TÂm ThỨc LÀ VỊ LƯƠng Y TỐt NhẤt
Friday, September 4, 2015 20:44
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
HnPG: Ông khuyên những người bị các chứng bệnh ngặt nghèo phải hành xử như thế nào?
Phakyab Rinpoché: Phải tuân theo các cách chữa trị đúng với căn bệnh của mình! Các bác sĩ biết rõ là họ phải chữa trị ra sao. Không nên tự ý ngưng việc chữa trị [y khoa]. Đối với việc chữa trị bằng thiền định thì vấn đề khó khăn là phải biết chọn các phương pháp thích nghi. Có rất nhiều phương pháp thiền định, thế nhưng theo tôi thì phương pháp thiền định dựa trên tình thương yêu, lòng từ bi và tình nhân ái hướng vào kẻ khác, là hiệu quả hơn cả. Tất cả mọi người đều có thể luyện tập theo phương pháp này. Phương pháp luyện tập này sẽ mang lại cho người hành thiền sự an bình, thư giãn và giúp họ trở nên bén nhạy hơn trước các tình trạng vô ý thức (inconscients/unconscious/vô minh, u mê), là nhân tố thúc đẩy chúng ta rơi vào ảo giác và đưa đến mọi thứ xúc cảm bấn loạn như sự giận dữ, thèm muốn, và từ đó sẽ tạo ra tình trạng trầm cảm và sự sợ hãi. Các thể dạng tiêu cực ấy sẽ khiến cho tâm thức trở nên yếu đuối và ảnh hưởng đến cả thân xác. [Do đó] thật hết sức quan trọng là phải biến cải các thể dạng [tiêu cực] trên đây bằng phương pháp thiền định dựa vào tình thương yêu.
Nhiều người cho rằng tuyệt đối không nên đương đầu với các trường hợp khó khăn, thế nhưng theo tôi thì các thử thách to lớn mà mình phải vượt qua chính là những vị thầy quý giá nhất giúp mình xử lý các khía cạnh “tiêu cực” trong tâm thức, hầu giúp mình biến cải chúng. Qua góc nhìn đó, thì khoảng thời gian phải điều trị trong bệnh viện trước đây là cơ hội tốt nhất đã từng giúp tôi luyện tập. Tôi học được rất nhiều điều trong khoảng thời gian này. Các hoàn cảnh khó khăn chính là các cơ hội tuyệt vời – nếu không muốn nói là duy nhất – có thể giúp mình tự biến cải lấy chính mình. Thật vậy làm thế nào có thể biến cải được các khía cạnh tiêu cực của tâm thức mình trước các bối cảnh không gây ra một chướng ngại nào? Dù có gặp phải các khó khăn to lớn đến đâu, thì cũng không nên thối chí, không được tránh né, mà phải phát huy sức mạnh của tâm thức mình.
HnPG: Xin ông giải thích thêm là phép luyện tập tsa loung đã giữ vai trò như thế nào đối với việc chữa trị của ông?
Phakyab Rinpoché: Thật hết sức khó để giải thích chi tiết về phép luyện tập tsa loung, [vì đây] là một phép tập luyện tan-tra (câu này cho thấy Kim Cương Thừa và cả Đại Thừa nói chung chịu ảnh hưởng – hay vay mượn – ít nhiều các phép luyện tập tan-tra trong Ấn giáo. Tan-tra là một thuật ngữ chỉ chung một số văn bản/”kinh điển” xuất hiện kể từ thế kỷ thứ VI, nêu lên các đường hướng giáo lý, các thể thức nghi lễ và các quy tắc luyện tập thật chuyên biệt. Ngược lại Ấn giáo cũng đã từng vay mượn một số khái niệm trong Phật giáo. Cũng xin lưu ý thêm là chữ Tantrism/Đạo Tan-tra là một thuật ngữ do người Tây Phương đặt ra vào thế kỷ thứ XIX nhằm chỉ các nghi thức và phương pháp luyện tập tan-tra được sử dụng trong Ấn giáo và cả đạo Ja-in). Một cách tổng quát, tôi luyện tập theo các phép thiền định chuyên biệt, nhằm mang lại thể dạng tĩnh lặng tâm thần và quán tưởng về sự vận hành khí lực trong các kinh mạch của cơ thể, và cả phép thiền định gọi là tonglen (hiến dâng và nhận chịu). Phép luyện tập này sẽ giúp người hành thiền giải tỏa mọi sự bám víu thiển cận, đưa đến các chứng trầm cảm, mất ngủ và tình trạng ẩm thực vô độ. Xả bỏ mọi sự bám víu là cách mở toang cánh cửa nội tâm, giúp mình phát huy lòng từ bi vô biên đối với kẻ khác, chuyển biến mọi sự ích kỷ và biến cải cuộc sống của chính mình.
