Ăn chay là điều rất tốt nhưng nên ăn chay một cách thông minh. Những hành giả Yogi Ấn Ðộ ăn uống rất kỹ lưỡng. Họ chia thức ăn theo ba loại: tamasique, rajasique và sattvique.
Thức ăn Tamasique là những loại có tính chất làm hại cơ thể tiêu hao nguyên lực và làm tâm trí hôn ám đần độn. Ðó là thức ăn thiu chua hoặc quá chín, thịt cá, hành tỏi, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, đồ hộp, đồ đông lạnh, v.v… Ăn quá no cũng được xem là Tamasique. Hành giả Yogi tuyệt đối tránh ăn những loại thức ăn này.
Rajasique là những loại kích thích cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Nó kích thích luôn cả đam mê và làm mất tự chủ. Hành giả Yogi cố tránh những thứ này càng nhiều càng tốt. Ðó là trứng, cà phê, trà, đồ gia vị mạnh, quá chua, quá đắng, đường trắng, bột trắng, đồ hóa học, v.v… Ăn quá nhanh hoặc ăn nhiều thứ trộn lẫn cũng được xem là rajasique. Người tu thiền ăn những thứ này dễ bị loạn tưởng chi phối.
Sattvique là loại thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể, đầy đủ sinh tố, dễ tiêu, giúp cho tâm trí bén nhạy, sáng suốt và vắng lặng. Ðây là thức ăn chính của hành giả Yogi, gồm ngũ cốc, hoa quả, rau cải tươi, bơ, sữa, fromage, đậu hạt, mật ong, nước trái cây, nước suối, v.v…
Người ăn chay nên ăn những thức ăn Sattvique, nhưng cũng phải biết ăn theo thời tiết bốn mùa, tùy theo phong thổ và tạng âm dương.
Trích: “Ðạo gì?”, Thích Trí Siêu, Pháp quốc (1996).
Có bao nhiêu Phật?
Theo Facebook Aiviet Nguyen, 17/11/2016
Sau khi nghiên cứu một hồi, thấy quả tình về lãnh vực này mình hiểu rất sơ sài, đáng phải bổ túc ngay, nếu muốn trở thành người hát rong kể chuyện.
Phật giáo chia lịch sử thế giới thành hai thế đại (kalpa). Thế đại trước gọi là Thế đại Vinh Quang. Thế đại hiện tại gọi là Thế đại Cát Tường. Mỗi thế đại có 1000 vị Phật, mỗi vị cai quản một kỷ nguyên (eon). Không rõ mỗi kỷ nguyên kéo dài bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở kỷ nguyên của Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) hay còn gọi là Phật Cồ Đàm (Gautama) là vị Phật thứ tư trong Thế Đại Cát Tường. Như vậy cho đến nay có 1004 vị Phật. Vị phật thứ 1005 sẽ xuất hiện trong tương lai gọi là Phật Di Lặc (Matreiya). Cụ này sẽ xuất thế để dạy lại các Kinh Phật bị con người lãng quên. Điều đó giải thích tại sao chúng ta chỉ sùng bái Phật Thích Ca: đây là vị Phật gần nhất (xuất hiện cách đây khoảng 2500 năm) cai quản chúng ta. Các cụ Phật trước hết nhiệm vụ nên không quản lý trực tiếp mà đã phiêu diêu trong thế giới khác.
Tất cả các vị Phật thuộc Thế Đại Vinh Quang đều gọi là Thượng Cổ Phật. Trong 1000 vị Thượng cổ Phật có một cụ rất quan trọng là Dipankara, có tên Việt Nam là Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật. Nhiên Đăng rất quan trọng vì đã báo trước được sự ra đời của Phật Cồ Đàm. Khi đó cụ gặp một cậu bé người Tạng-Miến tên là Sumedha, cụ đã khai sáng cho cậu và nói cậu sẽ trở thành Phật trong nhiều kiếp sau (hàng chục vạn năm sau). Nhiên Đăng, Như Lai và Di Lặc là bộ ba Tam Bảo Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai trong Phật giáo. Đáng chú ý là Nhiên Đăng có trong bộ Phong Thần của Trung Quốc, tham gia cuộc tranh giành thế lực giữa Xiển Giáo và Triệt Giáo vào thời Chu Vũ Vương phạt Trụ. Nhiên Đăng tay cầm một bánh xe, được Phong thần cho là bảo bối. Nếu tính về thế đại, Nhiên Đăng phải trước thời vua Trụ khá xa.
