Lò Cao Nhum
Bạn đến
Mời ngồi xếp bằng tròn trên núi
Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời.
Bát rượu trăng rằm
Mong hồn vía bạn đừng thất lạc
Cầu cụ ông, cụ bà cây si, cây đa
Gái bản nụ hoa, trai mường cây nghiến
Ngửa bàn tay cũng da
Úp bàn tay cũng thịt.
Rượu nhà tôi
Ủ từ lá sắc rừng gai
Chắt từ củ mài hốc đá
Vợ tôi nấu thơm từ lửa đỏ đêm dài.
Rượu nhà tôi
Có ngọt mật ong vách đá
Có chua măng ướp chum vò
Có cay của bạn tình cắn nhầm hạt ớt
Có đắng của em chồng phải lòng chị dâu.
Rượu nhà tôi
Rượu buộc chỉ cổ tay
Thắp lửa tình chiêng, tình trống
Đã uống vắt kiệt chum mà uống
Đã say đổ tràn tình mà say.
Nào bạn ơi
Cụng bát cùng rẻo cao muôn đời
Chụm bền ngọn núi
Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời.
Nhà thơ Lò Cao Nhum đọc bài thơ Rượu núi
Lời bình của nhà thơ NGUYỄN ĐỨC MẬU
Mở đầu bài thơ Rượu núi là mấy câu thơ giản dị theo kiểu mời khách đến nhà. Tác giả ngỏ lời rất mộc mạc, chân chất nhưng cũng biết lấy cái cớ mời bạn để nói về thứ rượu rất riêng của bản mình. Bởi lẽ vừa là chủ nhà, Lò Cao Nhum vừa là nhà thơ. Từ hương vị của rượu núi anh mở rộng biên độ để phát triển ý tưởng và tạo được những câu thơ gần với ngạn ngữ, giầu sự đúc kết, cô đọng: Gái bản nụ hoa, trai mường cây nghiến/ Ngửa bàn tay cũng da/ Úp bàn tay cũng thịt.
Lò Cao Nhum giới thiệu về rượu núi bằng chi tiết và hình ảnh rất thật: Ủ từ lá sắc rừng gai/ Chắt từ củ mài hốc đá/ Vợ tôi nấu thơm từ lửa đỏ đêm dài…, tuy nhiên tác giả không dừng lại ở chi tiết, hình ảnh, anh có những câu nói về cái “cay” cái “đắng” của rượu thật đột biến: Có cay của bạn tình cắn nhầm hạt ớt/ Có đắng của em chồng phải lòng chị dâu… Câu thơ hay không phải vì vần điệu mà vì sự liên tưởng gợi mở. Và sau khi đã giới thiệu cái men say của rượu núi, tác giả buông một câu mời thật hào phóng: Đã uống vắt kiệt chum mà uống/ Đã say đổ tràn tình mà say.
Ở đoạn kết bài thơ, sức khái quát được nâng lên. Từ động tác uống rượu thường ngày, tác giả viết: Cụng bát cùng rẻo cao muôn đời/ Chụm bền ngọn núi… Câu thơ có sự dồn nén, hàm xúc gợi cho người đọc những suy nghĩ về mối quan hệ thương yêu của bè bạn, chòm bản xa gần. Toàn bộ bài thơ Rượu núi được viết bằng bút pháp giản dị, giầu chất dân tộc. Phải chăng Rượu núi là thứ rượu chan chứa tình đời, tình người, và chính những câu thơ hay trong bài cũng là men rượu chắt ra từ cuộc sống?
Trong cuộc thi truyện ngắn và thơ năm 1996 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức, bài thơ Rượu núi đã giành được vị trí xứng đáng trong số các giải thưởng, thực sự là một đóng góp độc đáo cả về ý lẫn tình.
NHỚ LÃO KHOA TÌM RA RƯỢU NÚI
Hoàng Kim.
Lão Khoa thơ văn như phù thủy.
Tôi kể truyện này đã năm năm.
Hôm nay thung dung về chốn cũ.
Bất ngờ Rượu núi Lò Cao Nhum.
“Nào bạn ơi!
Cụng bát cùng rẻo cao muôn đời.
Chụm bền ngọn núi
Giữa chiếu đan bằng tia mặt trời” (1)
“Chiều buông ngọn khói hoang sơ
Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây”
“Cái còn thì vẫn còn nguyên
Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan” (2)
“Trăng sáng lung linh, trăng sáng quá!
Đất trời lồng lộng một màu trăng
Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm
Trăng vẫn là trăng, trăng vẫn rằm” (3)
Mình ở xóm lá với Lão Khoa (4)
Ong và Hoa (5) việc ai siêng nấy
Rượu núi hôm nay vui biết mấy
Bạn hiền nắng ấm trăng thanh.
