Người dân Trung Quốc bị thao túng kí ức như thế nào?
Sunday, August 7, 2016 19:56
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Nguồn: Ian Johnson, “China’s memory manipulators”, The Guardian, 08/06/2016
Biên dịch: Đoàn Khương Duy, nghiencuuquocte.org
Giới cai trị của đất nước này không chỉ bưng bít lịch sử, họ còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Họ biết rằng, trong một nhà nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu xảy ra khi quá khứ bị thách thức.
Khi tôi lần đầu đến Trung Quốc năm 1984, bạn đồng học ngoại quốc và tôi tại trường Đại học Bắc Kinh thường chơi một trò cùng với cuốn sách hướng dẫn cũ. Có nhan đề Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Hướng dẫn toàn thư của Nagel: Trung Quốc), được xuất bản lần đầu năm 1968 tại Thuỵ Sĩ và có nhiều mô tả về các địa điểm văn hoá quan trọng được giới ngoại giao và học giả Pháp ghé thăm. Điều mấu chốt đối với chúng tôi là họ đã tập hợp thông tin hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nói cách khác, những thông tin này ở thời điểm ngay trước khi Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá huỷ hoại hàng vạn nơi thờ phụng và địa điểm lịch sử ở khắp Trung Quốc. Chúng tôi tra một nơi ở Bắc Kinh và cưỡi xe đi để xem còn lại những gì.
Tôi nhớ một chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự (五塔寺), được xây dựng cuối thế kỉ 15 và có 5 cái tháp nhỏ nằm trên một bệ đá lớn. Sách của Nagel ghi rằng hầu hết đã bị tiêu huỷ vào thời tao loạn cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn đó 5 cái tháp. Mấy tấm bản đồ năm 1980 của chúng tôi cho thấy không có gì, nhưng sách của Nagel làm chúng tôi thấy hiếu kì. Liệu nó còn tồn tại?
Chúng tôi cưỡi xe dọc đường Bạch Thạch Kiều (白石橋) và tìm cách chồng mấy tấm bản đồ Bắc Kinh xưa cũ trong sách Nagel lên mấy tấm bản đồ của một Bắc Kinh kiệt quệ thời hậu Cách mạng Văn hoá. Sau rốt chúng tôi phải dừng lại hỏi đường. Sau nhiều nỗ lực vô ích, chúng tôi được dẫn đi qua những cánh cổng của một nhà máy và đi vào ngôi chùa nằm ẩn mình phía sau. Tất cả những gì còn lại là bệ đá lớn, bên trên là 5 cái tháp đá. Các miếng ngói đã rơi khỏi mái, và nằm trên mặt đất là các mảnh vụn của những phiến đá mang trên mình những dòng chữ khắc và hoạ tiết. Cỏ dại mọc khắp nơi. Tuy vậy, chúng tôi đi trên khu đất này với cảm giác kinh thán: tại đây là một thứ vốn đã mất dạng khỏi bản đồ ngày nay, thế mà nó vẫn tồn tại. Trong một công trình, chúng tôi có được câu chuyện về nét tráng lệ văn hoá, về những cuộc ngoại xâm, về sự tự huỷ hoại văn hoá ở Trung Quốc, và cả tàn dư còn lại nữa. Ở đây, nhờ cuốn sách hướng dẫn cũ, chúng tôi có được phần lịch sử tóm gọn của Trung Quốc – quá khứ lẫn hiện tại.
Việc quan sát Trung Quốc đôi lúc cần qua một ống kính như cuốn sách của Nagel vậy. Ta có thể bị lạc hướng khi đi bách bộ trên đường phố đô thị Trung Quốc, lái xe dọc các con đường miền quê, và cả khi ghé thăm các trung tâm du lãm ở đây. Mặt khác, chúng ta biết đây là đất nước tồn tại một nền văn minh phong phú suốt nhiều ngàn năm, vậy mà chúng tôi vẫn bị choáng ngợp khi nhận thấy sự vong bản nơi đây. Các thành phố Trung Quốc không có vẻ ngoài xưa cũ. Ở nhiều thành phố có những địa điểm văn hoá và những khu phố cổ bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa biển công trình bê-tông. Khi chúng tôi tiếp xúc được với phần quá khứ ở hình hài một ngôi chùa cổ xưa hoặc một con hẻm hẹp, thì ta chỉ cần chút thẩm tra cũng thấy đa số đã được tái tạo. Nếu quay lại Ngũ Tháp Tự ngày nay, bạn sẽ thấy một ngôi chùa được tu bổ hoàn toàn, không một viên gạch hay mái ngói nào trật chỗ. Nhà máy kia đã bị giật sập và thay bằng một công viên, một bức tường và một phòng vé. Chúng ta có thể đã ở một địa điểm của một thứ xưa cũ, nhưng cái chất lịch sử ấy đã bị hoà tan đến mức người ta cảm thấy như thể nó đã biến mất.
