Hành thiền vô điều kiện. Trải nghiệm thiền tự nhiên
Monday, November 17, 2014 23:49
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Từ nhà riêng đến khóa thiền, thiền viện và làng thiền
Đó là vào 07/2014, tôi đang hành thiền tại thiền viện Shwe Oo Min, ở ngoại ô thủ đô Rangoon. Chỉ còn khoảng vài tuần nữa trước trước khi kết thúc chuyến đi đã kéo dài hơn hai tháng tại Miến Điện thì xảy ra một trải nghiệm lạ lùng. Trong một buổi thiền, một vị sư áo đỏ hiện ra và nhắn tôi gặp thiền sư Ashin Tejaniya để chia sẻ với ngài một điều. Thiền sư Ashin Tejaniya dạy rằng vạn vật là đối tượng, còn nhà sư áo đỏ dạy tôi rằng hãy để mọi đối tượng mất đi. Rõ ràng đây không phải giấc mơ, vì năng lượng của vị sư áo đỏ quá mạnh, làm tôi tràn ngập hạnh phúc cả ngày hôm đó, mặc dù lúc đó tôi chưa biết ngài, cũng không hiểu thông điệp của ngài.
Nghe chuyện này, cô học trò đã rủ tôi qua thiền viện Shwe Oo Min đưa ngay cho tôi một cuốn sách của một thiền sư Miến Điện, ngài Ottamasara. Cô bé, đã đi nhiều thiền viện Phật giáo nguyên thủy nói với tôi rằng cuốn sách đến với mình như một cái duyên dưới một sự dẫn dắt.
Tư tưởng của Ottamasara rất căn bản, trùng hợp với những điều tôi đã trải qua, đã nghiền ngẫm, đã viết, đang giảng dạy và đang tư vấn. Là người đọc và viết khá nhiều, ấn tượng của tôi về cuốn sách thực bình thường. Thậm chí tôi cho rằng không phải ai cũng hiểu cách viết của Ottamasara, nếu họ thiếu trải nghiệm hoặc cần một cách diễn giải khác. (Sau này đọc nguyên bản tiếng Anh những bài chép các buổi nói chuyện của thày bởi những người ở bên Ottamasara nhiều năm, tôi thấy rằng chúng chứa một sự thấu hiểu sâu sắc hơn hẳn bản dịch tiếng Việt tôi được đọc ngày ấy)
Cũng cô học trò này đã giúp tôi đến với khóa thiền Vipassana 10 ngày đầu tiên với thày Goenka vào tháng 09/2013. Tôi cũng đã có những trải nghiệm vô cùng sâu sắc trong khóa thiền này. Tôi phát hiện ra căn nguyên tiền kiếp khi quan sát cơn đau bụng. Tôi hiểu ra quy luật tâm thức đằng sau pháp thiền này. Vào buổi thiền cuối cùng, khi mọi người được yêu cầu rải tâm từ, tôi chưa kịp làm gì thì đã thấy một luồng năng lượng ập tới, thế là tôi khóc nức nở. Bước ra khỏi thiền đường, tôi thấy những luồng hào quang lớn của vài tinh thần vĩ đại xuất hiện sững sững trong không gian ngay trước mắt tôi.
Trước đó một vài năm tôi chỉ tự thực hành thiền tại nhà riêng. Tôi có rất nhiều trải nghiệm từ tuyệt diệu đến chán nản. Tôi hoàn toàn không hiểu chuyện gì thực sự xảy ra trong khóa thiền Vipassana đó. Chỉ biết rằng một tuần sau đó, tôi đã nộp đơn thôi việc để chuyên tâm vào giảng dạy tâm linh.
Tháng 08/2014 như một lời mời, ai đó lại đặt một bản giới thiệu về ngôi làng Thabarwa của thiền sư Ottamasara ngay trước cửa phòng tôi. Chính cô học trò này đã nhìn thấy, nhặt lên và chuyển nó lại cho tôi. Tôi đọc nhưng lý trí vẫn tiếp tục cưỡng lại việc đi đến ngôi làng.
Tôi đã tham gia các khóa tu thiền của Phật giáo nguyên thủy theo dẫn dắt của tâm thức thiền trong các buổi hành thiền một mình hoặc tập thể. Trong những giờ thiền cuối cùng tại Shwe Oo Min, thông điệp tâm thức về việc cần gặp Ottamasara trở nên rất rõ nét. Tôi thực lòng vẫn muốn đến các thiện viện nơi dạy những kỹ thuật chưa biết hoặc khác biệt. Tôi vốn là người thích trải nghiệm phong phú, có thể dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức. Tôi không hề biết rằng “đổi thay” chính là điểm chốt trong phương pháp của Ottamasara mà chỉ khi nào đã ở trong luồng chảy đó, không phải khi nghe giảng pháp hay đọc sách, tôi mới ngộ.
Thabarwa
Ngay khi, tôi quyết định đi Thabarwa, ngài quản lý của Shwe Oo Min đã nhờ người bên đó đón tôi và sắp xếp chỗ ăn ở, một thiền sinh cùng trường cho tôi tiền, hai người Myanmar thuê xe và dẫn tôi đến đó. Thế là tôi có mặt ở ngôi làng Thabarwa vào một ngày đầu tháng 08/2014.
