Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 nhằm ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, đến nay (2015) vừa tròn 250 năm. Lịch sử Việt Nam hiện vẫn còn nợ câu hỏi: “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Ba trăm năm nữa chốc mòng. Biết ai thiên hạ khóc cùng Tố Như ?. Đến nay nhiều vấn đề lịch sử về Người đã được sáng tỏ. Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ lớn, danh sĩ tinh hoa, hiền tài lỗi lạc, nhà chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục kiệt xuất không chỉ của nhà Nguyễn mà tầm vóc kỳ tài muôn thuở của mọi thời đại Việt Nam. Nguyễn Du đã vượt lên vinh nhục bản thân giữa thời nhiễu loạn, vàng lầm trong cát để trao ngọc cho đời. Con người Nguyễn Du, Hồng Sơn Liệp Hộ, ra tướng văn, vào tướng võ, chọc trời khuấy nước, Từ Hải khen Kiều khéo biết người. Thánh nhân Tố Như, Nam Hải Điếu Đồ, đêm mặt trăng, ngày mặt trời, nhả ngọc phun châu, Tam Hợp đạo cô tài đoán dịch. Truyện Kiều kiệt tác vô song. Bắc Hành sử thơ tuyệt đỉnh. Bài viết này là nén hương chiêu tuyết cho Người. (Hoàng Kim).
Nguyễn Du, quê hương và dòng họ
Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, lại có hiệu Nam Hải Điếu Đồ (kẻ đi câu ở biển Nam). Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (ngày 3 tháng 1 năm 1766) tại phường Bích Câu ở Thăng Long (Hà Nội), mất ngày 10 tháng tám năm Canh Thìn (ngày 16 tháng 9 năm 1820) tại kinh đô Huế, hưởng thọ 55 tuổi. Nguyễn Du họ Nguyễn Tiên Điền quê hương Nghệ Tĩnh nhưng sống nhiều nơi “Hồng Lam vô gia, huynh đệ tán”, mẹ họ Trần đất Kinh Bắc, tổ tiên Sơn Nam, khởi nghiệp Thái Nguyên, nhiều năm lưu lạc giang hồ ở châu thổ sông Hồng, vùng núi phía Bắc, Nam Trung Quốc,và Nghệ Tĩnh, nhiều năm làm quan ở Quảng Bình và kinh đô Huế. Nguyễn Du danh sĩ tinh hoa, tính tình khoan hòa điềm tĩnh, đi nhiều, học rộng, là nhà thơ nổi tiếng thời Lê mạt, Nguyễn sơ ở Việt Nam.
Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tên tự Hy Di, hiệu Nghi Hiên, có biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ, đậu Nhị giáp tiến sĩ , làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng) kiêm Trung thư giám, Tổng tài Quốc sử giám, tước Thượng thư bộ Hộ, Xuân Quận công triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1740, mất ngày 27 tháng 8 năm 1778, con gái một người thuộc hạ Nguyễn Nhiễm làm chức Câu kê lo việc kế toán, quản gia cho cụ Nguyễn Nghiễm. Quê mẹ ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Bà Trần Thị Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, bà kém chồng 32 tuổi, sinh được năm con, bốn trai và một gái. Nguyễn Nghiễm có tám vợ và 21 người con. Vợ chánh thất là bà Đặng Thị Dương, sinh mẫu của Nguyễn Khản; bà hai là Đặng Thị Thuyết, sinh mẫu của Nguyễn Điều, bà là em ruột của bà chánh thất Đặng Thị Dương; bà ba là Trần Thị Tần sinh mẫu của Nguyễn Trụ, Nguyễn Nể, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du, Nguyễn Ức; bà tư là Nguyễn Thị Xuân, quê ở Bắc Ninh, sinh mẫu của Nguyễn Trứ, Nguyễn Nghi; bà năm là Hồ Thị Ngạn, sinh mẫu của Nguyễn Nhưng; … Đền thờ Nguyễn Nghiễm ở thôn Bảo Kê, xã Tiên Điền. Đền có 3 tấm biển lớn, một khắc 4 chữ “Phúc lý vĩnh tuy” (Phúc ấm lâu dài) do tự tay chúa Trịnh viết. Một tấm khắc 4 chữ: “Dịch tế thư hương” (dòng thư hương đời nối đời) do Đức Bảo sứ thần nhà Thanh đề tặng. Một biển khắc 4 chữ “Quang tiền du hậu” (Rạng rỡ thế hệ trước, phúc ấm ở đời sau) do Tô Kính người Viễn Đông đề tặng. Đền còn có đôi câu đối: Lưỡng triều danh Tể Tướng. Nhất thế đại nho sư (Nho sư cả nước vang danh hiệu. Tể tướng hai triều rạng tiếng tăm). Danh sĩ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người được Nguyễn Huệ tôn làm thầy, là học trò của Nguyễn Nhiễm, đã viết bài tán Phú Đức nói về thầy học của mình. Nguyễn Nhiễm khi còn sống đặt ruộng cúng và xây sẵn đền thờ ở mặt sông. Sau khi ông mất, triều đình phong “Thượng Đẳng Tôn Thần”, Huân Du Đô Hiến Đại Vương, hàng năm Quốc gia làm tế lễ. Lại giao cho 4 xã chăm sóc hương khói. Ngày sinh, ngày giỗ của ông có cả xã Uy Viễn cùng tế lễ.