(*) Cảm nhận trên trang Rượu núi nhân dịp
ghé thăm CÂU HÁT MƯỜNG PHĂNG
“Chín sẽ quên và mười sẽ quên
Nhưng không quên Pú Thẩu (*) Đại tướng” …
(1) Thơ Lò Cao Nhum
(2) Thơ Trần Đăng Khoa
(3) Thơ Hoàng Kim
(4) Bài viết “Nhớ Lão Khoa tìm ra rượu núi”
cảm nhận và bài đăng lần đầu tiên
(5) Thơ Hoàng Kim
MÌNH Ở XÓM LÁ VỚI LÃO KHOA
(Trích “TRUYỆN LÃO KHOA“, Hoàng Kim)
Lão Khoa thơ văn như phù thuỷ. Bạn hãy đọc ÔNG CHỦ XE BỤI và cái kết của lão Khoa “Thương trường là chiến trường. Đây là chiến trường còn kinh hơn thời bom đạn! Chỉ có người trong cuộc mới biết được thôi. Nhiều đại gia trông bên ngoài rất hoành tráng, nhưng đang chết dần từng ngày. Nợ ngân hàng đến nghìn tỷ. Xoay xỏa thế nào. Chỉ còn chờ ngày sập tiệm. Ông không tin à? Kinh lắm! Thế nên mình cứ buôn thúng bán bưng, cứ làm ông chủ xe bụi cho chắc chắn. Nhếch nhác nhưng khỏe re. Rỗi rãi, có khi mình sẽ lại viết văn. Mà nếu viết văn, cuốn sách đầu tiên, không khéo mình lại viết về ông Lựu! Lôi ông Lựu ra bán, chắc chắn đắt hơn bia bụi rất nhiều! Nói rồi, Lưu Xuân Tình ngửa cổ cười. Trông lão rờn rợn như một gã địa chủ nhà quê, có của ăn của để. Kinh! “. Tôi chỉ bình được một chữ (kèm vỗ đùi đánh đét): Phục! Sướng thiệt! Tôi tự hào mình ở xóm lá với lão Khoa !
XUÂN DIỆU BÌNH THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA
Tôi nhớ cách đây 40 năm khi chú Xuân Diệu đến đọc thơ ở Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Mấy ngày hôm trước, trên bảng thông tin của Trường viết hàng chữ bằng phấn trắng. Lúc 7g tối thứ Bảy này có phim TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CÓ THỂ HOÃN ! Thuở đó liên hệ phim rạp thật khó. Người viết có lẽ vì không chắc chắn nên đã viết câu trước rất khiêm tốn, nhỏ nhắn, còn câu sau thì viết rất to, ý muốn nói có thể có phim mà cũng có thể không, trường hợp đặc biệt có thể hoãn (để mọi người đừng phiền). Buồn cười là không hiểu sao, có lẽ là vì quá mong mỏi nên các lớp sinh viên chúng tôi lại kháo nhau, rũ nhau đi xem vì tên phim hay lắm, ngộ lắm. Trời mới chập tối, sân trường đã có nhiều người đến xí chỗ tốt gần rạp chiếu. Mặc dù thứ bảy là ngày cuối tuần, nhiều bạn thường về Hà Nội hoặc đi Bích Động. Cuối cùng, thì việc sẽ đến phải đến. Tối đó không có phim thật nhưng thay vào đó Đoàn trường đã rước được nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện.
Tôi thích thơ nên ngồi gần và nhớ như in cái chuyện thay kính của nhà thơ Xuân Diệu khi ông trò chuyện đến chỗ hứng nhất (Sau này trong “Chân dung và đối thoại”, tôi đặc biệt ấn tượng cái chi tiết tả thực này của Trần Đăng Khoa là Xuân Diệu không có thói quen lau kính mà ông có hai kính để luôn thay đổi, khi kính bị mờ là ông thay kính khác và nói chuyện thật say mê). Ông nói rất hào hứng và tôi thì nhìn ông như bị thôi miên. Đột nhiên ông chỉ vào mặt tôi: “Đố em biết Trần Đăng Khoa mấy tuổi?”. Tôi sững người hơi lúng túng vì bất ngờ nhưng sau đó kịp đáp ngay là Trần Đăng Khoa cỡ tuổi Hoàng Hiếu Nhân nên tôi nghĩ rằng có lẽ Khoa nhỏ hơn tôi ba tuổi. Hình như chú Xuân Diệu quên béng mất câu hỏi và cũng chẳng quan tâm đến tôi đang chờ đợi ông giải đáp cho mọi người là đúng hay sai. Mắt Xuân Diệu tự dưng như mơ màng, như thảnh thốt nhìn vào một chốn xa xăm … Giọng ông hạ chùng hẳn xuống như nói thủ thỉ với riêng tôi trước mặt mà quên mất cả một cử tọa đông đảo: “Tôi học bà má Năm Căn gọi anh giải phóng quân bằng thằng giải phóng quân cho nó thân mật. Tôi gọi Trần Đăng Khoa là thằng cháu Khoa vì sự thân mật, chứ thực tình Trần Đăng Khoa lớn lắm…. lớn lắm… lớn lắm (ông lắc lắc đầu và lặp lại ba lần). Mai sau, muốn biết thời gian lao của nước mình, người đọc chắc chắn phải tìm đến Khoa. Xuân Diệu đây này (Ông gập người xuống, tay nắm mũi làm điệu bộ )Tôi phải cúi..úi ..i xuống như thế này (Xuân Diệu gập người thấp, rất thấp, tay lay mũi, tay đỡ kính) đến lấm mũi và gọi là …. ông Khoa”. Ông đột ngột nói to: “ÔNG KHOA!” (mọi người cười ồ lên). Tôi – Xuân Diệu nói tiếp- đang chuyển thể và giới thiệu thơ Khoa ra thế giới. Hay lắm ! Thú lắm ! Tôi đọc cho các anh chị nghe nhé. EM KỂ CHUYỆN NÀY … Ông đọc chậm rãi –