Chuyện này cho ta biết gì về một đất nước? Những người lạc quan cảm được tính năng động – cuối cùng đây là một đất nước tiếp tục đi tới trong nhiều phương diện trong khi phần còn lại thế giới lại đình trệ hoặc đang lê bước về phía trước. Người ta luôn nói điều này bằng vẻ kinh ngạc và kính sợ. Đỉnh điểm của thời đại kinh thán này đến ngay trước kì Olympics 2008, lúc ấy truyền thông Tây phương tự vấp chân mình khi tìm cách trưng ra lời khen ngợi dạt dào nhất dành cho sự trỗi dậy/sự biến chuyển/trẻ hoá của Trung Quốc – bạn hãy tự mình chọn một từ trong số đó. Điển hình là một nhà phê bình kiến trúc của New York Times, khi tới Bắc Kinh vào năm 2008người này đã say sưa nói về “cảm giác không thoát được rằng bạn đang đi qua cánh cổng tiến vào một thế giới khác, một thế giới mà việc hùng hục tiếp nạp các thay đổi đã làm cho các quốc gia Tây phương hít bụi đằng sau” và kết luận rằng “người ta tự nhủ liệu phương tây có bắt kịp được chăng”.
Những cảm xúc khác thì mơ hồ hơn. Ý thẳng thừng nhất tôi từng gặp là thế này: một đất nước mà tẩy xoá hoàn toàn và sau đó tái tạo quá khứ – thì đất nước đó có đáng tin? Điều gì gặm nhấm một đất nước, hoặc người dân hoặc một nền văn minh, nhiều đến mức họ luôn thấy khó chịu với lịch sử của mình? Ở Trung Quốc, người ta thường ca tụng lịch sử. Mỗi khi có cơ hội, người dân sẽ bảo bạn rằng họ có 5.000 năm văn hoá: ngũ thiên niên đích văn hoá. Và đối với chính quyền, đó là điểm mốc cho tính chính danh thời hiện tại. Nhưng đó còn là con quái vật ẩn khuất trong bóng tối.
Vai trò của lịch sử trong xã hội Trung Quốc do đảng cộng sản cai trị là cực kỳ quan trọng. Bản thân chủ nghĩa cộng sản dựa trên tất định luận lịch sử: một trong những quan điểm của Marx là thế giới sẽ vận động không ngừng về hướng chủ nghĩa cộng sản, một luận cứ mà nhiều nhà lập chế độ như Lenin và Mao đã sử dụng nhằm biện minh cho việc vươn lên nắm quyền bằng bạo lực. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa Marx được đặt nằm trên hết so với các ý tưởng xưa cũ hơn nhiều về vai trò của lịch sử. Mỗi triều đại kế tục sẽ viết sử của tiền nhân, và ý thức hệ chính trị chi phối – cái mà giờ được gọi chung là Nho giáo – dựa trên ý niệm rằng các lí tưởng về việc cai trị đều được tìm thấy trong quá khứ, mà người cai trị đứng đắn cần noi theo đó. Thành quả là điều hệ trọng, song chủ yếu đóng vai trò làm bằng chứng cho sự phán định của lịch sử.
Điều đó nghĩa là tốt nhất nên giữ lịch sử trong vòng cương toả. Ngay sau khi nắm quyền năm 2012 làm tổng bí thư Đảng Cộng sản sản, lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình (習近平) đã tái nhấn mạnh điểm này trong bài diễn văn trọng yếu nói về lịch sử, được công bố trên tờ Nhân dân Nhật báo, một tờ báo chính thống của đảng. Tập là con trai của một viên chức đảng cấp cao, người đã giúp dựng nên chế độ này, nhưng xung đột với Mao, và lâm cảnh khổ đau trong suốt thời Cách mạng Văn hoá. Một số tưởng rằng Tập có thể có quan điểm phê phán hơn đối với thời đại của Mao, nhưng trong diễn văn của mình, ông đã nói rằng 30 năm cải cách bắt đầu dưới quyền Đặng Tiểu Bình ( 邓小平) hồi cuối thập niên 1970 không nên được dùng để “phủ định” 30 năm cai trị đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản dưới quyền Mao.
![]() |
Ngũ Tháp Tự ở Bắc Kinh từng là đống đổ nát vào thập niên 1980. Nay nó đã được tu bổ.(Ảnh: Alamy/The Guardian) |