Kính gửi các đàn anh và các bạn cùng lứa,
Đàn em đọc hồi đáp của sư huynh Việt trên bản tin rồi, vui và cảm ơn anh đã có lòng. Nhiều lúc ngẫm ngợi, có chút ghen với hạnh phúc của lớp đàn anh. Em nghĩ Tổ sư Giám mục HNC trên thiên đàng, chắc hiểu nỗi lòng đám sư đồ dưới thế. Ngoài Ngài ra, coi bộ ít đồng môn nào có thời gian quởn để bâng khuâng. Chư huynh biết bọn sư đệ mình nghĩ gì không ?
Tụi em nghĩ rằng, trong các thế hệ môn đồ HNC, thì lứa vừa sắp trưởng thành khi kết thúc chiến tranh VN, như tụi em chẳng hạn, là lứa bất hạnh nhất. Chắc các anh chấm hỏi ? Này nhé…
Thời các anh, có ai cụ non như thằng bạn vẽ tranh tượng trưng tam giác và vòng tròn mà bài trước em kể không ? Em đoán tuổi học trò của các anh hồn nhiên hơn tụi em, nghĩa là hạnh phúc hơn. Và, khi ra đời, cơ hội cũng nhiều hơn, thành đạt hơn. Nghe anh bảo, tới giờ còn liên lạc được với nhau mấy trăm anh trên khắp địa cầu, thiệt vui quá. Tất nhiên, trước hết do công sức và tấm lòng của thế hệ anh hơn hẳn tụi em. Nhưng tụi em, cũng có lý do khách quan khi không làm được điều tương tự. Các anh may mắn được học trong những năm đất nước còn chưa đến nỗi điêu linh, dân số SG – GĐ còn thưa, lòng người còn lạc quan…, tương lai còn tươi hồng hy vọng.
Nhưng lứa tụi em, vào trung học sau biến cố Mậu Thân, một biến cố không chỉ trên mặt quân sự, chính trị của cuộc chiến mà còn trong lòng người khi nghĩ tới ngày mai.
Những ưu tư của người lớn, mà gần gũi nhất là cha mẹ và thầy học, đã sớm thấm qua tâm hồn bọn thiếu niên nhạy cảm. Bọn em, đứa nào học trễ một năm thôi, thì ngay khi còn mới lớp 8, lớp 9 đã đánh mất tuổi xanh. Tụi em đã lờ mờ thấy cái gì đang chờ mình phía trước, chỉ trong ít năm nữa thôi ! Thế là, có một hiện tượng rất giàdặn xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của tuổi hoa niên : Làm cách nào để tránh khỏi sớm bị vùi vào cái ”vòng tròn trong hình tam giác” !
Mấy thằng học trễ tuổi, giờ ra chơi, không túa xuống sân xúm vào mấy xe giải khát mà tụm năm tụm ba bàn thời sự. Tụi nó chia sẻ ”kế” thoát hiểm. Đứa tính thi qua các trường kỹ thuật Cao Thắng hoặc Nguyễn Trường Tộ, vì hồi đó chính phủ quy định triển hạn quân dịch thêm một năm cho Kỹ thuật và Nông Lâm Súc, so với Phổ thông. Đứa tính bỏ Công Lập nhảy ra Tư Thục, học nhảy lớp cho kịp hạn tuổi. Đứa tính vào lực lượng bán quân sự để làm công nhân quốc phòng, như Lục quân công xưởng Gò Vấp hoặc Hải quân công xưởng Bason.
Cũng có đứa hoặc thích đời trai hùng, hoặc thụ động phó mặc đời trai, chấp nhận ngày mai ruổi giong bốn vùng chiến thuật. Và… em đã sớm nghe tin mấy đứa trong nhóm sau cùng nói trên, chết trận rãi rác tận những miền xa xăm, vào thời điểm 74-75. Tin về đến lớp, bọn em ngó nhau im lặng !
Chưa hết, vào quãng thời gian 72-75, trường mình xuất hiện một tổ chức sinh hoạt ngầm trong một số anh em. Tổ chức này do Tổng hội SVHS tranh đấu, giấu mặt chỉ huy. Đầu tiên, là những buổi công tác xã hội kêu gọi tình nguyện,vào những chủ nhật sẽ tập họp tại một nơi nào đó, thường là các ngôi chùa nhỏ trong thành phố, rồi có mấy anh sinh viên dẫn đi giúp đỡ các cô nhi viện… Xen kẽ trong chuyến đi, là sinh hoạt ca hát những bài hát cấm, mà sau 30/4 được phát liên tục trên hệ thống truyền thông. nữa, những buổi dạy kèm miễn phí do các sinh viên đàn anh phụ trách, HS nghèo không tiền học luyện thi tú tài có thể xin học dễ dàng. Các anh SV dạy không hay như các thầy giáo chuyên nghiệp (hồi đó thầy Phạm Thư trường mình rất nổi tiếng dạy luyện thi), nhưng lại hay chêm chính trị vào giờ học.
Thế rồi, với sự bồng bột hoa niên, nhiều anh em mình đã nghe theo và dấn thân vào những cuộc biểu tình chống CP, thường do bà Ngô Bá Thành và nhóm các ông Lê Hoàng, Huỳnh Tấn Mẫm … chủ xướng. Có khi họ bạo động tham gia dùng bom xăng tự chế, ném cháy xe quân sự nữa chứ.
