Những người hiền xưa nay thực ra đời nào cũng có, thời thế nhiễu loạn, chẳng qua vàng lầm trong cát đấy thôi. Nguyễn Du là con quan tướng quốc Nguyễn Nhiễm cựu thần nhà Lê và mẹ ông là người phụ nữ tài sắc, vợ lẽ nhà quan, gặp lúc thế nước động loạn, chúa Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có ý riêng. Ông lớn lên trong cảnh lận đận không nhà, có tài mà không thể cậy. Ông là một đại sĩ phu tài năng trác tuyệt nhưng chỉ làm một viên quan thường triều Nguyễn mà vua vừa dùng vừa tìm cách kiềm chế như đối với Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Chú. Ông vì giỏi nên được vua Nguyễn cử đi sứ Tàu mà thôi. Thơ Nguyễn Du vì vậy kín đáo và sâu sắc hiếm thấy.
Bài thơ thật cô đọng, tài tình và tuyệt hay! Cầu Ngô Điểm, sông Tứ, núi Ni, ba lần truất, thánh chi hòa “Đối mặt Ni Sơn, nước Lỗ còn mãi, thương cho Đạo Chích kẻ không nhà” Mỗi câu thơ là những cụm từ chìa khóa với tình ý mênh mang. Viếng mộ Liễu Hạ Huệ, viết Truyện Kiều là Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự và sự trăn trở của người sỉ phu trí thức thời loạn như thân phận nàng Kiều và Liễu Hạ Huệ vậy.
*
Hoàng Kim đã cảm thán: Nguyễn Du viếng mộ Liễu Hạ Huệ nơi “bia tàn chữ mất vùi gai góc/ nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe” càng cho thấy nhân cách kẻ sĩ và sự cảm thông của ông đối với Liễu Hạ Huê sâu sắc đến dường nào. Người hiền thực ra đời nào cũng có, thời thế nhiễu loạn, chẳng qua vàng lầm trong cát đấy thôi.
Những giá trị nhân văn đích thực của Nguyễn Du để thấu hiểu , rất cần những khoảng lặng để đối diện với chính mình. Hôm trước tôi đã có dịp cùng với những người bạn quý thảo luận về hành vi ứng xử của Liễu Hạ Huệ gần gũi với một người nữ mà ông không mang tiếng dâm tà. Nhờ việc tra cứu, đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ ‘Liễu Hạ Huệ mộ’ của cụ Nguyễn Du, tôi chợt sững người, nhận thức thêm được những nỗi niềm của cụ Nguyễn lấp lánh sau những con chữ …
Hôm nay, nhân việc gia đình tôi đi dâng hương ở Văn miếu Trấn Biên để biết ơn gương sáng của những người có công với nước. Buổi khuya, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những ghi chép của Thùy Dương về bình luận của Nguyễn Khắc Phê với tiểu thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang. Tôi chép lại bài đã đăng cùng các cảm nhận của bạn hữu và bổ sung thêm những tư liệu mới.
Tâm sự Nguyễn Du qua “Đối tửu”
ĐỐI TỬU
(Trước ly rượu)
Nguyễn Du
Bên cửa xếp bằng ngất ngưởng say
Cánh hoa rơi phủ thảm rêu đầy
Sống chưa vơi nửa lưng ly rượu
Chết hỏi rằng ai tưới mộ đây ?
Xuân đã xa dần oanh bỏ tổ
Tháng năm bàng bạc tóc màu mây
Trăm năm chỉ ước say mềm mãi
Thế sự bèo mây… ngẫm đắng cay
(Bản dịch thơ của Hoa Huyền)
Ngồi bên cửa sổ mắt đờ say,
Trên thảm rêu xanh hoa rụng đầy.
Sống đã không vơi bầu rượu được,
Chết rồi ai rưới mộ mình đây?
Sắc xuân dần đổi, chim vàng lánh,
Năm tháng ngầm xui tóc bạc dày.
Ước được trăm năm say khướt mãi,
Việc đời mấy nỗi, nghĩ buồn thay!
(Bản dịch thơ của Nguyễn Thạch Giang)
Nguyên văn chữ Hán
對酒
趺坐閒窗醉眼開,
落花無數下蒼苔。
生前不盡樽中酒,
死後誰澆墓上杯。
春色漸遷黃鳥去,
年光暗逐白頭來。
百期但得終朝醉,
世事浮雲真可哀。
Đối tửu
Phu toạ nhàn song tuý nhãn khai,
Lạc hoa vô số há thương đài.
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu,
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi ?
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ,
Niên quang ám trục bạch đầu lai.
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý,
Thế sự phù vân chân khả ai.
Dịch nghĩa
Ngồi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say mắt lim dim,
Vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh.
Lúc sống không uống cạn chén rượu,
Chết rồi, ai rưới trên mồ cho ?
Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi,
Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc.
Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.
Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn.
Đối tửu là tuyệt phẩm thơ của cụ Nguyễn Du do Hoa Huyền giới thiệu bản chữ Hán, dịch nghĩa, dịch thơ, thư pháp và những bài họa vần. Tâm sự Nguyễn Du qua Đối tửu là tâm sự của bậc anh hùng.
