ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits: 1,688,142,939
Stories: 8,391,542
Profile image
0
0
Tác giả: khatkhaoxanh
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước: 1
24h trước: 1
Tổng số: 42
Nguyễn Du 250 năm nhìn lại
Saturday, January 2, 2016 9:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.

Nguyễn Du rất được quý trọng của nhiều danh sĩ đương thời. Văn chương của ông đặc biệt lưu truyền sâu rộng trong lòng dân. Ông giao thiệp rộng với nhiều tướng văn võ của triều Lê như Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Hữu Chỉnh, với danh thần nhà Tây Sơn như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Thận Quận công, với danh thần nhà Nguyễn như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Phạm Văn Hưng, Nguyễn Công Trứ, Trương Đăng Quế, Nguyễn Văn Giai…

Nguyễn Du mất ở Kinh Đô Huế ngày 10 tháng tám năm Canh Thìn (ngày 16 tháng 9 năm 1820), an táng tại cánh đồng Bào Đá, xã An Ninh, huyện Phong Điền. Năm Giáp Thân (1824), hài cốt của cụ được cải táng đưa về quê nhà ở Đồng Ngang thuộc giáp cũ của bản xã (có bút phê) ở thôn Thuận Mỹ, làng Tiên Điền, Hà Tĩnh. Những năm sau đó dời đến táng cạnh đền thờ Nguyễn Trọng và lại cải táng đến xứ Đồng Cùng, giữa một vùng cát rộng. Tới nay, mộ cụ Nguyễn Du qua nhiều trùng tu, ngày một tôn nghiêm hơn.

Tóm tắt gia thế Nguyễn Du như trên để hiểu câu Kiều: “Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.” Họ Nguyễn Tiên Điền có thế lực mạnh đến mức nhà Lê, họ Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều tìm cách liên kết, lôi kéo, mua chuộc, khống chế hoặc ra tay tàn độc để trấn phản.

Nguyễn Du không phải mười năm gió bụi mà thực sự mười lăm năm lưu lạc khớp đúng truyện Kiều và cũng khớp đúng mười lăm năm “bảy nổi ba chìm với nước non” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Nguyễn Du cuộc đời và thời thế

Tôi bàng hoàng thức dậy lúc nửa đêm, vội vã chép lại giấc mơ lạ Nguyễn Du nửa đêm đọc lại lúc 12g40 ngày 4 tháng 7 năm 2012, với lời của cụ già nhắn gửi: “- Ta là Linh Nhạc Phật Ý, ở gần đây và có nhân duyên với con nên ta giúp con làm sáng tỏ chuyện này. Con hãy ghi nhớ kỹ những lời ta dặn, để tìm tòi kiến giải đủ 12 câu hỏi thập nhị nhân duyên”. Từ ngày 3 tháng 1 năm 2015 đến ngày 3 tháng 1 năm 2016, tôi dốc sức nghe theo lời khuyên của cụ già báo mộng, đã tra cứu các thư tịch cổ triều Nguyễn để lập Niên biểu Nguyễn Du và lần theo dấu vết những lời khuyên trong giấc mơ lạ trên.

Hoài Thanh đã khái quát “Thời đại Nguyễn Du và thân thế Nguyễn Du” trong sách “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” của soạn giả Lê Xuân Lít, trang 15-21: “Nguyễn Du sinh năm 1765. Kể từ khi Lê Lợi đánh quân Minh dựng nước đến bấy giờ đã có hơn ba trăm năm. Sau ba trăm năm ấy chế độ phong kiến nước ta đã suy vi đến cực độ. Nguy ngoại xâm hầu như không có. Chính quyền phong kiến tập trung mất lý do để tồn tại. Những cuộc biến liên tiếp xảy ra. Mạc đoạt quyền Lê, Lê Mạc phân tranh, Nguyễn cát cứ Thuận Hóa, Trịnh đoạt quyền Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh. Vô số cuộc khởi nghĩa nổ ra mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn.” Nguyễn Du là người trong cuộc của thời đại nhiễu nhương đó. Tìm hiểu niên biểu Nguyễn Du cuộc đời và thời thế sẽ giúp soi thấu những uẩn khúc và biến cố lịch sử đã bị che khuất bởi thời gian.

