Trước đó, thương vụ ông chủ tập đoàn SCG của Thái Lan bỏ gần 240 triệu USD vào Prime Group cũng từng gây xôn xao thị trường M&A. Vụ chuyển nhượng hoàn tất vào tháng 12/2012 này đã khiến doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở nước ta, chuyên sản xuất gạch ốp lát, trở thành một doanh nghiệp nước ngoài khi người Việt mất 85% vốn vào tay người Thái. Đó là còn chưa kể tới những cái tên nổi bật trong ngành bất động sản như Melia Hà Nội, Melinh Point Tower… cũng đã có chân rết của các tỷ phú đất nước chùa vàng.
Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong là những doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi được các ông chủ người Thái để mắt đến. Để sở hữu từ 11% đến gần 24% cổ phần tại những công ty này, số tiền mà các công ty Thái Lan phải bỏ ra cũng dao động từ 35 triệu USD đến hơn 500 triệu USD.
Đang tồn tại 2 luồng quan điểm trong giới đầu tư và chuyên gia Việt Nam về sự thâm nhập của những doanh nghiệp “cá mập” Thái Lan suốt thời gian vừa rồi. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi: doanh nghiệp Việt cần vốn để phát triển, trong khi đối tác ngoại cần mở rộng thị trường mới. Phần lợi từ những thương vụ này cũng được chia đều cho cả hai: Doanh nghiệp Việt học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tầm nhìn, còn phía Thái Lan sẽ tận dụng được lợi thế thương hiệu của công ty Việt Nam có từ trước đó.
Luồng ý kiến thứ hai thì lo ngại sự thâm nhập của hàng Thái sẽ lấn át hàng trong nước, đe dọa lợi thế “sân nhà” của hàng Việt. Đây được cho là bài toán khó với các doanh nghiệp trong nước để cân bằng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng với sản phẩm là lợi thế của chính doanh nghiệp mình.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2015-01-15 17:08:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-nguyen-kim-ban-minh-va-tham-vong-cua-ty-phu-thai-a171201.html