Hàn Quốc: Hóa Rồng, Độc Tài và Dân Chủ
Thursday, August 6, 2015 17:44
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Chưa có một con số chính xác về số người thiệt mạng. Những con số “chính thức” được công bố bởi Lệnh thiết quân luật sau đó cho biết có 144 thường dân thiệt mạng, 22 lính và 4 cảnh sát bị giết; 127 thường dân, 109 lính và 144 cảnh sát bị thương. Còn theo Hội gia đình những nạn nhân, ít nhất 165 thường dân chết trong khoảng 18/5 đến 27/5. 65 người khác hiện vẫn còn mất tích và được coi là đã chết. 23 lính và 4 cảnh sát bị giết trong suốt cuộc nổi dậy.
Chính quyền Chun Doo Hwan lên án cuộc nổi dậy như một vụ phản loạn bị xúi giục bởi Kim Dae Jung. Trong các phiên xét xử sau đó, ông Kim Dae Jung đã bị tuyên án tử hình trước khi được giảm nhẹ bởi sức ép của dư luận quốc tế.13 1394 người bị giam giữ do dính líu đến sự cố Gwangju, 427 người bị truy tố, trong đó 7 người phải nhận án tử hình, 12 người tù chung thân.
Từ 1983, hàng năm vào ngày 18/5, tại nghĩa trang Mangwol Dong ở Gwangju, lễ tưởng niệm những người bị thảm sát được tổ chức. Rất nhiều phong trào dân chủ đã yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát đó.
Lo sợ về sự lộng quyền của chính thể độc tài đã làm cho Hàn Quốc buộc phải sửa đổi Hiến pháp và Luật Bầu cử Tổng thống năm 1987. Hiến pháp mới quy định bầu Tổng thống bằng bỏ phiếu kín, trực tiếp. Trước đó suốt 16 năm, Tổng thống Hàn Quốc được bầu gián tiếp qua các đại cử tri. Từ năm 1987, Tổng thống Hàn Quốc có nhiệm kỳ là 5 năm và chỉ được phép làm một nhiệm kỳ. Sau bầu cử 1987, chính phủ buộc phải có ý kiến về sự kiện Gwangju. Năm 1988, Quốc hội tổ chức trưng cầu dân ý và đổi tên sự cố này thành “Phong trào dân chủ Gwangju”. Năm 1995, Quốc hội đã thông qua một đạo luật đặc biệt về sự kiện này. Những người chịu trách nhiệm đã bị khởi tố. Năm 1996, 8 chính khách bị truy tố với tội danh phản loạn và tàn sát. Bản án được thi hành vào năm 1997, cựu Tổng thống Chun Doo Hwan nhận án chung thân. Tuy vậy tất cả những người bị kết tội đều được Tổng thống Kim Young Sam ân xá ngày 22 /12/1997.
Gwangju năm 1980… và hiện nay
12/1997, đảng đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được sự chuyển giao quyền lực bằng con đường hòa bình. Đầu 1998 Kim Dae Jung lên làm Tổng thống. Cũng từ năm 1997, ngày 18 tháng 5 được công nhận là một ngày lễ lớn ở Hàn Quốc. Năm 2002, nghĩa trang Mangwol Dong ở Gwangju được nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia. Năm 2007, Hàn Quốc đã kỷ niệm 20 năm nền dân chủ được thiết lập tại đất nước này, nghĩa là tính từ khi đảng đối lập chiến thắng, cựu tử tù Kim Dae Jung trở thành Tổng thống, “gõ cửa một thời đại mới”.
Tuy nhiên các chính thể độc tài kể từ thời Park Chung Hee đến Chun Doo Hwan vẫn để lại cho Hàn Quốc nhiều vấn đề nhức nhối không dễ giải quyết. Khi Roh Moo Hyun lên làm Tổng thống năm 2003, chính phủ vẫn phải tiếp tục ban hành các đạo luật mới và thành lập các ủy ban điều tra về tình trạng bạo lực và vi phạm nhân quyền dưới thời Park Chung Hee.
