- Không dùng bột xay từ gạo mà dùng gạo, bánh mỳ, mỳ udon (mì Nhật làm từ lúa mạch)… để chế biến thành các loại cháo phù hợp với từng giai đoạn.
- Ngay từ giai đoạn đầu khi mới tập ăn dặm, người Nhật cũng cố gắng cho bé ăn riêng từng món ăn chứ không trộn chung với nhau. Mục đích là để trẻ làm quen với nhiều vị khác nhau, từ đó kích thích vị giác, tạo niềm vui khi ăn dặm.
- Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, rau quả khác nhau, trừ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng và khó tiêu ( ví dụ: không bổ sung cá thịt đỏ: như cá thu, cá ngừ…khi trẻ trong giai đoạn 5-6 tháng tuổi).
- Khi cho ăn, luôn tạo cho trẻ một môi trường phù hợp (yên tĩnh, không bật vô tuyến, ngồi một chỗ, không cho chạy lung tung, và không ép buộc…).
- Tập cho bé tự ăn dần.
Khi nào bé có thể ăn dặm? Ở mỗi trẻ tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên bạn có thể tập cho bé ăn dặm khi bé được 5-6 tháng tuổi và bé có các biểu hiện sau đây:
- Bé đã giữ vững cổ
- Bé tự ngồi được
- Bé tỏ ra thích thú với thức ăn
- Khi đưa thìa vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi đẩy ra
Thời gian đầu khi tập bé ăn dặm bạn sẽ gặp ít nhiều khó khăn, bạn đừng vội vàng, nên tạo bầu không khí vui vẻ trong thời gian ăn uống của bé…Hãy biến thành khoảng thời gian hạnh phúc của cả mẹ và bé.
Lưu ý về thực phẩm cho bé
- Mật ong: Không bổ sung mật ong cho bé dưới 1 tuổi để phòng tránh nhiễm trực khuẩn Clostridium.
- Trứng: Một số bé có thể dị ứng với trứng. Do đó, khi bé được 7-8 tháng, bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng luộc chín kỹ, quan sát biểu hiện của bé có dị ứng hay không (rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn, ngứa…) rồi mới cho bé ăn tiếp lòng trắng trứng.
- Sữa bò: Chỉ cho bé trên 1 tuổi uống sữa bò. Tuy nhiên có thể dùng chế phẩm từ sữa bò như pho-mát làm nguyên liệu thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi.
Các giai đoạn ăn dặm cơ bản ở Nhật 1. Giai đoạn 1 từ 5~6 tháng tuổi: giai đoạn tập nuốt
Đây là giai đoạn bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Tùy theo sự phát triển của từng trẻ mà có thể bắt đầu sớm hay muộn, lượng ít hay nhiều. Lúc đầu, ngày cho ăn một bữa với 1 thìa nhỏ (độ 5ml) cháo nghiền loãng. Sau đó, các mẹ có thể nâng dần lên 2 bữa, mỗi bữa hai thìa nhỏ: một thìa cháo, một thìa rau củ nghiền pha loãng, sau có thể tăng lên vài thìa cháo, một thìa rau và một thìa thức ăn mềm. Tất cả các món ăn cho bé đều ở dạng dung dịch loãng và đặc biệt là không nêm gia vị. Thực phẩm sử dụng ở giai đoạn này chủ yếu là: Chất bột: gạo, bánh mỳ, tinh bột, khoai tây, khoai lang; Rau quả: cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà-chua; Hoa quả các loại; Chất đạm: Chủ yếu là cá trắng (cá thờn bơn, cá tráp trắng…), đậu phụ.
2. Giai đoạn 2 từ 7~8 tháng tuổi: giai đoạn nhai trệu trạo
Giai đoạn này có thể cho trẻ ăn 2 bữa mỗi ngày vào bữa sáng và bữa tối. Lượng thức ăn và độ cứng cũng tăng lên. Mỗi bữa có thể cho trẻ ăn khoảng 50g cháo, hoa quả và rau 20g, thức ăn 30g. Các loại thực phẩm tương tự như trên, nhưng cháo và các thức ăn nghiền khác đặc hơn một chút (dạng sột sệt giống như sữa chua). Đồng thời, có thể cho ăn thêm lòng đỏ trứng, pho mát đã chế biến, thịt lườn gà, cá hồi, có thể dùng các món ăn chế biến từ một lượng nhỏ sữa tươi.
