Theo thời gian, hệ thống đo lường hệ mét ngày càng có nhiều ảnh hưởng đến các nước trên thế giới. Khi nội chiến Mỹ kết thúc vào năm 1865, hầu hết châu Âu đã phê chuẩn sử dụng hệ thống đo lường dựa trên hệ thập phân và dĩ nhiên, Mỹ cũng muốn thực hiện điều này. Vào năm 1866. một đạo luật được Quốc Hội Mỹ thông qua và được chính thức phê duyệt bởi tổng thống Andrew Johnson nêu rõ: đạo luật quy định sử dụng hệ thống đo lường hệ mét trong tất cả các hợp đồng, giao dịch hoặc thủ tục tố tụng trên phạm vi toàn nước Mỹ.
Vào thời gian này, Pháp muốn tất cả các quốc gia hàng đầu trên thế giới cùng nhau xây dựng lên một phiên bản mới của hệ thống đo lường mét. Và dĩ nhiên, Mỹ cũng nhận được lời mời và gởi các đại biểu đến tham dự. Các quốc gia đều đã đồng ý ký vào bản hiệp ước mét (Treaty of the Meter), thành lập Ủy ban quốc tế về đo lường nhằm thực hiện việc xem xét và thay đổi hệ thống đo lường thế giới.
Bản hiệp ước cũng quy định thành lập một phòng thí nghiệm tại Sèvres gần Paris, nhằm lưu trữ các chuẩn đo lường hệ mét quốc tế như mẫu mét quốc tế và phân phối các mẫu này đến các quốc gia sử dụng.
Hình ảnh thước platinum tiết diện chữ X để kiểm định mét quốc tế
Mỹ đã nhận được bản sao của mẫu mét quốc tế và mẫu kilogram quốc tế vào năm 1890. 3 năm sau vào năm 1890, bộ trưởng bộ tài chính Mỹ Thomas Corwin Mendenhall chính thức quy định các tiêu chuẩn đo độ dài và cân nặng tại Mỹ đều sử dụng hệ mét thông qua quy định mang tên Mendenhall Order. 1 yard được xác định bằng 1600/3937 mét và cân nặng 1 pound được xác định bằng 0.4535924277 kilogram. Vào năm 1959, những quốc gia nói tiếng Anh chấp nhận 1 quy ước chuyển đổi mới và cải tiến hơn: 1 yard bằng 0.9144 mét và 1 pound bằng chính xác 0.45359237 kilogram.
Đọc tới đây, có thể bạn sẽ hỏi rằng: tại sao Mỹ đã chính thức chuyển sang dùng hệ mét từ hơn 120 năm trước nhưng hiện nay vẫn tồn tại những đơn vị khác? Thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp ở phần tiếp theo: được công nhận không nhất thiết là phải được áp dụng vào sử dụng.
Hệ thống đo lường hiện nay tại Mỹ
Mendenhall và nhiều nhà lãnh đạo chính trị cùng các nhà khoa học đã ủng hộ việc bắt buộc áp dụng hệ đo lường mét trên phạm vi toàn nước Mỹ. Tuy nhiên cho tới khi Mendenhall qua đời vào năm 1924, hệ thống đo lường tại Mỹ vẫn chưa có chuyển biến nào.
Đến năm 1971, cục tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo với tiêu đề “Một chuẩn đo lường mét Mỹ” nhằm khuyến cáo nên chuyển đổi sang hệ mét tại Mỹ trong thời gian 10 năm tiếp theo. Để đáp lại, Quốc Hội Mỹ đã ban hành một đạo luật yêu cầu chuyển đổi sang hệ mét. Tuy nhiên thay vì quy định phải chuyển trong 10 năm, đạo luật của Quốc Hội cho phép chuyển đổi một cách tự nguyện.
Dù vậy tất cả các học sinh trên toàn nước Mỹ đều bắt đầu học các đơn vị hệ mét một cách nghiêm túc và một vài công ty cũng chuyển sang sử dụng đơn vị hệ mét. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước đầu tiên trong việc thực hiện thay đổi đơn vị đo lường sang hệ mét tại Mỹ.
Trong lúc đó, quá trình toàn cầu hóa ngày một diễn ra mạnh mẽ, các công ty tại Mỹ bắt đầu nhận thấy mình đang khác biệt so với các mối quan hệ trên trường quốc tế. Ngày càng nhiều các công ty nước ngoài mua các sản phẩm từ Mỹ và họ đòi hỏi phải được giao hàng, dán nhãn và sản xuất theo chuẩn đơn vị hệ mét. Thêm vào đó, khi các công ty Mỹ xây dựng các nhà máy mới tại Châu Âu và Châu Á, họ phải đối mặt với sự khác biệt trong chuẩn đơn vị kiểu Mỹ và chuẩn quốc tế. Sự khác biệt này có thể gây ra cho các công ty những hậu quả tài chính khổng lồ nếu quyết định sai.
Nhận ra được vấn đề này, năm 1988, Quốc Hội Mỹ đã thông qua việc chuyển đổi số liệu hệ thống đo lường tại Mỹ thành “hệ thống đo lường ưa thích dùng trong mua bán thương mại tại Mỹ” đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang phải sử dụng “hệ thống đơn vị hệ mét trong việc phân phối, trợ cấp và các hoạt động khác có liên quan tới kinh doanh” vào cuối năm 1992. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn tiếp tục cho phép các ngành công nghiệp tư nhân thực hiện chuyển sang hệ mét một cách tự nguyện và chính quyền liên bang chỉ khuyến khích mà không bắt buộc làm theo. Do đó, việc chuyển đổi diễn ra khá chậm chạp.
Theo một số ước tính, chỉ có khoảng 30% sản phẩm sản xuất tại Mỹ là tuân thủ theo đơn vị hệ mét. Các hãng dược phẩm sử dụng “hệ mét cứng”, có nghĩa là tất cả các sản phẩm của họ đều đo lường theo hệ mét. Mặt khác, ngành công nghiệp đồ uông sử dụng cả đơn vị hệ mét và đơn vị kiểu Mỹ cho các sản phẩm của mình. Cách dùng này gọi là “hệ mét linh hoạt”. Ngành công nghiệp phim, công cụ và xe đạp cũng được chuyển sang dùng đơn vị hệ mét. Tuy nhiên, hầu hết các ngành công nghiệp khác đều không thực hiện việc sử dụng đơn vị hệ mét thống nhất.
Tại sao phần lớn nước Mỹ lại không chuyển sang sử dụng hệ mét để hòa nhập với phần còn lại của thế giới? Hãy tìm những lý do trong mục tiếp theo nhé.
Chuyển sang hệ mét phải cần rất nhiều tiền?
Vấn đề chi phí chính là 1 lý do khiến quá trình chuyển sang dùng hệ mét tại Mỹ diễn ra chậm chạp. Việc chuyển đổi các bản vẽ kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn vận hành các thiết bị phức tạp có thể phải mất thời gian hàng nghìn giờ. Điển hình như các kỹ sư tại NASA mới đây đã có thông báo rằng việc chuyển đổi các bản vẽ, phần mềm và tài liệu có liên quan tới tàu con thoi sang hệ thống SI có thể mất khoảng chi phí hơn 370 triệu đô la. Con số này đã chiếm khoảng 1 nửa chi phí chế tạo 1 tàu con thoi hoàn chỉnh.
Dĩ nhiên, vấn đề chi phí vẫn chưa đủ để lý giải việc nước Mỹ không chuyển sang hệ mét. Bên cạnh chi phí, một số vẫn đề về tâm lý cũng có ảnh hưởng không kém quan trọng. Sự cố chấp của người dân Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân của vấn đề. Các công dân Mỹ luôn phản kháng việc chuyển sang dùng hệ mét, đặc biệt là việc chuyển đổi này bị thúc đẩy bởi các quốc gia khác.
Một số chuyên gia phân tích tâm lý cho rằng người Mỹ chỉ đơn giản là thích làm một cái gì đó khác người bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân luôn là một đặc tính cố hữu đối với mỗi người Mỹ. Hệ tư tưởng này hình thành từ những người đầu tiên bắt đầu đi khai phá nước Mỹ hoang dã và lập nên một nhà nước thống nhất với nhiều gian nan. Một minh chứng cho chủ nghĩa này được thể hiện qua câu slogan của hiệp hội súng trường Mỹ: “Bạn chỉ có thể lấy được inch-pound từ bàn tay chết lạnh của tôi”.
Tuy nhiên, lời giải thích hợp lý và được nhiều người công nhận nhất chính là Quốc hội đã thất bại trong việc áp dụng hệ thống mét trong tất cả 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ khác. Với việc cho phép chuyển đổi tự nguyện theo đạo luật năm 1866, Mỹ đã không hạn chế việc người dân sử dụng đơn vị một cách tùy ý trong các hoạt động thường ngày của họ.
Cho tới khi toàn nước Mỹ đã thực hiện chuyển đổi thành công sang dùng đơn vị hệ mét, mỗi người Mỹ vẫn tiếp tục nghĩ về inch và pound thay cho mét và kg để đo cân nặng hay độ dài. Có thể, trong tương lai với xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ và sự nổi lên của các cường quốc khác, Mỹ có thể sẽ sớm có biện pháp cứng rắn hơn nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của mình so với các nước trên thế giới. Còn bây giờ, bạn có thể dùng đơn vị mà bạn thích tại Mỹ – quốc gia của nữ thần tự do!
Đôi chút về hệ thống đo lường tại Anh
Thật ra, việc sử dụng đơn vị tại Anh có nhiều nét tương đồng với Mỹ. Một số người thường gọi chung hệ thống đo lường khác người này là hệ Anh-Mỹ. Hệ thống đo lường tại Anh ban đầu là 1 sự kết hợp các đơn vị đo lường của người La Mã, Carolignian và Saxon. Đây chính là tiền thân của hệ thống đo lường Anh (Imperial system of units) ra đời vào năm 1824.