PDL chỉ còn lại trong kỹ niệm. Chết là thường tình nhưng chết làm sao để lại cho ngừoi sống những thương tiếc mới khó. Tôi thực sự khóc khi nghe PDL chết. Có lần gặp mặt trong lớp ở Santa Ana, khi nhắc đến những bạn đã chết, Hồ Xuân Sơn trân trong tuyên hứa HXS từ nay tình nguyện tuần tự sẽ xin tiễn đưa từng bạn đến nơi an nghỉ cuối cùng và HXS sẽ đi cuối. HXS ơi, tôi cũng mong bạn sẽ đạt được ý nguyện đó. Nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải…chết thôi.
Bác sỹ Phạm Doãn là người đã có nhiều chứng đắc trong phát triển tâm linh (thực hành Mật Tông), trước khi quay sang Theravada. Cũng nhờ nghiên cứu Theravada, cộng thêm kiến thức triết học và tôn giáo, bác sỹ Phạm Doãn đã nhìn ra nhiều điểm mà một số trường phái Theravada phổ biến đang cản trở quá trình tu tập. (*)Thỉnh thoảng bác sỹ cũng trao đổi với tôi một số quan điểm của mình, qua chat, qua email hay qua những buổi gặp tại nhà hoặc ở quán cafe cạnh nhà. Tôi biết có nhiều chuyện mà bác sỹ chưa muốn nói, hoặc chỉ nói gián tiếp, tế nhị. Thực tình thì tôi cũng mong khi nào đó bác sỹ sẽ nói ra những điều này, vì chính bác sỹ trước đó đã viết và nói rất tốt về nó, nếu được nói ra thì sẽ giúp được nhiều người cân bằng được tín và tuệ.
Trong những bài viết cuối của mình trên FB, bác sỹ cũng đã nói một số điểm quan trọng. Cho dù có nhiều người không ưa và nói ra, nhiều người không ưa, và im lặng thì sự thật vẫn là sự thật. Cái tính tôn giáo không nằm ở tôn giáo, nó nằm ở những con người như bác sỹ Luyện, nằm ở những vị chân tu đang thực hành theo cốt tủy của giáo pháp đâu đó nơi một ngôi chùa, trong một thiền viện hay trong rừng sâu…
Với năng lực thực hành tâm linh vốn có, cộng với những hiểu biết của có được trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đạo Phật và các tôn giáo khác, đặc biệt là Theravada, bác sỹ đã ra đi trong sự tỉnh táo. Không những thế, nhìn tấm ảnh anh cười trong phòng tang lễ, tôi biết bác sỹ đã thành công trong việc ảnh hưởng tốt tới người thân trong gia đình.
Tôi cảm nhận bác sỹ Phạm Doãn còn chơi đâu đó trước khi dừng chân tại một cõi an lành, nơi mà anh tiếp tục sự tiến hóa tâm linh của mình.
Cảm ơn anh vì đã ghé chốn này, đã chia sẻ, đã dẫn đường, đã tạo nhiều cảm hứng cho những người đang trên con đường phát triển tâm linh như anh.
Lên đường may mắn, anh Luyện!
–(*) Trong một phạm vi hẹp, tôi có thể nói rằng bác sỹ đã từ bỏ con đường Theravada.
Lần đầu gặp nhau, ai ngờ đâu lại là lần cuối!
Chú đã sống một đời phước thiện, trên phương diện bác sĩ đã cứu giúp được bao người không một chút vụ lợi. Trên con đường đạo Pháp với cá tính một tri thức, chú đã tìm hiểu và có những bài viết làm sáng rõ nhiều điểm quanh Pháp học và Pháp hành của đạo Phật. Lâm bệnh trong thời gian ngắn ngủi và ra đi trong tỉnh thức bên những người thân yêu nhất của mình. Vô thường tìm đến bất ngờ quá, nhưng “sống hạnh phúc – chết bình an” như vậy thì triệu triệu người trên thế gian này cũng chưa dám chắc có được.Con và chú quen nhau trên mạng, giờ chúng ta lại chia tay nhau trên mạng. Post lại bức ảnh này, là kỷ niệm lần đầu hẹn nhau cafe giữa phố Sài Gòn sau hơn 6 năm quen biết trên mạng như một lời tạm biệt, khi hôm nay gia đình đưa linh cữu chú đi hỏa táng. Nhớ hôm đó, hai chú cháu nói chuyện không dứt trong hơn hai tiếng, nhưng đã gần trưa nên chú phải về nghỉ để chiều có lịch hẹn khám chữa bệnh cho mọi người. Chú lấy xe đi trước, con lấy xe đi sau, đã hẹn là sẽ gặp lại nhau, nhưng ai ngờ lần đầu gặp nhau ở ngoài đời lại cũng là lần cuối. Còn bao điều con muốn chia sẻ với chú về đạo Pháp trong thời điểm này thì duyên của chúng ta lại chỉ trùng phùng quá ngắn. Thôi ta hẹn gặp lại nhau ở một kiếp tái sinh vị lai chú nhé!
Cảm ơn chú rất nhiều, một người bạn lớn trên con đường tâm linh của con!
Goodbye my friend [ Phạm Doãn ].