Phụ lục 1
Tsa Loung
Phép tinh khiết hóa các vết hằn trên thân xác bằng tâm thức
Jean-François Buliard & Philippe Judenne
Trong sự sinh hoạt xã hội ngày nay, tâm thức con người thường vận hành dựa vào các khái niệm (nói chung là sự suy nghĩ của chúng ta qua các sự giao tiếp trong xã hội thường là mang tính cách quy ước, kết quả mang lại từ giáo dục, gia đình và các kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống của mỗi người) và chỉ biết tìm cách biến cải [mình] nhờ vào các phương tiện trí thức (sự suy luận). Thế nhưng các kinh nghiệm cảm nhận đối với chính tâm thức mình thì lại liên hệ đến khí lực nhiều hơn, tiếng Tây Tạng gọi là loung. Đối với một số nền văn hóa đông phương khác thì loung còn được gọi bằng các thuật ngữ như prana (là tiếng Phạn, có nghĩa là sinh khí, sinh lực hay hơi thở) hay qi/t’chi (tiếng Hán, có nghĩa là khí/khí lực). Một tâm thức có thể là cởi mở, trong sáng, hoặc xao động và hoang mang, tất cả đều do khí lực tạo ra. Các truyền thống tu tập tâm linh lâu đời của Ấn Độ và Tây Tạng được thừa hưởng rất nhiều hiểu biết về khí lực, mà thế giới Tây Phương không hề biết đến. Phép tsa loung của Tây Tạng – nghĩa từ chương là “kinh mạch và khí lực” – bao gồm nhiều kỹ thuật tập luyện liên kết giữa thân xác và tâm thức dựa vào sự hô hấp và sự hiểu biết về hệ thống vận hành của khí lực tinh tế luân lưu trong các kinh mạch dẫn truyền (nadi) và các trung tâm khí lực gọi là luân xa (chakra). Các phép luyện tập này là do những người Phật giáo luyện tập về du-già (yogi) khám phá ra và được lưu truyền đến nay. Qua dòng lịch sử suốt nhiều thế kỷ, các vị thầy Phật giáo lại tiếp tục cải thiện thêm dựa vào các kinh nghiệm thực tiễn của chính họ. Việc truyền thụ các kỹ thuật luyện tập này được giới hạn trong khuôn khổ giữa thầy và trò: có nghĩa là giữa một người luyện tập du-già và một vài môn đệ của riêng mình (chỉ truyền thụ cho các môn đệ nào có đủ trình độ và hội đủ khả năng). Hơn nữa phép luyện tập tsa loung, nhất thiết dựa vào sự tập trung tâm thần, cần phải được thực hiện trong một bối cảnh thật trang nghiêm (trong các tu viện hẻo lánh và trong các dịp ẩn cư tổ chức đúng theo các nghi thức cổ truyền) (các nghi thức cổ truyền ở đây là các phương tiện thiện xảo gồm các nghi lễ mang tính cách thiêng liêng, nhằm giúp các môn đệ thụ giáo phát huy một sự tập trung tinh thần cực mạnh).
![]() |
H.1: Các luân xa sử dụng trong phép luyện tập tsa loung |
(Từ trên xuống dưới; 1- Luân xa Mahasukkha (Đại phúc hạnh), 2- Luân xa Sambhoga (Thụ hưởng), 3- Luân xa Dharma (Đạo Pháp), 4- Luân xa Nirmana (Biến hóa), 5- Luân xa Upaya Prajna (Phương tiện Trí tuệ/Bát nhã)
Hô hấp là căn bản của các phép luyện tập
Các phép tập luyện tsa loung đều nhất loạt dựa vào sự hô hấp bình thường của cơ thể, giúp mang lại một sự chú tâm cao độ vượt lên trên các ám ảnh phát sinh từ nội dung của các tư duy có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến chính nó – tức là sự chú tâm – hầu giúp nó có thể tiếp xúc trực tiếp với cấu trúc của các cảm tính, các sự cảm nhận và tư duy, đó là những gì thường khiến cho chúng ta bị xao lãng. Các phép luyện tập tsa loung giúp cho những người tập luyện không tập trung sự chú tâm của mình vào các cảnh huống [xảy ra], các sự liên tưởng (sự níu kéo của tư duy) cũng như các sự mơ ước hão huyền, mà giúp mình kết nối với các cấu trúc tàng ẩn phía sau các thứ ấy. Phép thiền định này cũng tương tự như các phép thiền định khác nhằm mục đích mang lại sư tĩnh lặng tâm thần, mà tiếng Tây Tạng gọi là shiné và tiếng Phạn là samatha (kinh sách gốc Hán ngữ gọi là “định” hay “chỉ” hay là sự “tịch tĩnh”, một hình thức lắng xuống hay “dừng lại” của tâm thức)