Đó là một ngôi làng với khoảng 26 nghìn cư dân và hơn một trăm tình nguyện viên. Người nghèo, người già, người bị bệnh nan y, người ngoài lề xã hội đến đó để được cung cấp nơi định cư. Dân làng đều nghe giảng pháp qua hệ thống loa đài hoặc tại phòng thiền chung của ngôi làng, nơi Ottamasara thiền và giảng pháp hàng ngày. Phần lớn người dân hành thiền tại nhà riêng hoặc khu ở của mình vì chỗ đó xa phòng thiền trung tâm, hoặc vì họ vẫn phải lao động kiếm sống cả ngày hoặc là họ quá yếu mệt.
Ở Thabarwa, có khoảng một trăm người quan tâm đến mô hình cộng đồng tâm linh và thiện nguyện đến đó ở thường xuyên để giúp đỡ thiện nguyện.
Việc đầu tiên của tôi khi đến Thabarwa là lấy hết tiền trong ví ra để cúng dường. Tôi chẳng còn một xu dính túi trước khi đi đến nơi này, số tiền tôi có là do một thiền sinh khác cho tôi vô điều kiện, nên tôi lại cho đi vô điều kiện. Tôi biết mình sẽ được cung cấp nơi ở, thức ăn, thậm chí được đưa ra sân bay miễn phí. Tất cả những gì tôi hay bất kỳ người khách xa lạ nào được hưởng miễn phí ở đây đều là nhờ tiền cúng dường và lao động tình nguyện.
Ở Myanmar có rất nhiều thiền viện và hành thiền rất được coi trọng. Theo truyền thống Phật giáo ở quốc gia này, thiền sinh được ăn ở miễn phí tại thiền viện, nơi họ sẽ hành thiền nhiều ca thường từ 4h sáng đến 8, 9h tối, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Thiền sinh chỉ thiền, thiền và thiền mà thôi. Việc chuẩn bị đồ ăn, những điều kiện sinh hoạt căn bản đều do tinh nguyện viên thực hiện dựa trên đóng góp thiện nguyện.
Tuy nhiên, người hành thiền chủ yếu là người đã xuất gia hoặc cư sỹ không có nhiều vướng bận gia đình và mưu sinh. Người nghèo, người bệnh và người ngoài lề xã hội không được hưởng lợi ích của tu tập thông qua nghe pháp và hành thiền bởi vì họ phải đầu tắt mặt tối với miếng cơm, manh áo, con cái và bệnh tật.
Thabarwa khác xa với những trung tâm thiền của Myanamar và khắp nơi trên thế giới. Ottamasara đi xa hơn rất nhiều so với phần lớn thiền sư Miến Điện khi sẵn sàng cung cấp nơi ăn, chốn ở và một môi trường hành thiền vô điều kiện bất kỳ ai đến với ông để hỏi xin sự giúp đỡ, chứ không phải xin thiền.
Ngài Ottamasara
Cách đây nhiều năm, Ottamasara khi đó là một ông chủ đã được thức tỉnh tâm linh sau khi tham gia một số khóa thiền. Nhận thức được vấn đề của các thiền viện và của xã hội Myanamar, Ottamasara đã chủ động tìm đến từng nhà dân bình thường và gặp gỡ những người ngoài lề xã hội để hướng dẫn thiền và giảng pháp. Từ bỏ toàn bộ hoạt động kinh doanh và cuộc sống đời thường, ông dành hết tiền và thời gian cá nhân để đi chỗ này đến chỗ khác giúp đỡ những đối tượng không có chỗ trong các thiền viện ở một đất nước tràn ngập thiền viện miễn phí.
![]() |
Ngài Ottamasara – ở vị trí thứ 2 từ bên trái tấm ảnh |
![]() |
Phái đoàn Việt Nam sang thăm trung tâm của ngài Ottamasara |
Ông đưa ra nguyên lý giúp đỡ và hành thiện không ngừng, không chấp vào bất kỳ thời gian, nơi chốn, phương pháp, đối tượng nào và ông đi đầu trong việc thực hành nguyên lý đó.
Càng ngày càng có nhiều người muốn bỏ chỗ ở, bỏ công việc, bỏ tài sản, đi theo ông để được nghe giảng pháp và thiền, hoặc giúp đỡ ông nhưng ông không có địa điểm cho họ. Để tiếp nhận những đối tượng này, trường thiền đầu tiên nằm trong một tòa nhà văn phòng ở thủ đô Rangoon được thành lập và sau đó là ngôi làng Thabarwa.
Những đối tượng như người nghèo, đến mức chẳng có nhà cửa và công việc, người mắc bệnh nan y, rất nặng như HIV hay bại liệt, và cả tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cắp, người bị gia đình bỏ rơi, trong đủ mọi tình trạng từ già yếu sắp chết …là cư dân chính của ngôi làng đông hàng vạn người này.
Đông thứ hai nhưng thực chất chỉ có khoảng trăm người là đội ngũ tình ngyện viên, tự nguyện đến ở và làm việc tại ngôi làng. Họ cũng sinh hoạt trong những điều kiện kiểu phòng trọ tập thể, chật, tối, bẩn và đơn giản đến khó hiểu với người Việt Nam.
Bản thân Ottamasara cũng chia sẻ tất cả những điều kiện sinh hoạt với những người ông giúp. Ông không trầm mặc hay béo tốt như nhiều thiền sư khác, mà gày còm, viêm họng thường xuyên và bận túi bụi.
Hành thiền để xin chỗ ở