Nguyễn Du đã đám đương đầu với Nguyễn Huệ, hiểu rất rõ Gia Long, Minh Mệnh là những vị vua tài trí và gian hùng, biết trọng dụng nhân tài nhưng kiềm chế và đa nghi. Nguyễn Du đã từng là chánh sứ đứng đầu về ngoại giao với triều Thanh. Người cũng là hàn lâm đại học sĩ đứng đầu về giáo dục, là quan cai bạ đầu tỉnh trọng yếu sát cạnh cố đô. Nguyễn Du hiếu thấu kinh Kim Cương, sâu sắc Kinh Dịch, Phong Thủy và Nhân tướng học, uyên thâm mọi mặt về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội và ngôn ngữ, nhưng cẩn trọng và khiêm nhường hiếm thấy. Người không chỉ là đại văn hào với Truyện Kiều và những bài thơ văn tiếng Việt mà còn viết tuyệt phẩm Bắc Hành tạp lục với các bài thơ văn chữ Hán sánh với bất cứ tác phẩm ưu tú nào của thời thịnh Đường, đỉnh cao chói lọi của thơ văn Trung Hoa. Người đã mắng Minh Thành tổ, tế Khuất Nguyên, họa thơ Lý Bạch, Thôi Hiệu, dừng chân thăm đền Mạnh Tử, xuống xe nhớ những hiền tài…
Tìm hiểu vẻ Người, tôi có viết: Nguyễn Du và những câu thơ tài hoa; Đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cỗ Nguyễn Du viếng mộ Liễu Hạ Huệ; Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ. Trước đối tửu, thầm thương bậc anh hùng. “Ba trăm năm nữa chốc mòng. Biết ai thiên hạ khóc cùng Tố Như”. “Đối tửu” như “Cảm hoài” của Đặng Dung, “Thợ bán than” của Trần Khánh Dư,” “Một mai, một cuốc, một cần câu” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh.
*
Nhận định về thơ chữ Hán Nguyễn Du, tôi rất tán đồng với những ý kiến này của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Toàn: “Nếu ở Truyện Kiều người ta mới thấy tấm lòng và tài năng của Nguyễn Du thì tới thơ chữ Hán người ta mới thấy được cả tầm vóc và bản lĩnh của ông. Bắc hành tạp lục được ông viết chủ yếu vào đợt đi sứ 1813-1814. Đây là lúc ông sống ở xứ người, có dịp rủ bỏ hết nhiễu nhương trong cuộc sống thường nhật của một “hàng thần lơ láo” để nhìn về đất nước. Ông sống với con người và cảnh vật xứ người một cách hết lòng, không chỉ suy nghỉ về hiện tại mà còn thường xuyên trở lại với quá khứ, không chỉ thương xót hoàn cảnh khốn khó của những người dân thường như ông già hát rong ở Thái Bình, hoặc bốn mẹ con một người hành khất, mà còn đặt mình vào tình thế của nhân vật kì vĩ hội tụ những vấn đề lớn của đời sống, như Khuất Nguyên, Kinh Kha, Tô Tần, Nhạc Phi, Liễu Hạ Huệ… Ông dùng những nhân vật lịch sử Trung Hoa để liên hệ tới hoàn cảnh của mình, tương tự như việc ông dùng cốt truyện mượn từ Thanh Tâm tài nhân để nói xã hội Việt Nam. Những câu thơ hay nhất ở đây dường như đã chạm tới những vấn đề của nhân loại. Học giả Phan Ngọc có nói “Văn Hóa Việt Nam có phần nhẹ chất nhân loại mà nặng chất dân tộc”. Rõ ràng Truyện Kiều và đặc biệt thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã góp phần bổ sung cho sự thiếu sót đó.” Trong việc tìm hiểu di sản văn hóa của ông cha thì “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du là viên ngọc quý. Vượt lên thời gian, những áng thơ đó thể hiện trình độ uyên bác, hiểu biết ngôn ngữ văn hóa Trung Hoa điêu luyện và nhân cách kẻ sĩ cao quý của ông xứng tầm với Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Tô Đông Pha … Tôi thực tâm đắc với ý kiến của học giả Mai Quốc Liên “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa. Nó mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ chữ Hán của ông cha ta đã đành, mà cũng độc đáo so với thơ chữ Hán của Trung Quốc nữa“.
Chúng ta chạm đến phần thơ chữ Hán của danh nhân văn hóa Nguyễn Du là đang chạm đến phần cốt lõi, tinh túy của thơ Người trong di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Nhiều học giả Việt Nam thời gian qua tuy đã thu thập, tìm hiểu nhưng vì điều kiện chiến tranh, ngôn ngữ văn hóa, và do hạn chế về thư tịch điển cố văn chương … nên chưa tìm hiểu hết.
“Kỳ Lân mộ”, “Liễu Hạ Huệ mộ” “Đối tửu”… thơ chữ Hán, Kiều của Nguyễn Du là thơ hay danh sĩ còn mãi với thời gian. Thơ chữ Hán Nguyễn Du là những kiệt tác chạm thấu tới những vấn đề sâu sắc nhất của nhân loại và tình yêu thương con người.
Nguyễn Du là anh hùng quốc sĩ tinh hoa, hiểu và thương yêu kính trọng con người.
Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG