Nhân vật nổi bật trên phần lớn các tạp chí tuần này là Tổng thống Nga Vladimir Putin, với Thế vận hội mùa đông Sotchi khai mạc vào tuần tới. Trong lúc tạp chí Pháp L’Express – dưới bức chân dung của Tổng thống Nga ở trang bìa – chạy hàng tít đập mắt : « Putin siêu sao », tuần báo Anh The Economist ghi ngày 01/02/2014, cũng dành hồ sơ lớn và trang bìa cho nước Nga với tựa đề thoạt nhìn đầy thán phục « Chiến thắng vẻ vang của Vladimir Putin ». Bên dưới là một tấm hình ghép cho thấy Tổng thống Nga, trong trang phục một vận động viên trượt băng nghệ thuật, hiên ngang giơ hai tay lên thành hình chữ V biểu thị sự chiến thắng.
Mở đầu bài xã luận, The Economist đã nhắc lại tuyên bố đắc thắng của ông Putin vào 2008, ngay sau khi nước Nga thắng lợi trước các đối thủ cạnh tranh để được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2014. Khi ấy ông Vladimir Putin – vốn đã là Tổng thống – đã tuyên bố rằng : « Rốt cuộc, nước Nga đã trở lại đấu trường thế giới trong tư thế một cường quốc mà những nước khác phải kiêng nể và có thể tự mình đứng vững ».
Và vào tuần tới, Thế vận hội đầu tiên của Nga kể từ thời Olympic Matxcơva 1980, sẽ mở ra tại Sotchi đúng theo ý nguyện của ông Putin, với một chi phí khổng lồ – 50 tỷ đô la – cao gấp bốn lần chi phí của Thế vận hội mùa hè 2012 tại Luân Đôn. Các tấm áp phích lớn tuyên cáo « Nga – Vĩ đại, Mới mẻ, Rộng mở ! », trong lúc Ngân hàng Nhà nước Nga Sberbank thì tung ra một khẩu hiệu phảng phất ý đe dọa : « Ngày nay Sotchi, ngày mai thế giới. »
Sotchi kết thúc một năm thắng lợi của ông Putin
Tuần báo Anh cũng ghi nhận như đồng nghiệp Pháp L’Express : Olympic mùa đông tại Nga đến sau một năm rất tốt cho ông Putin.
Bên trong nước, các cuộc biểu tình khổng lồ chào đón ông trở lại chức tổng thống Nga vào năm 2012 đã tàn lụi. Không còn bị bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào, ông đã cảm thấy đủ tự tin để trả tự do cho cả nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky – đã bị ông bỏ tù vào năm 2003 – lẫn các ca sĩ phản kháng thuộc nhóm Pussy Riot.
Ở nước ngoài, ông Putin đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bác các ý tưởng của phương Tây muốn can thiệp quân sự vào Syria, thay vào đó Nga đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận về vũ khí hóa học và bảo trợ cho một hội nghị hòa bình. Đồng minh tàn bạo của ông là Bashar al Assad vẫn nắm quyền. Ông Putin cũng thấy phần nào hài lòng khi chiến dịch của NATO tại Afghanistan cũng gặp khó khăn trở ngại giống như những gì mà Liên Xô phải chịu đựng cách nay 30 năm, thậm chí còn kéo dài hơn nhiều…
Và ông đã làm cho các nhà ngoại giao châu Âu phải chưng hửng khi dùng biện pháp kết hợp tài chánh và đe dọa thuyết phục được Tổng thống Ukraina hủy bỏ một thỏa thuận đang chuẩn bị ký với Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, theo The Economist, thành công của ông Putin không vang dội như bề ngoài cho thấy. Không phải là vì mô hình chính trị của Nga không hấp dẫn lắm, mà là vì sự vươn lên của nước Nga gặp hạn chế của một nền kinh tế không lành mạnh do nhà nước chỉ đạo và sẽ tất yếu bị trì trệ.
Một nền kinh tế bị lệ thuộc nặng nề vào giá dầu khí quốc tế
Sau khi ông Putin trở thành tổng thống vào tháng 12/1999, tăng trưởng kinh tế của Nga đủ mạnh để nước này được xếp vào nhóm BRIC của các nước đang phát triển nhanh. Thu nhập của người Nga ‘ tăng song song với đà tăng trưởng, lương hưu và trợ cấp xã hội được cải thiện và được trả đúng hạn.
Đấy chính là nguyên nhân chủ yếu giải thích vì sao ông Putin được lòng người dân Nga bình thường. Họ ủng hộ ông không chỉ vì ông hứa sẽ làm cho nước Nga hùng mạnh lên, mà còn là vì ông được cho là đã mang lại sự ổn định và làm cho mức sống tăng lên sau thời kỳ hỗn loạn và tàn phá của những năm 1990.
Tuy nhiên, thành tích đó lại gần như hoàn toàn dựa trên giá dầu khí, đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 1999. Sự lệ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga hiện nay còn lớn hơn cả dưới thời Liên Xô cũ : chiếm 75% tổng số xuất khẩu, so với 67% vào năm 1980. Năm 2012 kim ngạch thương mại song phương của Nga với Mỹ chỉ là 28 tỷ đô la, còn buôn bán với Trung Quốc chỉ đạt mức 87 tỷ. Để so sánh, trao đổi thương mại của Mỹ với Trung Quốc trị giá 555 tỷ đô la.
Một nền kinh tế bị tham nhũng đục khoét
Bên trong nước Nga, The Economist nhận xét, chi phí lao động cao và năng suất thấp làm cho nhiều ngành công nghiệp Nga không có sức cạnh tranh, vì vậy hầu hết hàng hóa trong các cửa hàng đều là hàng nhập khẩu. Đầu tư quá thấp, vốn tư bản tiếp tục rời khỏi đất nước, cùng với các tài năng trẻ người Nga.
Và như được thấy qua chi phí cao ngất trời của Thế vận hội Sotchi, nạn tham nhũng đang hoành hành dữ dội. Theo Viện Peterson, trung tâm nghiên cứu Mỹ, tham ô và làm ăn kém hiệu quả đã làm cho tập đoàn dầu khí Gazprom bị mất 40 tỉ đô la vào năm 2011. Một số tiền lớn hơn đã bị các tài phiệt có thần thế đục khoét và tẩu tán ra các nước như Thụy Sĩ và Anh, vốn sẵn sàng đón nhận những kẻ lừa đảo mà Mỹ đã khôn ngoan từ chối.
Mười năm trước đây, ngân sách của Nga được cân đối nếu dầu giá khoảng 20 đô la một thùng. Ngày nay để đạt thăng bằng, mức giá phải là 103 đô la. Vấn đề, theo tuần báo Anh, là giá cả năng lượng đã ngừng tăng, trong lúc khí đá phiến do Hoa Kỳ thúc đẩy có triển vọng làm giá dầu khí trên thế giới tụt giảm.
Trong tình hình đó, ước tính tốt nhất về tăng trưởng kinh tế Nga đã bị hạ xuống dưới mức 1,5% vào năm 2013 và 2% trong năm 2014. Ngược lại, tăng trưởng của Mỹ và Anh đều được dự báo tốt, trong lúc các đối thủ cạnh tranh của Nga trong nhóm BRIC – Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc – đều phát triển nhanh hơn. Nga hiện bị xếp vào diện các nước tăng trưởng ì ạch như các quốc gia trong khu vực đồng euro vốn thường bị ông Putin khinh miệt.
Không thuốc chữa trong tình hình hiện nay
Vấn đề của Nga, theo The Economist, vẫn là làm sao điều hành tốt đất nước. Danh sách các cải cách cần thiết không có gì là lạ : Nhiều cạnh tranh hơn, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn, một hệ thống pháp lý đáng tin cậy hơn và một khung luật lệ minh bạch.
Tuy nhiên, chế độ Putin không thể thực hiện những thay đổi đó vì đang kiểm soát chính trị thông qua kiểm soát nền kinh tế : Nguyên trạng ở Nga được bảo tồn thông qua việc cho phép độc quyền, duy trì các công ty nhà nước, một cơ quan tư pháp dễ sai bảo, một hệ thống quản lý không rõ ràng và các tập đoàn nương tựa vào ông Putin. Vì vậy, ngày nào mà hệ thống chính trị hiện nay còn tồn tại, ngày đó kinh tế Nga vẫn yếu kém.
The Economist kết luận : Được tổ chức đại hội thể thao quốc tế là niềm vui ; lấn lướt được một tổng thống Mỹ nhút nhát là điều tốt cho tinh thần, nhưng cuối cùng thì vận mệnh của một quốc gia tùy thuốc vào sức khỏe của nền kinh tế nước đó. Liên Xô trước đây bị sụp đổ không chỉ vì ý thức hệ của nó bị người dân chối bỏ, mà là vì nền kinh tế bị rệu rã. Nếu ông Putin không làm cho nước Nga vận hành tốt được, chế độ của ông cũng sẽ đi theo cùng một hướng.
L’Express : Putin siêu sao !