ChuyẾn Đi KỲ BÍ
Friday, February 6, 2015 20:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Tâm lý chung của mọi người Việt lúc đó là tuy sống trong ách cai trị của Đức, nhưng đều mong ngóng quân đồng minh chiến thắng, để tiêu diệt phát xít, còn Việt Nam lúc đó số phận vẫn chưa rõ nét, chỉ biết ngóng chờ những thay đổi cơ bản từ châu Âu sẽ ảnh hưởng đến độc lập dân tộc của các thuộc địa châu Á, châu Phi…”Hội Ái hữu” vẫn sinh hoạt thường xuyên, thường là vào chủ nhật hay những ngày nghỉ, gặp nhau hàn huyên, nói chuyện quê hương, chính trị…Võ Quý Huân hồi đó mượn được một máy quay cinema, nên hay đến quay cảnh đồng hương sinh hoạt. Anh thuê được một nhà bé tí, chỉ bằng một phòng của sinh viên, nhưng rất gần thư viện nơi vợ ông làm việc, và ở vị trí sang trọng nhất- Panthéon, gần trường Sư phạm…Thế rồi một sáng chủ nhật, Irene vợ ông bế đứa con còn bé tí đến Hội, khóc lóc kể rằng chiều qua ông để lại mẩu giấy, viết rằng có việc phải lên trụ sở Gestapo, cứ nấu cơm chờ ông về, không có vấn đề gì đặc biệt đâu…Anh em trong hội lúc đầu rất lo rằng anh Huân bị SS bắt vì lý do gì đấy, thậm chí đã nghĩ đến việc phải giúp sơ tán vợ con anh, vì nếu anh bị bắt thì khả năng bắt cả vợ là cao. Thế nhưng chẳng bao lâu qua trao đổi thông tin ở hội (thời đó có điện thoại cố định, nhưng thường cả ký túc xá mới có một cái, cũng như một cái tivi đen trắng!) mới dần dần thấy rằng, từ chiều tối hôm qua đã biến đi đâu mất hơn chục anh em trí thức người Việt! Hầu như không ai nói lại gì với Hội, hay với anh em bạn bè, nhiều người thậm chí bỏ lại hết đồ đạc, chỉ mang được bộ quần áo…Khỏi phải nói tin đó đã gây xôn xao trong cộng đồng người Việt như thế nào. Tin tức lan nhanh, một số người mới lờ mờ nhớ rằng, có những người trong số “ra đi” đã loáng thoáng ám chỉ đến việc họ sẽ đi sang Đức, tuy vậy bạn bè ở lại cũng không đoán chắc đúng là họ đi Đức hay không-vì thời đó Pháp đã đặt một chân vào Paris, tai mắt khắp nơi, chuyện đi Đức mà lộ ra là “phiền” với mật thám Pháp ngay, “ăn cây nào rào cây ấy” chứ không lơ mơ với chúng được đâu! Và đi cả lượt hơn chục người như vậy rõ ràng là phải có ai tổ chức chứ không hề đơn giản-đúng ngày hôm đó các phương tiện giao thông đã được giành về tay Pháp rồi, có đi thì phải dùng phương tiện của Đức chứ chẳng thể nào khác…
Phải nói là “chuyến đi kỳ bí” của hơn chục đồng hương này là đề tài đàm tiếu của anh em người Việt ở Paris suốt mấy tháng trời. Đã đành rằng ai cũng có quyền tự quyết về hành vi của mình, nhưng việc ra đi âm thầm, không hề nói lại với bạn bè, nhất là những người cùng sinh hoạt Hội Ái hữu, thực sự quá khó hiểu đối với những người ở lại. Nhất là tin họ đã đi Đức, nhất là khi vợ anh Võ Quý Huân được tin chồng đã sang đến Đức, nhưng đi làm một mình tại một xưởng đúc của Đức, càng làm anh em hoang mang hơn, thế còn những người khác đi đâu? Hay đi Đức thật, hay bị bắt rồi, hay lọt vào tay “kháng chiến” Pháp? Thậm chí có người nghĩ, hay anh Huân chỉ điểm để bắt hết các anh em kia, nhưng như thế bắt vì tội gì (hồi đó Đức bắt tội gì chả được!)-nhưng như thế sao anh Huân cũng đi mất? Nếu sang Đức, dù với mục đích gì, thì cũng là “phản bội lại mục tiêu của Đồng minh”, vì tất cả đang cầu mong cho Liên Xô và Đồng minh sớm đè bẹp quân phát xít. Nhất là tại sao ra đi khi Pháp đã được Đồng minh hỗ trợ, tiếng dần về Paris và gần như rõ ràng Đức không còn trụ lâu được nữa, có thể đếm từng ngày?