Kim Dae Jung, Tổng thống trong những năm 1998-2003, hai lần bị kết án tử hình. Tháng 8/1973, ông bị bắt cóc tại Nhật Bản, sau 129 giờ bị giam giữ, ông được ném trước cửa nhà mình ở Seoul. Năm 2000, ông được trao giải Nobel Hòa bình.
Từ 1998 đến 2007, Hàn Quốc đã có những tiến bộ trong tiến trình dân chủ hóa. Tuy nhiên, theo Choi Hyondoc, chính quyền đôi khi vẫn trượt theo hướng độc tài. Choi Hyondoc cho rằng, chính quyền đã “bật xi nhan để rẽ sang phía tả”, nhưng lại lái Hàn Quốc sang phía hữu. Đã có rất nhiều tổ chức phi chính phủ giả hiệu (pseudo-NGOs) hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền, nhiều nhóm cánh hữu, nhiều tổ chức hiện “vẫn tìm cách bảo vệ những quyền ưu tiên mà họ có được từ thời của chế độ độc tài”. Ở Hàn Quốc, quá trình dân chủ hóa diễn ra trong bối cảnh của tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là sự phát triển kinh tế trực tiếp thúc đẩy dân chủ hóa. Các phương thức phát triển kinh tế trở nên quá phản nhân văn và mang nặng tính bóc lột.
Cùng với Hàn Quốc, sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Đài Loan, Singapore và Hồng Kông đã khiến nhiều người vào những năm 80 ít nhiều vẫn còn tán đồng với quan điểm của Park Chung Hee về một châu Á phải có kinh tế đi trước cùng với bàn tay sắt của chính quyền. Tuy nhiên cùng với thời gian, nhất là khi nhìn sâu hơn vào mối quan hệ giữa kinh tế và bầu không khí tinh thần của xã hội, các quan niệm về sự cứng rắn của chính quyền đã được nhìn nhận sâu sắc hơn. Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế không thể là sự vô nhân đạo ở quy mô lớn, không thể là sự hy sinh cả sinh mạng và phẩm giá của một vài thế hệ, và cũng không thể dễ dàng xóa sạch di chứng tệ hại ở các thế hệ kế tiếp. Đúng như đánh giá của nhà báo kinh tế Michael Schuman: “Theo thời gian, mối tương quan giữa các nhà độc tài và sự phát triển suy yếu dần ở châu Á. Lý lẽ của Park Chung Hee hóa ra chỉ đúng với chính ông ta và ngày càng trở nên ít thuyết phục hơn.”
V. Kết luận
Tấm gương ngoạn mục về phát triển của Hàn Quốc, rất tiếc lại gắn liền với những bài học đau đớn về bộ mặt phản nhân văn của xã hội và sự chà đạp quyền con người. Bên cạnh nỗi đau khổ của hàng triệu dân chúng trong đó có hàng nghìn người thiệt mạng, thì ngay số phận của các Tổng thống cũng không tránh khỏi bi đát. Trong 8 đời Tổng thống kể từ Park Chung Hee (1961) đến nay, đã có tới 02 cuộc đảo chính, nhiều vụ ám sát hụt trong đó một lần thành công, 02 Tổng thống bị kết án tù trong đó có 01 người từng nhận án tử hình. Thật đáng suy ngẫm, những bất hạnh này không đến từ “người anh em phương Bắc”, mà là sản phẩm của chính chế độ độc tài.
Thực tế này có thể bị che lấp bởi một Hàn Quốc thịnh vượng trong con mắt người ngoài, nhưng với người Hàn Quốc thì quá khứ chưa xa và không dễ quên. Cuối năm 2005 Hàn Quốc phải thành lập “Ủy ban sự thật và hòa giải” để giải quyết những vấn đề của thời độc tài. Nhưng đến nay, hồ sơ ngày một dày thêm và khi nhìn lại quá khứ thì một lần nữa “vết thương nào cũng rỉ máu”.
Hồ Sĩ Quý (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á)
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo