Người thầy hấp dẫn ở tài năng, tri thức và kinh nghiệm của họ. Muốn có các phẩm chất đó người giảng viên, giáo viên phải thuộc loại hình học tập và tu dưỡng suốt đời. Muốn giảng viên đại học duy trì mình là người thuộc loại hình học tập thì phải có kinh phí cho họ nghiên cứu khoa học hàng năm, viết giáo trình, sách chuyên khảo, có nhuận bút xứng đáng. Thực trạng hiện nay số giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng ít. Học hàm giáo sư phó giáo sư cũng không còn hấp dẫn. Việc viết báo, viết giáo trình không đặt thành yêu cầu bắt buộc. Nhà nước có lẽ tính toán chưa tới nơi khi coi ngành sư phạm không có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản, tách bạch khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, đầu tư rất ít cho các hoạt động này. Ở các nước tiên tiến các giáo trình thường xuyên được viết lại, đổi thay hình thái, bổ sung, thêm ví dụ. Ở Trung Quốc hàng năm giáo trình đều được viết lại và có thể thấy lần sau viết hay hơn lần trước, học tập hứng thú hơn. Ở khoa ngữ văn cho đến nay nhiều giáo trình đã cũ, kể cả giáo trình do chúng tôi viết. Co nhiều môn học chưa có giáo trình, bài giảng chưa cập nhật kiến thức, ít thay đổi. Chúng tôi là người cảm thấy rất sâu sắc cái cũ, nhưng không được đầu tư nên không tổ chức đổi mới được. Sách dịch tham khảo về khoa học cơ bản rất hiếm, trong khi trình độ ngoại ngữ của đa số giảng viên hầu như không dùng được. Ở các môn quan trọng như giáo học pháp ngoại trừ một số sách dịch từ những năm 80 của Liên Xô cũ, hầu như không ai quan tâm dịch sách của Âu Mĩ. Muốn các bộ môn có giáo trình mới thì phải có dự án nâng cấp giáo trình cho tất cả các môn, nhất là môn giáo học pháp, nhưng các cơ quan có trách nhiệm không ai nghĩ đến điều đó. Khi sách vở, giáo trình không có hoặc ít cái mới thì người học không thấy hứng thú. Ở đây cũng cần nói thêm một điều, các sách sư phạm nhìn chung đều in xấu, gây phản cảm khi cầm lên tay, kể cả sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn tự quảng cáo là sách chất lượng cao, trong khi sách của họ không sánh được với sách của một nhà xuất bản địa phương nước ngoài, ví như nhà xuất bản Đại học sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc. Tính chất tỉnh lẻ in đậm trên cac sách của nxb Giáo dục không chỉ do tràn ngập sách tham khảo loại chất lượng thấp chỉ dành cho đối tượng học sinh các cấp, mà còn do giấy xấu và trình bày thiếu chuyên nghiệp.
Trong đào tạo giảng viên đại học chúng ta chỉ quan tâm đào tạo tiến sĩ, còn đào tạo sau tiến sĩ chưa hề được quan tâm. Trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay, ai cũng biết, tiến sĩ bảo vệ xong ba năm, nếu không nghiên cứu thì lại lạc hậu ngay, cần được bổ túc, cập nhật kiến thức. Chẳng những thế, nếu sau ba năm không nghiên cứu thì sẽ mất năng lực nghiên cứu mãi mãi, khi đó chỉ còn năng lực viết báo cáo tổng kết các phong trào thi đua nữa thôi. Đào tạo sau tiến sĩ có thể đào tạo ở trong nước bằng cách lập các trạm Hậu tiến sĩ, cho các tiến sĩ ngữ văn nghệ các giảng viên đầu ngành ở trong nước hoặc mời các giáo sư đầu nhành nước ngoài vào giảng các chuyên đề mới. Cuối đợt học lại cấp chứng chỉ. Cách thứ hai là có chế độ thực tập sau tiến sĩ, cho các tiến sĩ mới được bảo vệ được đi thực tập vài năm ở các nước tiên tiến. Họ sẽ có cơ hội trau giồi thêm ngoại ngữ, làm quen với các nhà chuyên môn nước ngoài. Có nâng trình độ ngoại ngữ của họ lên thì mới mong họ nghiên cứu khoa học và viết được nhiều bài báo bằng tiếng nước ngoài đăng ở tạp chí uy tín quốc tế. Với trình độ tự học ngoại ngữ trong nước nói chung không ai có trình độ viets bào đăng được ở tạp chí nước ngoài. Trình độ nghiên cứu khoa học ở nước ta thấp, đại học ta có thứ hạng thấp, theo tôi chủ yếu là do nhà nước ta thiếu chế độ đào tạo thích đáng đối với tầng lớp hậu tiến sĩ. Chỉ tốn tiền cho họ học vài năm mà sử dụng nhân tài chất lượng cao suốt cả cả đời họ tại sao ta lại không làm? Vấn đề đãi ngộ nhiều người đã nói xin phép không nhắc lại.
Đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Cuộc đổi mới này không phải là phong trào nhất thời, mà phải là một quá trình, có nhiều bước dài lâu. Thực chất cuộc đổi mới đó trước hết là đổi mới sự học, thể hiện trong chương trình, giáo trình, quản lí, chính sách đối với đào tạo giáo viên. Thực hiện được khát vọng đó không chỉ đòi hỏi hiểu đúng chỗ yếu kém của ngành, lịch sử của nó, có kế hoạch phù hợp, mà còn phải thay đổi nếp nghĩ, nếp tư duy của bản thân lãnh đạo các cấp, tức là phải có chính sách, chủ trương cụ thể, thiết thực, tránh đầu voi đuôi chuột, thích nói to mà làm bé, ngại đầu tư, như thế sẽ làm thất vọng lớn cho toàn thể quốc dân.
Hà Nội, ngày 5 tháng 11 năm 1012
TĐS.
2013-08-20 00:39:04
Nguồn: http://trandinhsu.wordpress.com/2013/08/20/doi-moi-giao-duc-can-ban-la-doi-moi-su-hoc/