Hai dòng họ Lý vượt biển tới Đại Hàn Thế kỉ 12-13
Thursday, August 25, 2016 7:01
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Trần Vinh
![]() |
Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường |
Biến cố Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí nguyên tử lần thứ nhất ngày 09 tháng 10 năm 2006 gợi cho chúng tôi nhớ tới những người yêu chuộng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có những người Đại Hàn ở cả hai miền Nam Bắc vốn là đồng bào Việt Nam như chúng ta, tổ tiên họ thuộc dòng họ triều nhà Lí Đại Việt đã vượt biên tị nạn chính trị mãi hồi thế kỉ 12, 13).
Vị trí nước ta khá xa nước Cao Li (Triều Tiên và Đại Hàn ngày nay), nhưng cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa rất sâu sắc, nhất là về văn tự và nền đạo đức Khổng Mạnh. Cũng vì ‘thiên triều’ Trung Hoa là trung tâm các phiên quốc phải quy về, cho nên sứ giả nước Việt đã từng gặp gỡ sứ giả Cao Li. Chuyện kể học giả kiệt xuất Lê quý Đôn thi đậu tiến sĩ, làm quan đời vua Lê Hiển Tông; năm 1760-1762, ông đi sứ Tầu, đã cùng các danh sĩ Tầu và sứ thần các nước Nhật Bản, Cao Li xướng họa và được họ khâm phục. Riêng vị sứ thần Cao Li là trạng nguyên Hồng Khải Hi đã tặng quan sứ nước Việt một chiếc quạt và một bài thơ. Trạng nguyên Lê Quý Đôn làm thơ tặng lại:
Tản Viên khái tự Tùng sơn tú
Áp Lục ưng đồng Nội thủy trường…
(Núi Tùng của Cao li và núi Tản Viên nước Việt cùng khoe sắc. Sông Áp Lục của Cao li và sông Nhị Hà nước Việt cùng nối dài..). Trạng nguyên Hồng Khải Hi còn đề tựa cho bộ sách Quần Thư Khảo Biện của Lê Quý Đôn như sau: ‘Chọn lấy trong thư tịch các đời mà khảo đính, biện luận trên dưới vài nghìn năm, cái được cái mất, ai được ai thua, như thế này thì an, không như thế này thì nguy, không điều nào là không soi xét và tính đến; lật đổ những xét đoán đã định trước đây cũng có, phê phán những kẻ thừa tiếp sai lầm cũng có, cách lí giải tinh diệu tràn đầy trên giấy mực…’
Đến sau này, vào những năm cao điểm của cuộc chiến Việt Nam 1966-1970, có 2 sư đoàn của Nam Hàn sang tham chiến ở miền Trung Việt Nam. Đó là sư đoàn Mãnh Hổ và sư đoàn Bạch Mã. (Danh hiệu sư đoàn Bạch Mã có liên quan tới một nhân vật trong lịch sử Việt Nam và Cao Li, như sẽ thấy trong bài này). Đương nhiên đã xẩy ra hàng trăm cuộc hôn nhân giữa những chiến binh Đại Hàn và những cô gái Việt. Do đó ngay từ hồi thập niên 1970, nhiều cô gái Việt đã theo chồng về làm dâu bên Đại Hàn rồi.
Ngày nay, từ thập niên 1980, khi kinh tế bắt đầu ‘mở cửa’, con rồng Nam Hàn đã tràn vào làm ăn lớn ở Việt Nam. Họ đến làm ăn nhưng cũng đã mang theo cả những sản phẩm văn hóa, nhất là phim ảnh. Người Việt bây giờ chẳng còn xa lạ gì với con ngưòi và đất nước Đại Hàn nữa.
Với những chuyện kể trên, chỉ là những diễn biến bình thường xẩy ra giữa hai quốc gia, không có điều chi mới lạ!
Sự thực không phải thế. Ẩn nấp dưới dòng lịch sử lạnh lùng, đã phát hiện câu chuyện kì thú về hai vị hoàng tử triều nhà Lí Việt Nam là ‘thuyền nhân’ tị nạn, phiêu bạt tới nước Cao li mãi hồi thế kỉ 12, 13!
Trước 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi có dịp quen biết 2 sinh viên Đại Hàn sang học tại Đại học Sài Gòn với học bổng của Cơ quan Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu: một tên là Kim học văn học Việt Nam. Anh tâm sự học không hiểu mấy, nhất là môn chánh tả Việt ngữ của Giáo sư Lê Ngọc Trụ cho nên anh đang mua sách vở và chuẩn bị về nước. Người thứ hai là chị Lee. Chị nhận giáo sư Nghiêm Thẩm đỡ đầu luận văn cao học sử với đề tài So Sánh Hậu Quả Việc Cấm Đạo Giữa Đại Hàn Và Việt Nam. Chị Lee đọc đã lâu ở thư viện Hội Nghiên Cứu Đông Dương (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn) mà chưa viết gì. Chúng tôi làm quen và biết chị đang lúng túng về đề tài, cho nên đã thử đề nghị với chị xin Giáo sư Nghiêm Thẩm đổi đề tài thành So Sánh Việc Cấm Đạo Giữa Việt Nam Và Đại Hàn (không tự hạn chế quá chặt chẽ vào hậu quả của việc cấm đạo) để đề tài mở rộng hơn, dễ viết hơn. Chị đã làm như vậy và rất hài lòng. Từ đó chúng tôi trở nên thân hơn. Chị thành thật nói ở cư xá Thanh Quan các chị sinh viên Việt Nam ăn ít quá khiến chị mắc cở không dám ăn nhiều, nên cứ phải sang tiệm New Seoul ở đường Kì Đồng để ăn thêm! Rồi tình cờ một hôm chị nói chị là hậu duệ dòng họ Lí Việt Nam! Lúc đó chúng tôi rất ngạc nhiên nhưng phần vì đang chú tâm vào một công việc, phần vì ‘tối dạ’ nên đã không hỏi chị cho ra câu chuyện đàng hoàng mà chỉ kể lại với Giáo sư Nghiêm Thẩm. Giáo sư đã biết chuyện này cho nên ông thản nhiên bảo chính ông được Trung tướng Phạm Xuân Chiểu, hồi sang làm đại sứ bên Hàn quốc, nhờ làm cố vấn quay một cuốn phim tài liệu, nói về mối quan hệ Việt-Hàn từ thế kỉ 12, 13 tới ngày nay, nhưng vì tình hình chuyển biến luôn nên chưa thực hiện được.
