Chuyên gia tâm lý Weiner-Davis đề xuất một giải pháp tích cực khác cho các chị em gặp khó khăn trong việc khắc phục thói đay nghiến: “Nếu bạn muốn đạt được điều gì, hãy hành động chứ đừng lải nhải!” Xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng than thở và đay nghiến trong gia đình chỉ là do những người có liên quan không biết cách giao tiếp sao cho hiệu quả và thuyết phục được nhau. “Những kỹ năng giao tiếp quan trọng như lắng nghe chủ động sẽ giúp chúng ta đảm bảo được rằng những thông tin được trao đổi giữa mình và đối phương đều được mỗi bên tiếp nhận và xem xét. Trên thực tế, mỗi khi các cặp đôi bàn luận hoặc tranh cãi với nhau vì bất đồng quan điểm, phần lớn họ chăm chăm bảo vệ những ý kiến của cá nhân mình mà không lưu tâm đến phần cốt lõi của vấn đề cũng như thông điệp và cảm nhận của đối phương. Một khi chúng ta học được nghệ thuật tranh luận công bằng và giao tiếp với nhau hiệu quả hơn, cả người nói và người nghe sẽ dễ dàng lắng nghe và thấu hiểu nhau. Làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để đay nghiến hay chì chiết nhau.”
Cũng theo chuyên gia Weiner-Davis, mỗi khi bạn cảm thấy tức giận bạn đời đến mức muốn nạt nộ hay chì chiết họ, hãy nghĩ về những trải nghiệm tích cực mà cả hai người đã có với nhau, những khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc mà hai người làm nhiều điều tuyệt vời cho nhau mà chẳng cần đến một lời than thở hay chỉ trích. “Hãy nhớ lại hồi đó, mỗi khi bạn yêu cầu bạn đời làm việc gì cho mình, anh ấy đã làm rất tốt và nhiệt tình, rồi hãy nhớ lại cách bạn đã giao tiếp với anh ấy như thế nào lúc đó để anh ấy phản hồi như thế,” lời khuyên của cô Weiner-Davis. “Hãy học hỏi từ những trải nghiệm ấy, khắc phục và sửa đổi cách giao tiếp của mình sao cho phù hợp để từ đó trở đi, bạn có thể thuyết phục người thân trong gia đình thực hiện những mong muốn của mình mà không phải dùng đến những lời lẽ tiêu cực.”
Ngay cả những người bị đay nghiến cũng có một phần trách nhiệm trong việc khiến cho người kia phải nổi nóng đến mức xung đột trở nên trầm trọng. Chính những người này cũng cần phải sửa đổi cách giao tiếp của mình và học cách chia sẻ cảm nhận của bản thân đối với yêu cầu của đối phương một cách thiện chí và không trốn tránh.
“Người nào muốn đối phương làm điều gì cho mình, người đó cần chủ động nói lên yêu cầu của mình trước, trình bày rõ ràng những việc mà đối phương cần làm.” – chuyên gia Weiner-Davis đề xuất. “Với người được yêu cầu, ưu tiên hàng đầu là không nên tỏ ra bị làm phiền hay nóng giận một cách vội vàng. Phản ứng này sẽ khiến cho cuộc trò chuyện ngay lập tức mất đi bầu không khí vui vẻ và thiện chí, đồng thời châm ngòi cho những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Thay vào đó, nếu bạn cảm thấy đối phương có yêu cầu vô lý với bạn, rằng đây không phải là lần đầu tiên cô ấy làm điều này và bạn cảm thấy rất khó chịu với nó, hãy giãi bày một cách chân thành và cảm thông với bạn đời của mình theo hướng cùng nhau tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên – chứ đừng giấu giếm, phòng bị hay lảng tránh cuộc trò chuyện.”
Nếu tất cả các biện pháp trên đều không thể giúp bạn giải quyết được xung đột, hãy tìm đến các chuyên gia tư vấn. “Một chuyên gia tư vấn tâm lý giàu kinh nghiệm sẽ cung cấp cho bạn những cách thức và phương tiện giao tiếp phù hợp để giúp bạn cải thiện vấn đề. Hoặc cả hai vợ chồng có thể cùng nhau tham gia các khóa học về kỹ năng ứng xử trong hôn nhân và gia đình.” – Weiner-Davis đề xuất.
Tóm lại, tình trạng than thở và đay nghiến trong gia đình là vấn đề hoàn toàn có thể hóa giải được. Theo chuyên gia Weiner-Davis: “Giải pháp trọng tâm vẫn luôn là tìm ra những cách thức giao tiếp tích cực và phù hợp hơn để đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người, để hai bên có thể cảm thông, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn nữa.”
.
~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com
.
2016-04-22 06:39:07
Nguồn: https://phannguyenkhanhdan.wordpress.com/2016/04/22/than-tho-va-day-nghien/