Phật đầu tiên (anh cả) của Thế Đại chúng ta đang sống là Kakusandha, có tên Việt là Cù Lưu Tôn, cũng là một nhân vật trong Phong Thần. Phật thứ hai (anh hai) là Koṇāgamana (quan thầy của tôi, theo tính ngưỡng Phật giáo Myanmar, cưỡi một con nghê-kỳ lân-sư tử). Cụ này có tên Việt là Câu Na Hàm Mâu Ni. Trong Phong Thần không có cụ này, không biết vì ra đời sau, hay cụ không quan tâm đến chính trị. Phật thứ ba là Kassapa hay Phật Ca Diếp. Không biết Phật giáo có mâu thuẫn hay có sự trùng tên, trong đệ tử của Phật Như Lai cũng có Ca Diếp.
Nhìn chung Phật thoại như vậy khá phong phú và hơn những điều chúng ta biết khá nhiều.
Đẳng cấp của Phật
Theo Facebook Aiviet Nguyen, 17/11/2016
Xem danh sách 29 vị Phật tiêu biểu từ Thượng cổ đến nay thì thấy hầu hết đều thuộc đẳng cấp Ksatryia (Vua chúa, hiệp sĩ) và Brahmin (tăng lữ). Các vị Phật sớm nhất là Brahmin. Sau đó một thời gian dài các phật đều là Ksatryia. Sau đó, các Phật thời kỳ cuối của Thế Đại Vinh Quang và 3 vị đầu của Thế Đại Cát Tường đều là Brahmin. Sau đó Cồ Đàm là Ksatryia.
Điều đó nói lên cái gì? Phật giáo có từ trước khi người Arya tràn xuống chiếm Ấn Độ. Khi đó cố nhiên chưa có Ksatryia, các Phật đều được cho là xuất thân từ tăng lữ. Khái niệm đẳng cấp khi đó chưa có, sau này mới “quy đổi” như vậy. Khi người Arya tràn xuống chiếm Ấn Độ, họ bắt đầu học tôn giáo từ người bản xứ. Để tránh bị đồng hóa với người bản xứ họ đặt ra các đẳng cấp. Brahmin do phụ trách cúng tế nên được trọng vọng hơn các đảng cấp khác, nhưng khi đó vẫn xếp dưới Ksatryia. Đâu đó trong Kinh Vệ Đà vẫn còn có câu Bà La Môn là bọn thấp kém. Như thế ở thời kỳ này, các Phật đều xuất thân từ Ksatryia. Ksatryia không chỉ nắm quyền ở trần gian mà còn nắm cả thần quyền.
Tuy nhiên, tầng lớp quý tộc nắm quyền nhanh chóng sa đoạn và chỉ muốn hưởng lạc. Họ bèn giao quyền về Lễ cho đẳng cấp Brahmin. Thời xưa Lễ bao gồm cả Học (giáo dục) và Tuyên huấn. Trải qua nhiều thế hệ, người Brahmin xây dựng được một tín điều, ý thức hệ là người Brahmin ở đẳng cấp cao nhất. Do đó các Phật lại là người Brahmin. Ksatryia có lẽ cũng không thiết tha mấy với việc trở thành Phật và hài lòng với việc mất vị trí số 1. Tuy nhiên đến thời Gautama, đẳng cấp Ksatryia thấy bị đe dọa, khi anh ở vị trí số 2 có thể anh cũng sẽ mất luôn thế tục quyền. Chính trị là vậy. Công nông vô sản, khi nắm quyền thì cũng sẽ trở thành quý tộc mới, họ sẽ độc quyền học lên cao và lãnh đạo. Vì thế Gautama xuất thân Ksatryia trở thành Phật, là cố gắng quay lại nắm quyền tuyên huấn của tầng lớp Hiệp Sĩ.
Tuy nhiên có lẽ đã quá muộn, người Brahmin đã xây một nền tảng vững chắc cho đạo Hindu, trong đó người Bà la môn ở vị trí số 1. Qua đấy nói lên vai trò quan trọng của Văn hóa Tư Tưởng và Tuyên huấn.
Comment của Aiviet Nguyen: Cụ Thích Ca cũng không chủ trương khổ hạnh. Lúc đầu cụ cũng khổ tu, nhưng ép xác sắp chết mà không thấy Niết Bàn ở đâu. Có một cô gái mang đến cho cụ một bình sữa dê, cụ uống hết, thấy khỏe mạnh, suy nghĩ và giác ngộ. Cụ rút ra khổ tu là ngu xuẩn. Có thuyết nói là cụ không nề hà ăn mặn hay chay, người ta cho gì ăn nấy.
Thậm chí có truyền thuyết là cụ Thích Ca mất vì đau bụng sau khi ăn phải một miếng thịt hỏng
Filed under: Món ăn chung Tagged: ăn chay, ăn mặn