Văn hóa thần truyền
Kho tàng Văn Hóa Việt Nam có ghi lại nhiều bài học hiếu thảo đáng làm gương sáng cho hậu thế.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép chuyện vua Lê Thánh Tông như sau:
“Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc thang hay thức ăn uống, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khấn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.”[1]
Việt Nam Sử Lược có ghi chép chuyện về vua Tự Đức: Suốt 36 năm, cứ ngày lẻ thì ngự triều, ngày chẵn thì đến thăm mẹ là Phạm Thị Hằng (Từ Dũ), những điều mẹ dậy vua đều ghi chép cẩn thận vào “Từ Huấn Lục”. Có lần do mải mê đi săn bị mưa lụt về trễ vào ngày kỵ của vua cha là Thiệu Trị, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dũ trừng phạt.[2]
Trong kho tàng Văn chương Bình dân Việt Nam, Ca Dao về đạo hiếu rất phong phú.
Người con trai chấp nhận rời bỏ tình riêng để chiều ý cha mẹ vì anh tin chắc đó là hành động đúng theo những gì anh được dạy bảo và những chuẩn mức đạo đức do xã hội lập ra:
“Làm trai nết đủ trăm đường
“Trước tiên điều Hiếu đạo thường xưa nay…”
Còn nữ giới thì luôn tự nhắc nhở mình:
“Công sinh dục bằng công tạo hóa
Có cha mẹ, sau mới có chồng
Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng
Nay em lao khổ não nùng, không than.
Hình ảnh song thân luôn luôn ghi khắc trong lòng:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Sau đây là loạt bài “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm điều Thiện, chữ Hiếu đứng đầu), do BBT Việt Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về guơng hiếu thảo. Vì văn chương đạo lý không có ranh giới quốc gia, chủng tộc, các câu chuyện sẽ không giới hạn chỉ trong Văn hoá Viêt nam mà thôi.
Con hiếu thảo chân trần gánh cha mẹ đi dằng dặng 216 cây số.
Sanjay
Lòng Hiếu Thảo của Sanjay làm cho chúng ta chạnh lòng hướng về đấng sinh thành.
Trong cuộc sống hiện đại, khi nỗi lo vật chất trở nên bộn bề, những câu chuyện gia đình về tình mẫu – phụ tử mà người ta kể cho nhau dường như thưa dần so với thông tin về sự gia tăng của tội phạm trong gia đình. Bài đăng này đã được truyền thông Ấn độ phổ biến, kể lại một câu chuyện đã và đang xảy ra tại Ấn Độ khiến cả thế giới phải cảm động, chuyện về một người con hiếu thảo đã gánh cha mẹ trên đôi vai gầy của mình để mong đấng sinh thành được toại nguyện tắm nước thánh trên sông Hằng.
Hành trình gánh cha mẹ đi bộ trên con đường 216 cây số đầy sỏi đá từ Ghaziabad đến thủ đô Deli của đứa con ngoan mang tên Sanjay Kumar đã khiến những người dân nơi mà 3 con người trong một gia đình đi qua rơi nước mắt, khiến cảnh sát của một huyện đã phải tập hợp lực lượng để làm nghi thức chào đón họ.
Sanjay Kumar năm nay đã 42 tuổi, là con trai duy nhất của ông bà Lala Ram và Savitri Devi. Họ sống với nhau trong một khu phố nhỏ trong khu vực Quốc lộ 58 tại thành phố Ghaziabad, Ấn Độ cho đến khi Sanjay kết hôn và tách ra ở riêng tại khu Seelampur, thành phố Deli. Ngay từ khi còn nhỏ, Sanjay vốn nổi tiếng là một đứa bé ngoan, vâng lời cha mẹ và chăm chỉ học hành. Những bậc cha mẹ sống trong khu vực Quốc lộ 58 luôn lấy Sanjay làm tấm gương cho con cái họ noi theo. Người ta đồn thổi rằng, năm Sanjay 14 tuổi, khi mẹ anh phải nằm liệt giường sau một vụ tai nạn nặng, còn cha anh phải đi làm xa thì đứa con trai đang tuổi ăn tuổi chơi lúc nào cũng ở bên cạnh đọc truyện và hát để mẹ được ngủ ngon. Sanjay còn làm tất cả các công việc lau rửa cho mẹ, giúp mẹ đi vệ sinh khi bà không thể cử động được, một công việc mà không phải đứa trẻ mới lớn nào cũng ý thức và làm được. Tình thương cha mẹ của Sanjay đã khiến cả dân làng thực sự ngưỡng mộ ông bà Lala Ram vì đã sinh được một đứa con trai vừa ngoan ngoãn, khỏe mạnh như thế.