Niên biểu Nguyễn Du, tuổi thơ (1765-1780)

Năm Ất Dậu (1765). Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 Ất Dậu (nhằm ngày 3 tháng 1 năm 1766) lúc Nguyễn Nghiễm 58 tuổi, bà Trần Thị Tần 26 tuổi. Nguyễn Du được gọi là cậu Chiêu Bảy. Năm ấy cũng là năm Vũ Vương mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền. Trước đó, từ ông Nguyễn Hoàng trở đi, họ Nguyễn làm chúa trong Nam, phía bắc chống nhau với họ Trịnh, phía nam đánh lấy đất Chiêm Thành và đất Chân Lạp, truyền đến đời Vũ Vương thì định triều nghi, lập cung điện ở đất Phú Xuân, phong cho Nguyễn Phúc Hiệu người con thứ 9 làm thế tử. Bây giờ thế tử đã mất rồi, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương hãy còn nhỏ mà con trưởng của Vũ Vương cũng mất rồi. Vũ Vương lập di chiếu cho người con thứ hai là hoàng tử Cốn lên nối ngôi nhưng quyền thần Trương Phúc Loan đổi di chiếu lập người con thứ 16 của Vũ Vương, mới có 12 tuổi tên là Nguyễn Phúc Thuần lên làm chúa, gọi là Định Vương. Nguyễn Phúc Ánh là con của hoàng tử Cốn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày Kỷ Dậu tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762) lớn hơn Nguyễn Du ba tuổi. Trương Phúc Loan là người tham lam, làm nhiều điều tàn ác nên trong nước ai ai cũng oán giận, bởi thế phía nam nhà Tây Sơn dấy binh ở Quy Nhơn, phía bắc quân Trịnh vào lấy Phú Xuân, làm cho cơ nghiệp họ Nguyễn xiêu đổ.

Năm Đinh Hợi (1767). Nguyễn Du hai tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công. Lúc này Trịnh Doanh mất, con là Trịnh Sâm lên làm chúa. Lê Duy Mật đem quân về đánh Hương Sơn và Thanh Chương rồi rút về Trấn Ninh. Trịnh Sâm cho người đưa thư sang vỗ về không được, mới quyết ý dùng binh để dứt mối loạn. Cũng năm ấy (1767) nước Miến Điện sang đánh Xiêm La (Thái Lan ngày nay) bắt vua nước ấy và các con vua mang về Miến Điện. Hai người con khác của vua Xiêm La một người chạy sang Chân Lạp, một người chạy sang Hà Tiên. Trịnh Quốc Anh (Taksin) một tướng Thái gốc Hoa người Triều Châu tỉnh Quảng Đông khởi binh chống quân Miến Điện giành lại độc lập, tự lập làm vua Xiêm La và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phraya, đối diện với Bangkok. (Nguyên nước Xiêm La vốn là một vương quốc Phật giáo tên là Xích Thổ (Sukhothai) ở miền Bắc Thái Lan, dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer (Chân Lạp) đang tàn lụi vào thế kỷ 13 – thế kỷ 15. Năm 1283 người Thái có chữ viết. Sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya, phía bắc Bangkok 70 km. Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor của Chân Lạp. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm. Trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18, giữa người Thái và người Miến Điện láng giềng luôn xảy ra các cuộc chiến tranh và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt ở thế kỷ 18. Người Hoa sau biến cố Minh Thanh cũng ngày một nhiều ở Xiêm La).

Năm Kỷ Sửu (1769). Nguyễn Du bốn tuổi, được phong ấm Hoằng Tín đại trung thành môn vệ úy xuất thân thu Nhạc công. Ông dung mạo khôi ngô, Việp Quận công (Hoàng Ngũ Phúc) trông thấy lấy làm lạ ban cho bảo kiếm. Năm đó, Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Hoàng Đình Thể đem ba đạo quân của Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa tiến đánh Trấn Ninh. Lê Duy Mật thua mà chết.

Năm Tân Mão (1771). Nguyễn Du sáu tuổi. Tây Sơn dấy binh. Nguyễn Nhạc lập đồn trại ở đất Tây Sơn, chiêu nạp quân sĩ, người về theo rất đông. Nguyễn Nhạc nguyên tổ bốn đời là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly, người gốc ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc phủ Hoài Nhân, đất Quy Nhơn. Đến đời của Nguyễn Phi Phúc dời nhà sang ấp Kiên Thành, sinh được Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ (Hồ Thơm). Lúc khởi binh nhà Tây Sơn lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm vì đất miền Nam vốn đất chúa Nguyễn. Năm 1771, Nguyễn Huệ mười tám tuổi, đã sớm tỏ ra là một bậc anh tài quân sự, định kế và cầm quân cùng anh. Cũng năm ấy, vua Xiêm La là Trịnh Quốc Anh (Taksin) khởi binh đánh vua Chân Lạp là Nặc Tôn nhưng không thắng bèn quay sang đem binh thuyền sang vây đánh con vua cũ là Chiêu Thúy ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là con Mạc Cửu và bà phi họ Nguyễn, tướng giữ thành Hà Tiên của nhà Nguyễn giữ không nổi phải bỏ thành chạy. Vua Xiêm La Trịnh Quốc Anh sai tướng giữ Hà Tiên và tiến đánh Chân Lạp. Quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn phải bỏ thành chạy. Vua Xiêm La chiếm Nam Vang (Phnom Penh ngày nay).

Prev1234NextView as Single Page
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.