Trước hết cần đổi mới quan niệm: lấy việc học, người học làm trung tâm để tư duy về giáo dục. Thực chất của giáo dục là đem lại sự học cho con người, chỉ khi con người muốn học, biết cách học thì giáo dục mới có được chất lượng. Chất lượng giáo dục kém hiện nay là do sinh viên, học sinh đa số không muốn học, không biết học mà nên. Không muốn học vì học giỏi không hơn học kém, lại tốt nghiệp quá dễ dãi. Nhiều người đã nhận xét ở ngành sư phạm đầu váo khó khăn còn đầu ra (không phải nói về tìm việc làm!) lại quá dễ. Do mô hình giáo dục lấy người dạy làm trung tâm cho nên sự học việc học bị che lấp. Ngành sư phạm nước nhà đã thay thế cụm từ “giảng dạy” thành cụm từ “dạy học” là một bước tiến, song vị trí của chữ “học” vấn chưa được nhận thức đầy đủ. Vì thế đào tạo thiên về truyền thụ, nhồi nhét kiến thức, mà chưa quan tâm sự học của sinh viên, học sinh. Dạy cách học, kĩ năng học, kĩ năng tìm kiến thức, tự thay đổi kiến thức quan trọng hơn dạy kiến thức. Khoa học ngày nay cho biết nhà trường là môi trường thay đổi chậm, xã hội thay đổi nhiều gấp 4, 5 lần trong cùng một thời gian. Người giáo viên được đào tạo chỉ trong 4 năm thuộc một thời điểm, nhưng sẽ được nhà nước sử dụng suốt đời qua nhiều đổi thay của xã hội, vì thế đào tạo cách học là chủ yếu để anh ta tự hoàn thiện, cập nhật kiến thức, đáp ứng nhu cầu dạy học lâu dài. Công nghệ thông tin phải là nội dung đào tạo phổ cập và bắt buộc trong thời đại tin học bởi đó là công cụ quan trọng để tự học. Lí luận, phương pháp luận phải là bộ môn làm cơ sở để đào tạo nếp tư duy khoa học nhằm xử lí thông tin. Quan niệm thực dụng thiển cận chỉ cốt luyện cho sinh viên một số tri thức tủ, phương pháp tủ, coi nhẹ lí thuyết là rất có hại. Người giáo viên có biết cách học, kĩ năng tự học, tự cập nhật tri thức thì mới có khả năng dạy cho học sinh cách học và kĩ năng học được. Một trong yếu kém cơ bản của đội ngũ giáo viên hiện nay là không biết cách dạy cho học sinh học tập. Họ phần đông chỉ có một cách duy nhất là đọc chép, bắt học thuộc và các đề kiểm tra cũng nhằm nói lại kiến thức đã học.
Hai là lấy đào tạo năng lực ngữ văn toàn diện cho người học làm một nội dung trọng tâm, bởi đây là tố chất bắt buộc đối với người giáo viên. Đào tạo khoa học cơ bản tất nhiên vấn là nội dung quan trọng, cơ bản. Song việc đào tạo năng lực tiếp nhận như nghe, đọc và năng lực biểu đạt như nói, viết vẫn hết sức quan trọng. Quan sát trình độ của các học viên cao học, những người đã tốt nghiệp cử nhân và đã thi tuyển cao học, thì thấy năng lực tiếp nhận còn rất thấp và năng lực biểu đạt thì phần lớn đều viết sai ngữ pháp và sai chính tả. Cùng với năng lực tiếp nhận và biểu đạt là năng lực tư duy với các phẩm chất như tính linh hoạt, tính nhạy bén, tính sâu sắc, tính độc lập, tính phê phán là không thể thiếu. Các năng lực này được rèn luyện qua các bài dạy học thuộc các môn có chất lượng cao và qua các loại bài tập, niên luận, khóa luận. Năng lực viết đúng ngữ pháp và chính tả phải rèn luyện qua khâu chấm bài, trả bài thường làm ở trung học. Nên chăng năm đầu đại học cũng cần có môn làm văn để bổ túc và rèn luyện tiếp?
Hiển nhiên năng lực trí lực như tri thức, kí năng, năng lực quan sát, , hiểu, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng… cùng các năng lực phi trí lực như ý chí, lí tưởng, nhu cầu, động cơ, tình cảm, hứng thú, khí chất, tính cách…nói chung là năng lực làm người đều phải đào tạo cho người giáo viên tương lai.
