Liệu những số liệu thống kê mà giới y học vẫn thích trích dẫn để nói rằng “Không có liên hệ gì,” có chính xác không, hay là chúng dựa trên những chẩn đoán sai lầm hay việc lưu trữ dữ liệu kém cỏi? Những biện pháp nào đang được thực hiện để có được vắc-xin an toàn hơn? Ai là người giám sát? Có phải vẫn là những bác sĩ và những nhà khoa học làm việc giám sát trong quá khứ không? Công chúng phải đợi bao lâu nữa? Trách nhiệm của các bác sĩ và bệnh viện đến đâu trong việc thông báo cho bệnh nhân về những phản ứng có thể? Và làm cách nào để xác định những đứa trẻ nào không dùng được vắc-xin trước khi chúng bị thương tổn – hoặc chết?
Hôm nay là Ngày Quốc gia Cầu nguyện. Lời cầu nguyện của tôi là ủy ban này đóng vai trò chủ đạo để làm những gì cần làm – và làm nhanh lên. Cầu cho không còn một năm nào trôi qua với nhiều trẻ em bị ảnh hưởng hay chết nữa, tất cả chỉ vì những người có thể nhìn ra vấn đề từ chối không chịu làm điều đó.
Ngủ trở lại
Trong suốt những năm 1980, số trẻ em bị hội chứng đột tử tiếp tục tăng vọt. Mối lo ngại của các bậc cha mẹ về mối liên quan rõ ràng giữa vắc-xin trẻ em và SIDS đạt đến đỉnh điểm. Nhiều cha mẹ sợ cho con họ tiêm chủng. Các nhà chức trách tìm cách trấn an các bậc cha mẹ và tuyên bố rằng những trường hợp đột tử ngay sau tiêm chủng chỉ là ngẫu nhiên.
Năm 1992, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) nghĩ ra một cách để giảm tỷ lệ SIDS đang cao đến mức không thể chấp được đồng thời trấn an các bậc cha mẹ đang lo lắng rằng hội chứng đột tử trẻ em không liên quan đến vắc-xin. AAP khởi xướng một chiến dịch quốc gia “Ngủ trở lại”, với nội dung trẻ em nên đặt nằm ngửa, thay vì nằm sấp, trong khi ngủ.
Từ 1992 đến 2001, tỷ lệ SIDS sau sơ sinh giảm trung bình 8.6% mỗi năm. Có vẻ như chiến dịch “Ngủ trở lại” đã thành công và nguyên nhân thực sự của SIDS không phải do tiêm phòng mà là do trẻ em nằm sấp khi ngủ. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế (ICD) – 130 cách chính thức trẻ sơ sinh có thể chết – tiết lộ một lỗ hổng. Những người chứng nhận tử vong, như là bác sĩ khám nghiệm tử thi, có thể chọn một trong nhiều nguyên nhân khi một đứa trẻ sơ sinh chết đột ngột. Họ không cần phải chọn SIDS là nguyên nhân tử vong. Từ 1992 đến 2001, mặc dù tỷ lệ SIDS sau sơ sinh giảm trung bình 8.6% mỗi năm sau chiến dịch có vẻ như thành công “Ngủ trở lại” của AAP, tỷ lệ tử vong sau sơ sinh do “ngạt thở trên giường” (mã E913.0 trong bảng phân loại ICD-9) tăng 11.2% mỗi năm trong cùng thời gian này. Những cái chết đột ngột, không giải thích được của trẻ sơ sinh mà trước chiến dịch “Ngủ trở lại” được liệt kê là SIDS, bây giờ được liệt kê là chết do ngạt thở trên giường!
Tỷ lệ tử vong do “ngạt thở nguyên nhân khác” (mã E913.1 đến E913.9 trong bảng phân loại ICD-9), do “nguyên nhân không rõ hoặc không xác định” (mã 799.9 trong ICD-9), và do “ý định không rõ” (mã E980 đến E989 trong ICD-9) cũng đều tăng trong thời gian này. Ở Úc, một sự “phù phép” tương tự cũng diễn ra. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi tỷ lệ SIDS giảm, tỷ lệ tử vong do ngạt thở tăng lên.
Từ 1999 đến 2001, số trường hợp tử vong ở Mỹ được liệt kê là “ngạt thở trên giường” và “không rõ nguyên nhân” tăng đáng kể. Mặc dù tỷ lệ SIDS sau sơ sinh tiếp tục giảm, tổng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh không thay đổi đáng kể. Trong một bài viết gần đây (tác giả Malloy và MacDonald) xuất bản trong tạp chí khoa học Nhi khoa, những nhà nghiên cứu SIDS đưa ra những quan sát sau:
Nếu chúng ta xem xét cả việc các nhân viên chứng nhận tử vong có xu hướng chuyển những trường hợp trước đây được liệt kê là SIDS thành “ngạt thở”, chúng ta có thể thấy những ca tử vong do ngạt thở hay không rõ nguyên nhân bằng khoảng 90% số lượng suy giảm ở những ca SIDS quan sát được từ 1999 đến 2001. Tổng hợp lại, tỷ lệ suy giảm trong SIDS là không đáng kể.
