Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi vì không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười.
Có một câu chuyện kể rằng : văn sĩ triết gia Saint-Exupéry từng là phi công tham gia chống phát xít trong Đệ nhị Thế chiến. Chính từ những nǎm tháng này ông đã viết ra tác phẩm “Nụ cười”. Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật.
Trong truyện, Saint Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết :
“Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi :
- “Xin lỗi, anh có lửa không”…
Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi :
- “Có”, tôi đáp và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình.
Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười”.
oOo
Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn đó một điều thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn. Tôi tin rằng : nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay cǎm thù oán ghét nhau.
Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau. Một nữ tu ở Calcutta đã cảm nhận được điều này trong cuộc sống, và bà đưa ra lời khuyên chân thành : “Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ, với chồng, với con cái bạn và với mọi người dù đó là ai đi nữa, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau…”
Kiều Đắc Thềm post
Vẻ khoáng đạt của đại ngàn với màu xanh mát rượi sẽ khiến người ta quên hết mệt mỏi. Bụi đường của 120 km từ Hà Nội đến Cúc Phương (Ninh Bình) sẽ tan biến khi bước qua cánh cổng vào với rừng xanh.
Đường vào rừng len lỏi xuyên qua những tán cây. Cái nắng thu cuối chiều đã nhạt nhường chỗ cho màn sương mỏng bảng lảng khắp không gian. Đâu đây, vẳng nghe tiếng lũ chim ríu rít gọi nhau về tổ, tiếng côn trùng lẩn mình trong đám cỏ xanh. Đêm xuống thật nhanh và bóng tối nhanh chóng lan tỏa khắp các hang cùng ngõ hẻm. Con đường thưa thớt ánh đèn.
Từ cửa rừng vào đến giữa rừng khoảng 20 km, không phải là quãng đường dài lắm, nhưng vì cái thi vị của một đêm chạy xe trong tiếng gió rì rào không ngớt của ngàn lá cây khiến bất cứ ai cũng không vội đi nhanh. Những chiếc xe nối đuôi nhau quét những mảng ánh sáng sang hai bên. Đường mỗi lúc một dốc hơn, rừng mỗi lúc một rậm rạp hơn và thưa vắng hơn. Sương đêm đủ làm se lạnh những đôi má và gió đêm đủ làm những đôi bàn tay thêm nhấn sâu vào túi áo cho đỡ lạnh.
Cánh phượt nhiều lần chạy đến với Cúc Phương chỉ để có chút thời gian hít hà lấy hương vị của rừng. Giữa không gian thoáng đãng, mát mẻ của hàng trăm nghìn loài cây, đôi lúc họ chỉ hứng thú đi bộ trong những con đường mòn nhỏ, tìm đến những loài cây quý hiếm trong khu rừng rậm rạp hay đôi ba lần chạy xe đạp đùa nghịch, sung sướng hưởng cái khí tươi mới này. Có nhiều khi chẳng đi đâu xa, họ chỉ đung đưa nhịp chân trên chiếc xích đu ngay trước khu nhà nghỉ, nheo mắt vui vẻ với ánh mặt trời đang nhảy nhót xuyên qua những tán lá.
Ngôi nhà gỗ nằm sâu giữa rừng hòa mình thân thiện với cánh rừng. Đêm trên ban công nhỏ của ngôi nhà nghỉ giữa xung quanh là rừng, tách trà ấm cúng với câu chuyện của những người bạn. Sương xuống se lạnh. Mùi gỗ trầm hương, đinh tử hương cùng hồi, quế phảng phất từ chiếc lư nhỏ trong ánh nến vàng óng như mật. Gió nhè nhẹ, không đủ làm tắt nến, chỉ khiến gỗ thêm thơm, câu chuyện dài thêm đượm. Ngoài khoảng không rừng già, thoang thoảng mùi ẩm ướt của đất, ngai ngái của cỏ, mùi gỗ và của sương.