Năm nay ông Lala Ram đã 97 tuổi, còn bà Savitri Devi 92 tuổi. Dường như chính bởi niềm hạnh phúc vì sinh hạ được một đứa con ngoan như Sanjay nên dù tuổi đã cao, ông bà lúc nào cũng cười móm mém, đôi mắt ánh lên niềm vui và sự mãn nguyện về cuộc sống hiện tại. “Lúc tôi nghe con trai nói về mong muốn sẽ gánh chúng tôi từ Ghaziabad đến nhà nó ở thành phố Deli đi về phía Tây Nam, trên đường đi sẽ ghé qua sông Hằng để cho chúng tôi được thỏa ước nguyện, tôi đã bảo nó là đừng làm việc này và thậm chí là mắng nó. Vì đó là cả 1 quãng đường dài những hơn 200 cây số, nó sẽ sụn lưng mất” – bà Savitri Devi chia sẻ một cách thật lòng với tạp chí Hindustan Times của Ấn Độ. Còn ông Lala Ram thì cười hạnh phúc, bộ râu trắng như cước của ông thỉnh thoảng rung lên vì xúc động: “Khi nghe chúng tôi từ chối, thằng con trai bé bỏng của tôi còn quỳ xuống xin phép tôi và bà ấy hãy để nó thực hiện phận làm con của mình. Chúng tôi chẳng còn biết nói gì với thằng bé vào lúc đó cả, bà nhà tôi đã khóc vì quá xúc động, còn mắt thì cay cay, tôi cứ vỗ vỗ vào vai nó…”
Sanjay là một thợ điện bình thường như bao nhiêu người lao động khác ở Ấn Độ, thế nhưng tình yêu của anh đối với cha mẹ thực sự khiến người ta ngưỡng mộ. Sanjay nói rằng: “Nhiều người trẻ không hiểu hết được ý nghĩa của cha mẹ trong cuộc đời chúng, một số trẻ em còn cãi lại và đánh lại cha mẹ khi chúng mắc lỗi và bị cha mẹ mắng. Nhưng đối với tôi, cha mẹ là chúa, con cảm ơn người vì đã mang nặng đẻ đau, sinh thành và dưỡng dục con thành người. Cả cuộc đời này, tôi nguyện sẽ chăm sóc và phụng dưỡng đấng sinh thành.”. Sanjay nói rằng, dù anh có gánh cha mẹ đi hàng ngàn cây số nữa, cũng không thể bằng công lao mà cha mẹ đã chăm sóc anh trong suốt những năm qua. Sanjay thực sự muốn tỏ lòng thành kính với cha mẹ vì đã sinh ra anh trên cõi đời này.
Niềm ao ước được tắm trên sông Hằng là mong muốn cháy bỏng của tất cả những ai là người Ấn Độ, người ta tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng nước sông Hằng có thể giúp họ rửa sạch mọi lỗi lầm, mang lại hạnh phúc, sức mạnh vô song cho con người. Cha mẹ Sanjay cũng có một ước muốn giản dị như thế, cả cuộc đời vất vả, lại thêm đường xá xa xôi, ông bà vẫn chưa có dịp đi và mang nước thánh thiêng liêng về nhà. Hiểu lòng cha mẹ, Sanjay đã xin nghỉ việc một thời gian để gánh cha mẹ đi thực hiện niềm mong mỏi ấy.