Năm 2014, âm lịch gọi là năm Giáp Ngọ. Theo các nhà hiền triết Phương Đông, Giáp Ngọ có chu kỳ 60 năm quay trở lại một lần. Giáp Ngọ đến thường mang theo nhiều sự kiện, trên nhiều phương diện. Nhìn lại năm qua, chúng ta thấy nhận xét đó khá chính xác.
Trong năm 2014, trên thế giới không chỉ xảy ra nhiều sự kiện mà còn trải rộng trên nhiều vùng miền của năm châu, bốn biển, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế – xã hội đến chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại, văn hóa và đời sống con người; Từ khoa học công nghệ đến biến đổi khí hậu – thời tiết, các thảm họa và dịch bệnh đe dọa loài người. Năm này còn xuất hiện một nguy cơ mới mà loài người chưa từng gặp bao giờ, đó là sự ra đời của tổ chức khủng bố cực đoan – tàn bạo tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Xin điểm một số nét:
1. Về kinh tế, xã hội
Cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội toàn cầu trong những năm 2008 – 2009 đến năm 2014 chưa thuyên giảm, có nơi giảm, có nơi tăng, có nơi rơi vào suy thoái, giảm phát. Những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trước đây như Trung Quốc có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trung bình là 10%/năm thì trong năm 2014 chỉ đạt trên 7%/năm.
Nền kinh tế Mỹ năm nay cũng phát triển không cao bằng các năm trước đây, thậm chí có lúc nước Mỹ không có cả tiền cho Chính phủ tiêu dùng, khiến nhiều cơ quan của Chính phủ phải đóng cửa trong nhiều ngày. Mãi tới quý III, IV trong năm kinh tế mới tăng lên chút ít. Nhật Bản là nước có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu (sau Mỹ và Trung Quốc) nhưng trong năm 2014 kinh tế nước này quý sau lại thấp hơn quý trước hoặc phát triển âm, dẫn tới nguy cơ suy thoái.
Cả vùng miền Đông Ukraine cho tới lúc này vẫn hỗn độn.Ảnh: AFP/TTXVN
Điều đó đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải hoãn việc tăng thuế tiêu dùng, phải giải tán Quốc hội để bầu cử sớm hơn dự định hai năm. Châu Âu, chủ yếu là khối EU gồm hơn 20 nước, xưa nay vẫn là một trung tâm kinh tế mạnh của toàn cầu. Nhưng năm 2014, kinh tế khối này phát triển dưới dạng, chỗ cao như Đức và Anh, chỗ thấp như Pháp và Ý, chỗ suy sụp như Tây Ban Nha, Bỉ; trung bình toàn vùng dùng đồng Euro chỉ tăng khoảng 0,8%, còn nhiều nơi chưa ra khỏi vòng nợ nần chồng chất. Kinh tế không phát triển, kéo đời sống xã hội tụt xuống, khiến nhiều nơi phải bóp chặt chi tiêu, tăng các khoản thuế, nạn thất nghiệp có nơi lên tới 10%, gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối lôi kéo hàng ngàn người tham gia, gây mất ổn định chính trị.
2. Về chính trị
Cuộc khủng khoảng ở Ukraine do Mỹ và phương Tây kích hoạt từ tháng 11/2013 với các cuộc biểu tình bạo loạn ở Maidan, Kiev, khiến cho nguyên Tổng thống Viktor Yanukovych phải bỏ chạy, chính quyền Kiev sụp đổ, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn về nhiều mặt. Cả vùng miền Đông Ukraine cho tới lúc này vẫn hỗn độn. Những cuộc xung đột giữa các phe phái ở đó đã làm hàng nghìn người chết và bị thương, nhiều nhà cửa của dân và công trình xã hội bị phá hoại, nguy cơ nội chiến vẫn đang rình rập.
Tại Ukraine đã và đang diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt từng ngày, từng giờ giữa một bên là Liên bang Nga muốn giữ cho Ukraine độc lập, không ngả theo phương Tây hay để cho NATO nhảy vào đe dọa trực tiếp nước Nga. Moskva đã đòi lại vùng Crimea để sáp nhập vào Liên bang Nga, đã tăng giá dầu và hơi đốt bán cho Ukraine, làm ảnh hưởng đến cả nguồn khí đốt cung cấp cho nhiều nước thuộc EU. Phía chống lại Nga là phương Tây và EU do Mỹ đứng đầu đã đề ra nhiều biện pháp trừng phạt Nga cả về kinh tế – tài chính, đối ngoại, cung cấp hàng hóa – dịch vụ, thậm chí còn đe dọa dùng cả vũ lực khi cần.