3. Giai đoạn 3 từ 9~11 tháng tuổi: giai đoạn tập nhai
Giai đoạn này cho trẻ ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối. Lượng thức ăn: tinh bột: 90g, rau và quả 30g, chất đạm 40~45g. Cháo không cần nghiền nát nữa mà có thể để nguyên hạt gạo, đặc hơn dạng sột sệt một chút. Thức ăn có thể không cần nghiền nữa mà để nguyên hình dạng nhưng phải cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm. Trẻ có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm và các loại gia vị như muối, xì dầu với lượng nhỏ. Tuy nhiên, cần tránh các loại thức ăn khó tiêu hoặc quá cứng (ví dụ: đậu phụ rán, thịt bò, thịt lợn quá nhiều mỡ…), mật ong, các loại nước sốt bán sẵn, các loại hạt nêm…
4. Giai đoạn 4 từ khi bé 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi: giai đoạn nhai khỏe (ăn sam)
Giai đoạn này trẻ có thể ăn một ngày 3 bữa, kèm theo hai bữa ăn quà. Đồng thời, trẻ có thể ăn cơm nhão và các thức ăn đượ thái dày hơn, to hơn.
Trẻ có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm, trừ các loại nhiều dầu mỡ, thức ăn sống (gỏi cá, thịt các loại, tiết canh) hoặc khó nhai, khó tiêu…Đối với các trẻ đủ chiều cao và cân nặng thì không cần uống sữa bột mà chuyển sang sữa tươi thông thường.
Các loại cá có ở thị trường Việt Nam
- Cá thịt trắng: Đây là các loài cá có thành phần thịt trắng, thông thường biểu hiện ra bên ngoài bằng những tảng thịt, thớ thịt trắng muốt. Cá thịt trắng ở thị trường Việt Nam: Cá tra, cá rô phi, cá tuyết Thái Bình Dương, cá tuyết Đại Tây Dương, cá tuyết lục, cá tuyết chấm đen, cá minh thái Alaska.
- Cá thịt đỏ : Là các loại cá có thành phần thịt đỏ. Những loài cá này thường xuất hiện ở vùng biển sâu hoặc sống gần đáy biển. Cá thịt đỏ ở thị trường Việt Nam: cá ngừ, cá hồi, …
Cách chế biến cơ bản 1. Cháo: gạo cho vào nồi, tùy giai đoạn mà cho nước
- Giai đoạn 1: 1 phần gạo, 10 phần nước, giai đoạn sau bớt nước còn 1 phần gạo 7 phần nước
- Giai đoạn 2: 1 phần gạo, 5 phần nước
- Giai đoạn 3: 1 phần gạo, 4 phần nước
- Giai đoạn 4 (cơm nát): 1 phần gạo 1 cộng 1/2 nước.
Cho gạo đã đãi sạch vào nồi ngâm độ 20 phút. Sau đó đun sôi thì đun nhỏ lửa trong vòng 30 phút. Bỏ cháo ra bát nghiền nát, rồi lấy cháo nghiền đun sôi thêm lần nữa và để nguội cho bé có thể ăn. Nếu thấy đặc quá có thể cho thêm chút nước đã đun chín cho loãng. Chú ý khi nấu cháo không nên quấy nhiều.
2. Cách đun nước dùng/nước lèo
Người Nhật chủ yếu lấy nước dùng từ phổ tai (kombu) khô: Cho 2 miếng kombu độ 10cm với 400ml nước vào nồi, ngâm trong khoảng 10 phút. Sau đó, bắc nồi lên bếp, đun cho nước hơi lăn tăn thì vớt phổ tai ra. Cho một nắm cá khô bào (katsuo bushi) vào, đun nhỏ lửa trong vòng 5 phút. Bỏ ra lọc sạch. Sau đó cho vào khay, đông đá để dùng dần. Hoặc ninh súp rau các loại cho rau nhừ. Sau đó lọc bỏ cái, lấy nước, đông đá để dùng dần. Có thể dùng các loại súp bán sẵn ở các quầy thức ăn dành cho trẻ sơ sinh.
3. Cách nấu cơ bản
- Nghiền: Rau lấy phần lá, luộc chín. Vớt ra thái nhỏ, cho vào rây nghiền nhỏ, bỏ bã rồi hòa thêm nước dùng cho đủ độ loãng. Cà-rốt nạo vỏ, cắt miếng, ninh nhừ rồi nghiền ra, lọc bỏ bã, hòa thêm nước dùng. Cá trắng đem luộc chín rồi dùng thìa, nĩa dằm nhỏ. Đậu phụ đem luộc qua, nghiền nhỏ.
- Cắt nhỏ: Sang giai đoạn tập nhai, các loại thực phẩm có thể cắt nhỏ, để nguyên dạng nhưng ninh thật nhừ.
Tóm tắt các bước chế biến