Tất nhiên các bạn ấy bị cảnh sát lùng bắt, lớp em có mấy đứa phải bỏ học để trốn sự truy lùng. Em còn nhớ một số, như Trần Ngọc Lâm, Phạm hồng Hải, Nguyễn Minh Trí, Phạm Hồng Khuyên, Nguyễn Chí Tâm, Lâm Văn Thanh .v.v… Và trong số đó, Lâm cùng Khuyên và Hải được đưa về bưng biền đâu tận Long Xuyên thì phải, để thụ huấn chính trị. Một thời gian sau, tình hình yên ắng, họ trở lại như thể vừa về quê nghỉ hè, tiếp tục tuyên truyền trong trường mình.
Em nhắc chuyện này, có thể là một bất ngờ cho các sư huynh về lũ đàn em. Đâu có yên ổn như thế hệ đi trước nhỉ ?
Chưa hết, vào lớp học, mỗi khi có đứa không thuộc bài, không làm bài vì… lười, cái lười này đôi lúc do tâm lý buông xuôi tuyệt vọng, thì về phía các thầy cách tỏ thái độ cũng có khác trước. Em nhớ, có lần em không trả lời được lúc trả bài, thầy Huấn đã bắt cúi đầu cho thầy cốc một phát rất mạnh tay, nhưng nhìn lên em thấy mắt thầy hoe đỏ. Thầy mắng, giọng có chút gì như thể nghẹn ngào pha tức giận :
- Mầy muốn chết à, mầy muốn đi lính à ? Ngu thế ?
Các anh thấy, thầy sợ tụi em lười học, sau thi rớt, thì coi như đi Đồng Đế để giỡn mặt với thần chiến tranh.Tụi em đã mất hồn nhiên rất sớm, đúng không ? Lại nữa, khi hết chiến tranh, tụi em cũng đâu được hưởng hạnh phúc thanh bình.
Nhiều bạn không thấy trở lại lớp, họ thất tung bởi nhiều lý do, tan tác khắp nơi. Số còn lại tiếp tục học với một giáo trình lạ hoắc, do nhiều thầy cô cũng lạ, giảng dạy. Không còn thấy phần lớn các thầy cô bao năm gần gũi, trường đổi tên, không còn được thầy Ngọ thỉnh thoảng ghé lớp giảng moral, mà lúc còn thầy tụi em rất oải. Không còn…, vâng…, rất nhiều thứ đã rất thân quen…, không còn.
Còn số thầy cô tiếp tục dạy thêm ít lâu. Em nhớ cô Nguyễn Thoại Ngọc Anh, từng dạy em môn Vạn Vật hồi lớp 10, học toàn đất đá khoáng vật khô khan. Chán quá, em thường không làm được bài kiểm, và đã ”quay phim”. Cô bắt được, ôi dáng cô mảnh mai, khuôn mặt cô đẹp thanh thoát vậy mà sao lúc đó lạnh lùng nghiêm khắc đến lạnh, một cặp trứng cho bài kiểm khỏi phân trần !
Và, em được gặp lại cô ở lớp 12 sau ngày giải phóng. Cô khác hẳn xưa, dáng đã gầy càng tiều tụy. Giọng cô nhỏ yếu hồi giờ, càng như gió thoảng. Cô hay mặc áo dài hoa, khuôn mặt thanh tú có nét gì u ẩn, mắt cô sâu và ánh nhìn xa xăm. Một buổi tan học, học trò đã ra hết mà cô còn ngồi nán lại. Em bước ra sau cùng, khẽ cúi chào cô. Bỗng cô ra dấu cho em dừng lại. Chỉ còn hai thầy trò, cô hỏi thăm em vì sao… và nhiều cái vì sao…? Giọng cô buồn bã, trắc ẩn, và rất ấm chứ không lạnh băng như 2 năm trước lúc phạt em.
Còn thầy Trương Toại, vốn là trưởng ban giáo sư Alpha biên soạn sách giáo khoa trước 75, em cũng còn được học lại. Nhưng sự nghiệp soạn giáo khoa của nhóm thầy
đã hoàn toàn sụp đổ. Thầy giảng bài buồn thiu, có phần gượng gạo. Giữa thầy trò sao có gì như cái khoảng vô hình không cầu nối…
Tiếp những năm sau đó, trong số bạn còn lại, không phải đứa nào cũng được lên đại học, cho dù tài có giỏi – chí có cao. Hàng rào lý lịch đã cản biết bao nẻo tương lai môn sinh HNC. Đứa đi TNXP, đứa làm công nhân, đứa về điền viên bắt chước cái “dại” của cụ Yên Đỗ : ”Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Không có nhiều bạn thỏa được chí theo lý tưởng Nguyễn Công Trứ : “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên – Đem quách cả sở tồn làm sở dụng”.
Do ”lịch sử” như thế, nên thế hệ HNC tụi em, phân kỳ vạn nẻo.Không được như lớp đàn anh, đến giờ còn hội tụ.Các anh có chia sẻ với đàn em không ? Kính thân,
Lê ngọc Phú (NK69-76)
VỤ ÁN “GIẾT NGƯỜI VÌ DANH DỰ”
GÂY CHẤN ĐỘNG ẤN ĐỘ
Sau vụ cưỡng hiếp tập thể ở New Delhi, dư luận và truyền thông Ấn Độ lại thêm một phen choáng váng vì vụ sát hại dã man một cặp tình nhân ở bang Haryana vì “danh dự gia đình”.