Rừng đánh thức người khách lữ hành bằng bài hát của con chim sơn ca. Tiếng ríu rít líu lo khiến những kẻ hay ngủ nướng nhất cũng phải tựa tay chống cằm thưởng thức. Trong điệu hát, có niềm vui ca ngợi mặt trời, có nụ cười hân hoan của đôi lứa hạnh phúc, có khúc ca chào đón của rừng già. Lảnh lót.
Cả khu rừng như vừa được gột rửa sau một đêm tắm đẫm sương. Ánh sáng ban mai tô điểm cho những hạt sương và những nhánh cỏ khẽ gãi những đôi chân trần. Một đàn bướm vàng rồi bướm trắng xà mình dưới những lối đi, bước chân đi qua đủ làm cho những cánh bướm xinh rung rinh. Con nhện đang buông mành xà thấp, chú châu chấu nhảy tanh tách sau đám cỏ, bọ dừa lặng im trên lá… Dường như vạn vật đều đang bận rộn với công việc của bản thân mình, cũng ồn ào vội vã, cũng tất tả ngược xuôi, đâu đó trong cánh rừng sâu thẳm, các loài côn trùng đang làm cho rừng ngày một đẹp hơn.
Khi lữ khách đi mải miết đắm say trong vẻ đẹp thiên nhiên buổi sớm ấy, dường như bao lo toan và mệt mỏi đều tan ra cùng muôn màu sắc xinh tươi sống động của rừng. Dù thời đã trôi xa, một đêm với Cúc Phương vẫn in sâu trong một góc tâm hồn những ai một lần được trải nghiệm, để rồi lưu luyến và rồi thi thoảng lại chạy về trong vòng tay của rừng già.(theo Lam Linh)
Phan Tất Đại post
Hai ông bà nọ có ba cô con gái đều ngây thơ trong trắng. Hai ông bà chả bao giờ muốn xa chúng, luôn tìm cách chở che, đùm bọc. Vì thế, dù đã hơn hai mươi tuổi, các cô vẫn còn trong trắng ngây thơ. Nhưng rồi, thời gian trôi qua, ba cô cũng lấy chồng…
Hai ông bà rất tò mò không biết con gái mình sẽ thế nào vào đêm động phòng đầu tiên. Vì thế khi các cô con gái đi hưởng tuần trăng mật, hai ông bà dặn dò:
- Bố mẹ muốn biết chuyện gì xảy ra với con vào đêm đầu tiên và liệu các con có thấy hài lòng không. Hãy viết thư về cho bố mẹ, nhưng đừng làm chồng con tò mò. Hãy viết một chữ mật mã nào đó và gửi về cho bố mẹ tả về kinh nghiệm của con.
Thế là cô con cả đi tuần trăng mật. Cô gửi lá thư về chỉ với hai chữ “STAR CRUISE”. Hai ông bà mở tờ báo quảng cáo ra, và thấy trong đó có quảng cáo về con tàu du lịch Star Cruise với khẩu hiệu: To, Lớn, Mạnh Mẽ, Tốc Độ và Thân ái. Hai ông bà hài lòng lắm.
Đến là thư của cô kế. Hai ông bà mở ra và thấy trong đó có vỏ của NESCAFE. Nhìn vào tờ báo quảng cáo, hai ông bà thở phào hạnh phúc. Trong đó có ghi: NESCAFE – tận hưởng đến từng giọt cuối cùng.
Đến cô út, hai người nhận được lá thư với chữ “CATHAY PACIFIC”. Bà mẹ mở tờ báo ra xem và lăn đùng ra ngất xỉu. Ông bố vội chạy tới xem và choáng váng. Khẩu hiệu của hãng Hàng không Cathay Pacific là “bảy ngày một tuần, ba lần một ngày – không nghỉ”.
Yên Nhàn post
Filed under: Sự kiện Tagged: Tổng hợp, TG quanh ta
2014-11-24 18:00:07
Nguồn: https://clbhongoccan2013.wordpress.com/2013/09/28/su-kien-quanh-ta-40/