Không ngờ trong lịch sử nước ta lại có những chuyện li kì đến thế! Quả đây là câu chuyện lịch sử lí thú, ít ai biết tới.
Thế rồi tình hình miền Nam sang đầu năm 1975 biến chuyển mau lẹ và sụp đổ tất cả… Mãi tới thập niên 1990, chúng tôi mừng rỡ được đọc vài bài có nhắc tới họ Lí Việt Nam tại Đại Hàn.
Truớc hết, trong bài Niềm Hãnh Diện Chung viết tháng 9 năm 1988, nhà văn Trà Lũ kể sơ qua chuyện hoàng tử Lí Long Tường cùng những người trong hoàng tộc nhà Lí đã vượt biên sang Cao Li năm 1226 để trốn thoát bàn tay của thái sư Trần Thủ Độ. Nhưng nhà văn Trà Lũ cho rằng hoàng tử Lí Long Tường đã đổ bộ lên tỉnh Phu San miền cực Nam của Cao Li. Rồi vì sau có công chống quân Mông Cổ cho nên hoàng tử được vua Cao Li trọng đãi. Khi mất, vua cho dựng tượng đồng, đề là Bạch Mã Tướng Công, anh hùng dân tộc đuổi giặc Mông Cổ. (Trà Lũ. Miền Đất Hạnh Phúc. Việt Pub.. 1989, trang 170).
Sau đó, trong cuốn Việt Nam Huyết Lệ Sử, do Đồng Hướng xuất bản năm 1996, các trang 866-869, tác giả Cao Thế Dung cũng kể chuyện hoàng tử Lí Long Tường vượt biển ‘đến một miền ven biển giá lạnh sau này là Lý Hoa Trang hay Lý Hoa Sơn, vua Triều Tiên cho định cư tại đây’. Tác giả chưa biết là có tới 2 đoàn người Việt họ Lí vượt biển sang tị nạn tại Cao Li với nguyên do khác nhau, một giạt vào bờ biển phía Nam, một giạt vào bờ biển phía Bắc nước này và cách nhau tới 76 năm. Cả hai tác giả Trà Lũ và Cao Thế Dung kể chuyện mà không cho biết đã căn cứ vào đâu.
Còn bài Trang Sử Bị Bỏ Quên của Trần Đình Sơn đăng trên báo Người Việt số ra ngày 02 tháng 02 năm 2002, kể chuyện hoàng tử Lí Long Tường đưa 3 thuyền buồm lớn vượt biển: một chiếc giạt vào lãnh thổ Trung Hoa, 2 chiếc còn lại ‘dạt đến tận tỉnh Pusan miền Nam nước Cao Ly’. Tác giả cho biết ông kể chuyện căn cứ vào sử liệu do một sinh viên Đại Hàn du học tại Luân Đôn cung cấp, vào lịch sử triều nhà Lí, vào lời của các nhân chứng từng viếng thăm các di tích lịch sử và các bài báo. Thế nhưng tác giả Trần Đình Sơn cũng chỉ biết có một chuyến vượt biên và đã lẫn lộn chuyến vượt biên thứ nhất vào năm 1150 của hoàng tử Kiến Hải vương Lí Dương Côn với chuyến vượt biên thứ hai vào năm 1226 của Kiến Bình vương Lí Long Tường. Trần Đình Sơn không đếm xỉa gì tới sự mâu thuẫn lộ liễu về địa dư nước Cao Li. Nước Cao Li là một bán đảo dài, chỉ có miền Bắc tiếp giáp với lục địa. Khi xâm lăng Cao Li, bộ binh Mông Cổ đã vượt qua biên giới phía Bắc, đánh lần xuống kinh đô nằm bên sông Han ở phía Tây Trung bộ nước Cao Li. Không thể lẫn lộn mặt trận vùng núi Hoa Sơn thuộc vùng này với lãnh thổ tỉnh Pusan nằm mãi dưới cực Đông Nam Cao Li. Hơn nữa, tại sao tác giả Trần Đình Sơn lại quả quyết năm 1226 là năm vượt biên mà ‘Hoàng tử Lý Long Tường đang còn ở tuổi niên thiếu’? Thực sự vị hoàng tử này sanh năm 1174, Giáp Ngọ, niên hiệu Chính long Bảo ứng. Năm vượt biên 1226, hoàng tử đã được 52 tuổi.
Điểm lại, chỉ có bài viết của Bs.Trần Đại Sỹ trên Văn Nghệ Tiền Phong số 560 mới cho biết rõ ràng hơn về sự kiện lịch sử này với nhiều chi tiết và bằng chứng cụ thể.