Ba là chuyển hướng đào tạo giáo viên theo hướng lấy người học làm trung tâm, triệt để đổi mới phương pháp dạy học đại học và trung học. Hiển nhiên dạy học là hoạt động song hướng, bao gồm chủ thể dạy (người thầy) và chủ thể học (người học) đều quan trọng như nhau, nhưng xét theo tính hệ thống thì người học bao giờ cũng là mục đích của người dạy, không có người học thì nhà trường và thầy giáo trở nên thừa, cho nên nó là trung tâm của hoạt động giáo dục. Trong mục tiêu đào tạo phải có mục đào tạo ra con người biết cách học và học suốt đời. Chính vì chưa coi trọng sự học mà phương pháp đào tạo đại học hiện nay còn rất cũ kĩ, lạc hậu. Các phương pháp khích lệ học tập hầu như chưa được vận dụng có hệ thống. Chúng ta chưa có hệ thống bài tập yêu cầu sinh viên đọc tài liệu tham khảo và ghi chép các đoạn văn quan trọng, sinh viên phải hoàn thành việc đọc ấy mới được phép dự thi hết môn. Chưa có chương trình xêmina cho học sinh được soạn thành giáo trình. Kế hoạch tỉ lệ lí thuyết trên thực hành hầu như không được thực hiện. Quản lí sự học hầu như chưa được đặt ra cho người thầy. Chưa chia nhỏ lớp để quản lí học tập. Đặc biệt là việc cho điểm, đánh giá dễ dãi trong các kì thi cũng như khóa luận, luận văn cao học, tiến sĩ tạo ra thói quen học qua quýt, chiếu lệ. Người không nghiên cứu khoa học cũng hưỡng dẫn rất nhiều luận văn cao học, tiến sĩ làm cho cái chuẩn chất lượng thấp đi. Việc thực tập sư phạm chỉ quản lí hình thức, do kinh phí ngày càng mang tính tượng trưng. Tóm lại việc học ở tất cả các cấp, các khâu đều chưa được coi trọng.
Bốn là bổ sung các môn học về phương pháp học, phương pháp đọc và làm luận văn. Lí thuyết sư phạm, phương pháp dạy học bộ môn nên chuyển hướng về phía dạy cách học cho học sinh. Sự chuyển hướng đồng bộ ấy sẽ góp phân đổi thay cách dạy. Tôi cho rằng cần có môn phương pháp học tập, bao gồm phương pháp học, dạy cách đọc hiểu, cách đọc lướt, đọc nhanh, chọn sách đọc, lấy thông tin, cách làm khóa luận, luận văn… như là một môn học cơ bản thuộc bộ môn giáo học pháp. Trong trường đại học sư phạm còn cần có giáo trình diễn giải (hoặc phân tích) văn bản văn học như một môn học độc lập thuộc bộ môn lí luận văn học. Ở môn này người ta đào tạo cách vận dụng đủ loại phương pháp khoa học để giải mã tác phẩm văn học thuộc các thể loại, tức là dạy đạc chậm, đọc kĩ, đọc hiểu. Ở nhà trường đại học Nga, Trung Quốc đều có môn này và giáo trình của nó mà riêng ở ta thì không có. Trong điều kiện bộ môn giáo học pháp môn ngữ văn còn non yếu như hiện nay, môn này chỉ nên dạy các tư tưởng và thao tác sư phạm chung, còn nội dung phương pháp dạy học cụ thể như dạy văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại, văn học nước ngoài, lí luận văn học thì chuyển sang cho các bộ môn tương ứng, bởi chỉ có giảng viên các môn ấy mới biết hướng dẫn sinh viên dạy học môn ấy như thế nào, các giảng viên phương pháp dạy học hiện nay khó mà kham được. Nếu cứ kham thì chỉ làm hại sinh viên mà thôi. Bộ môn giáo học pháp cần thay đổi triệt để. Giáo án của giáo viên là giáo án dạy cách học cho học sinh chứ không phải kế hoạch diễn giảng của thầy ở trên lớp. Lối dạy biểu diễn cho học sinh xem vẫn đang là một mô hình có hại, tiếc thay nay vẫn có nhiều người theo.
Năm là đổi mới toàn diện môi trường sư phạm. Người ta chỉ thích học khi nào sự học tập đem lại hứng thú, niềm vui, nhận thức mới, sự tự tin, tự tôn, tự hào. Đổi mới môi trường sư phạm là một yêu cầu bức thiết. Các yếu tố của môi trường đó là người thầy, các phương tiện học tập, thư viện, các chính sách, đãi ngộ đối với ngành.