Cuộc khủng khoảng này đến nay không hề dừng, cho dù Ukraine đã tổ chức bầu cử Tổng thống, Quốc hội mới và lập Chính phủ mới. Gần đây hơn, Mỹ còn cấu kết với Saudi Araibia và một số nước trong tổ chức OPEC để tìm mọi cách kéo giá dầu lửa – một nguồn thu vô cùng quan trọng đối với nước Nga – ngày một xuống thấp để làm cho Nga suy sụp, như họ đã từng làm vào những năm 80 của thế kỷ trước để đánh sập Liên Xô. Nhưng nước Nga vẫn đứng vững dưới sự lãnh đạo kiên quyết và khôn khéo của Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, chính Mỹ lại tự “lấy đá đập vào chân mình”. Cuộc bầu cử Thượng viện, Hạ viện và thống đốc một số bang giữa nhiệm kỳ lần thứ hai của Tổng thống Barack Obama đã đưa lại thất bại thảm hại cho Tổng thống đương nhiệm và Đảng Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ.
Qua các cuộc bầu cử nói trên, cả hai Viện của Quốc hội Mỹ đã tuột khỏi tay Đảng Dân chủ, nhiều ghế Thống đốc bang trước đây do Đảng cầm quyền giữ thì nay đã về tay Đảng Cộng hòa đối lập. Uy tín của Barack Obama ở trong nước bị rơi xuống mức rất thấp, còn thấp hơn cả George Bush sau cuộc bầu cử tương tự, chỉ cao hơn Richard Nixon sau vụ bê bối Watergate vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Trong khi đó, ở bên kia Đại Tây Dương, uy tín của đương kim Tổng thống Pháp F.Hollande cũng bị giảm sút thảm hại sau nhiều thất bại về đường lối đối nội và chính sách đối với một số nước châu Phi. Còn nước Anh, một đồng minh chí cốt của Mỹ do Thủ tướng David Cameron đứng đầu cũng vừa “chết hụt” sau khi người dân ở Irland tổ chức không thành cuộc trưng cầu dân ý để tách ra khỏi Vương quốc Anh trở thành một quốc gia độc lập riêng. Khối EU vốn đã không thống nhất, nay do nhiều nguyên nhân càng chia rẽ hơn, dù cho Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng rất nhiều để chèo chống và Đức phải thi hành một chính sách ôn hòa hơn với Nga.
Trong năm 2014, phong trào cánh tả và trung tả ở châu Mỹ và vùng Caribe tiếp tục phát triển. Venezuela tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn khắc phục được nhiều âm mưu phá hoại của Mỹ và phương Tây. Nhiều nước do các đảng cánh tả và trung tả cầm quyền tiếp tục giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống như ở Chile, Bolivia, Peru, Brazil và Uruguay … Cuba vẫn đứng vững, kinh tế tăng hơn nhờ chính sách cập nhật hoá kinh tế và mở rộng quan hệ với nhiều nước EU, với các chính khách Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga.
Ngày 17/12, Mỹ và Cuba chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ sau 53 năm gián đoạn. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời” với Cuba.
3.Về an ninh – quốc phòng
Tình hình bất ổn, xung đột vũ trang và bạo loạn lật đổ không hề giảm bớt ở Trung Đông, châu Phi và một số nơi khác. Ai Cập tình hình có khá hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống đưa một vị Tướng thân Mỹ lên cầm quyền nhưng đến cuối tháng 11/2014 nhiều cuộc biểu tình vẫn nổ ra để phản đối việc xử trắng án cho cựu Tổng thống Mubarak. Syria nay lại chịu thêm sự can thiệp của tổ chức IS, khiến cho cuộc chiến tranh ở đây không có hồi kết. Tại Iraq, chính lực lượng Al Qaeda do CIA nuôi dưỡng trước đây nay chuyển thành lực lượng IS đang tiến hành nhiều cuộc tấn công thảm sát ở nhiều nơi.
Tuy Mỹ đã đứng ra kéo nhiều nước tham gia vào cuộc không kích chống IS nhưng lực lượng này vẫn tồn tại và phát triển vì chúng có nguồn tài chính dồi dào do nắm được nhiều cơ sở sản xuất dầu lửa ở nhiều nơi và được người của nhiều nước theo đạo Hồi hoặc không theo đạo Hồi gia nhập. Tình hình đã đến mức, buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama và cả Thủ tướng Anh David Cameron phải quyết định đưa hàng ngàn binh lính quay trở lại Iraq để đánh nhau nhưng nói tránh đi là đưa số quân Mỹ này sang chỉ để huấn luyện cho quân đội Iraq.
Cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq chưa thấy hồi kết. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Iran, cuộc bầu cử Tổng thống trong năm nay đã đưa một vị Tổng thống ôn hòa hơn lên cầm quyền. Điều đó đã giúp đưa đến cuộc thương lượng giữa Iran và P5+1 (gồm 5 nước Uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức) về việc Iran phát triển hạt nhân. Tuy nhiên, đến ngày 24/11 ấn định chấm dứt các cuộc thương lượng để hai bên có thể ký một văn bản thỏa thuận nào đó nhưng đã không đạt được. Hai phía đã phải lùi các cuộc thương lượng này đến tận ngày 1/7/2015.