Đồng minh dựng chính quyền Pháp của Bidault lên, tiếp quản Paris vừa thoát bàn tay thép của chính quyền Đức (co về Berlin tử thủ)-Paris hoàn toàn giải phóng ngày 26/8/1944 với hàng trăm ngàn dân Paris hân hoan đổ ra đón đoàn quân chiến thắng, đến mức Bidault phải rải truyền đơn khắp nơi rằng: “Hỡi các phụ nữ Pháp! Duyệt binh lịch sử, trong lúc hân hoan đón chào Đồng minh chiến thắng tiến vào Paris, xin các bà, các cô đừng quên nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ của mình…!”. Vì lúc đó quá ấn tượng bởi những chàng trai đồng minh vinh quang, hào hoa, lúc nào cũng sẵn chocolate và thuốc thơm…đâm ra các quý ông Pháp “ra rìa hết”! Những “cô đầm” Pháp đã trót ăn ngủ với lính Đức bị cạo trọc đầu diễu trên các phố Paris! Chính phủ Vichy cũng tự động hết vai trò, Đồng minh biết đóng góp rất lớn của phong trào kháng chiến trong nước, nhưng vẫn ủng hộ vai trò De Gaulle hoàn toàn, chỉ bởi vì lự lượng kháng chiến hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Cuối cùng người cộng sản Maurice Thorez được phong Phó thủ tướng, và thêm một vài bộ trưởng cộng sản nữa (thực tế quyền lực của các Tổng liên đoàn lao động Pháp lúc này rất lớn, mà chúng thường dưới sự chỉ đạo của Cộng sản). Laval-thủ tướng của chính phủ Vichy-bị xử tử hình vì tội theo Đức, phản bội Tổ quốc…
Sau khi Đức rút đi, đời sống nhanh chóng ổn định trở lại, nông thôn Pháp được quyền mang sản phẩm vào thành phố bán tự do, chế độ tem phiếu cũng hết thời, gọng kìm của quân Nga và Đồng minh ngày càng siết chặt, chiến sự đang diễn ra trên đất Đức và cả Ý. 30/4/1945 Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên Reichstag của Berlin-hồi cáo chung của phát xít Đức đã điểm! Thế rồi sau đó một thời gian, những người “ra đi” lục tục kéo về Paris hết, và tuy anh em đồng hương không “lục vấn” họ về việc mấy thang vừa rồi ở đâu, làm gì, nhưng mỗi người kể về chuyến đi của mình, dần dần mọi người cũng hiểu hay hình dung sơ qua về cuộc ra đi đó!
Ai tổ chức, ai rủ ai…thì chả thấy ai kể cụ thể. Chỉ biết đi đến biên giới rồi mỗi người đi tiếp một phương. Võ Quý Huân đi sang Koeln, thủ đô sắt thép của Đức sau đó xin được vào làm ở một xưởng đúc. “Cụ Lý”-anh em thân mật hay gọi trêu anh Phạm Ngọc Lễ (sau đổi tên Trần Đại Nghĩa) như vậy bởi vì tính thâm trầm ít nói của “cụ”-từ năm 1942 đã kể về quan tâm sâu sắc của mình đối với loại máy bay Messerschmitt-cực kỳ năng động và nguy hiểm đối với máy bay Nga và đồng minh-có hệ thống cánh lái nhỏ nhưng cho phép máy bay có các tính năng nhào lộn nổi trội. Anh cũng như một số anh em khác chịu khó vào thư viện tìm đọc sách báo, tạp chí quân sự để tìm hiểu. Thời đó tạp chí Anh về quân giới viết về mọi loại vũ khí trên thế giới-“JANE”-nói chung có bất cứ loại vũ khí nào ra đời trên thế giới thì sau khoảng một năm đã có bài tường tận về nó ở “Jane” với đủ mọi sơ đồ, bản vẽ, số liệu, tính năng, đánh giá…Anh mơ có được một ngày làm việc trong xưởng sản xuất của Messerschmitt-và thế là sau khi ra đi, anh sang đến Đức và xin vào làm ở một trong những công xưởng sản xuất loại máy bay này, với tấm bằng Đại học Cầu đường Paris và những hiểu biết đã tích cóp được anh đã được nhận vào làm. (Cũng xin cảnh tỉnh một số người viết về ông, ông rất uyên thâm nhưng nhiều bài viết cứ ca tụng ông lên mức “tổng công trình sư”, “chuyên gia vũ khí hàng đầu của quân đội Đức”, “chế tạo ra súng Bazôka”…hoàn toàn sai sự thật và tài năng của ông, dù chỉ là một kỹ sư, không cần đến sự tung hô ảo như vậy chút nào!). Tất nhiên đến khi phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện thì ông “thất nghiệp” và phải khó khăn lắm mới quay về được Paris.