Những bằng chứng khác gắn SIDS với vắc-xin
Mặc dù một số nghiên cứu không tìm ra mối tương quan giữa SIDS và vắc-xin, có những bằng chứng khác cho thấy một số trẻ sơ sinh có nguy cơ bị SIDS cao hơn trong thời gian ngắn sau khi tiêm chủng. Ví dụ, ngay từ năm 1933, Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ (JAMM) công bố một bài viết của Madsen tường thuật về cái chết đột ngột của hai đứa trẻ sơ sinh ngay sau khi tiêm phòng bệnh ho gà. Đứa đầu bị tím tái và co giật 30 phút sau khi tiêm phòng và qua đời đột ngột vài phút sau đó. Đứa thứ hai bị tím tái 2 giờ sau khi tiêm phòng và sau đó cũng đột ngột qua đời.
Năm 1946, Werne và Garrow đăng một bài viết trên JAMM tường thuật về cái chết đột ngột của một cặp song sinh 24 giờ sau khi tiêm phòng bệnh ho gà. Hai đứa trẻ này có những triệu chứng sốc suốt cả đêm trước khi qua đời.
Trong những năm 1960 và 1970, trẻ em thổ dân bắt đầu có những cái chết bí ẩn với tỷ lệ đáng kinh sợ. Ở một số vùng ở Úc, cứ hai đứa trẻ thì có một đứa qua đời không rõ nguyên nhân – một tỷ lệ tử vong 50%! Kalokerinos khám phá được bí ẩn này khi ông nhận ra rằng những cái chết đó xảy ra ngay sau khi những đứa trẻ bị tiêm chủng. Đây cũng là thời gian các quan chức ngành y tế khởi xướng chiến dịch tiêm chủng đại trà để “bảo vệ” trẻ em thổ dân; những cái chết của chúng trùng khớp với chiến dịch tiêm chủng. Kalokerinos nhận ra rằng những đứa trẻ này bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, bao gồm cả thiếu hụt vitamin C. Hệ thống miễn dịch kém phát triển của chúng không đủ khả năng xử lý lượng vắc-xin tiêm vào. Kalokerinos đã cứu được một số khỏi số phận tương tự bằng cách cho chúng dùng một lượng nhỏ vitamin C (100mg cho mỗi tháng tuổi) trước khi tiêm chủng.
Tại Nhật Bản, từ năm 1970 đến 1974, có 37 trường hợp đột tử trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng ho gà được ghi lại. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh và bác sĩ từ chối thực hiện tiêm chủng. Do vậy, năm 1975, nhà chức trách Nhật Bản tăng lứa tuổi bắt đầu tiêm chủng từ ba tháng lên hai tuổi. Kết quả là, số trường hợp yêu cầu bồi thường vì đột tử sau khi tiêm chủng giảm từ 37 ca trong 5 năm xuống còn 3 ca trong 6 năm tiếp theo (từ 1975 đến tháng 8 năm 1981). Tỷ lệ đột tử sau khi tiêm chủng giảm từ 1,47 ca xuống 0,15 ca cho mỗi triệu liều vắc-xin – cải thiện 90%. Thêm vào đó, từ đầu thập kỷ 1970 (thời gian mà trẻ em 3 tháng tuổi bắt đầu bị tiêm chủng) cho đến giữa thập kỷ 1980 (10 năm sau khi tuổi bắt đầu tiêm chủng được tăng lên thành 2 tuổi), tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh Nhật Bản (số ca tử vong cho mỗi 1000 trẻ em được sinh thành công) giảm mạnh từ 12,4 xuống 5 – giảm 60%!
Một đội ngũ các nhà nghiên cứu (Cherry và cộng sự) nghiên cứu các dữ liệu của Nhật Bản và công bố tóm tắt kết quả của họ trong tạp chí Nhi khoa, đã nhận xét như sau:
Điều đáng chú ý về đột tử trẻ sơ sinh là các trường hợp tử vong thuộc phân loại này gần như biến mất cho cả các loại vắc-xin toàn tế bào và vắc-xin vô bào khi độ tuổi tiêm chủng được tăng lên đến 24 tháng tuổi.
Họ còn viết thêm:
Rõ ràng là việc trì hoãn tiêm chủng cho đến khi đứa trẻ được 24 tháng tuổi, dù là loại vắc-xin nào chăng nữa, giảm thiểu hầu hết các phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc-xin.