Tổ tiên của Nguyễn Du gốc ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), sau di cư vào Hà Tĩnh, có truyền thống khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền thời Lê mạt. Trước ông, sáu bảy thế hệ, viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan. Vị tổ họ Nguyễn Tiên Điền là Nam Dương Công, tên thật là Nguyễn Nhiệm, con trai Nguyễn Miễn và là cháu Nguyễn Quyện, gọi Nguyễn Quyện bằng bác ruột. (Nguyễn Miễn là con của Trạng nguyên Nguyễn Thiến, hậu duệ người em của Nguyễn Phi Khanh). Nguyễn Trãi và Nguyễn Du cùng thuộc một dòng họ và chung một ông tổ.
Ông nội của Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh. Ông có 5 vợ và 9 con (6 trai, 3 gái). Trong số 6 người con trai thì có 3 người con đậu đại khoa và làm quan to là Nguyễn Huệ , Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trọng. Ông Nguyễn Quỳnh là người hay đọc sách, tinh thông lý số, giỏi kinh dịch, … Ông chuyên tâm dạy con cái học hành, có soạn ba bộ sách bàn về Kinh Dịch với những việc chiêm nghiệm được trong đời. Ông có trồng ba cây cổ thụ, một cây Muỗm (Xoài), một cây Bồ Lỗ (Cây Nóng), một cây Rói, để sau này con cái thành đạt về thăm cha có chỗ buộc ngựa. Những cây cổ thụ đó, nay vẫn còn, trừ cây Rói bị bão đổ năm 1976. Nguyễn Quỳnh giỏi y thuật từ khi còn trẻ nghe nói có gặp một người Trung Quốc là Ngô Cảnh Phượng (dòng dõi Ngô Cảnh Loan- một nhà địa lý nổi tiếng đời Tống)am hiểu địa lý, gặp nạn, ông đưa về nuôi. Ngô Cảnh Phượng cảm phục ân đức đã truyền cho bí quyết về phong thủy. Họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đức, nếp nhà di huấn nối đời làm thuốc và dạy học, nếu có làm quan biết giữ tiết tháo, đức độ, thanh thận cần.
Vợ chính thất của Nguyễn Du họ Đoàn là con thứ sáu của Đoàn Công, Hoàng giáp Phó Đô ngự sử Quỳnh Châu bá người Quỳnh Côi, Hải An (xưa thuộc Sơn Nam, nay thuộc Thái Bình). Theo gia phả của họ Nguyễn Tiên Điền thì ông bà sinh con trai tên Nguyễn Tứ tự là Hạo Như có văn học, Nguyễn Ngũ giỏi võ, Nguyễn Thuyến giỏi văn nhưng không tham gia chính sự. Năm Quý Dậu (1813), bà theo ông đi sứ phương Bắc, về nước được vài năm bị bệnh mất. Bà sinh được một gái gả cho Tú tài Ngô Cảnh Trân, người ở Trảo Nha, Thạch Hà.
Một trong những người yêu thương nhất của Nguyễn Du là Hồ Phi Mai (Hồ Xuân Hương) bà chúa thơ nôm, quê ở Quỳnh Đôi, có quan hệ mật thiết với họ Hồ nhà Tây Sơn, tác giả của Lưu Hương ký. Hồ Xuân Hương cũng là tác giả của những tác phẩm thơ nổi tiếng: Khóc ông phủ Vĩnh Tường, Khóc Tổng Cóc, Làm lẽ, Tự tình, Mời trầu, Đề đền Sầm Nghi Đống, Đèo Ba Dội, Cái quạt, Chùa Quán Sứ, Hang Thánh Hóa, Sư hổ mang, Sư bị ong châm, Quan thị, Mắng học trò dốt … bài nào cũng thực thông minh, hóm hỉnh, vừa sâu sắc vừa cận nhân tình. Chồng Hồ Xuân Hương là Trần Phúc Hiển bị kết án năm 1816 và bị xử tử năm 1818. Trần Ngọc Quán, thi tướng Tao Đàn Cổ Nguyệt Đường, Hiệp trấn Sơn Nam Thượng cũng bị giết năm này.
Gia tộc Nguyễn Du có nhiều người giỏi và giữ những vị trí trọng yếu của thời cuộc: cha là Nguyễn Nhiễm làm Tể tướng hai triều Lê; anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản làm Tể tướng, Tham tụng, Thượng thư bộ Lại kiêm trấn thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa triều Lê; cha nuôi là quan trấn thủ Thái Nguyên Quản Vũ Hầu Nguyễn Đăng Tiến, tướng tâm phúc của Nguyễn Nhiễm; cha vợ là Hoàng giáp Phó Đô ngự sử Quỳnh Châu bá Đoàn Nguyễn Thục; anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ đứng đầu ngoại giao của cả ba triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn (Nguyễn Nễ từng trãi Cai đội quân Nhất Phấn giữ phủ chúa Trịnh, Hiệp tán quân vụ nhà Lê, Tả Phụng nghi bộ Binh, Hiệp tán quân vụ trấn Quy Nhơn, Chánh sứ, Tả đồng nghị trung thư sảnh trấn Nghệ An nhà Tây Sơn, phụ tá Tổng trấn Bắc thành nhà Nguyễn); anh ruột là Nguyễn Điều làm trấn thủ Sơn Tây của triều Lê; anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn làm Thị Lang bộ Lại nhà Tây Sơn; anh rể là tiến sĩ Vũ Trinh làm Hữu Tham tri bộ Hình, thầy dạy Nguyễn Văn Thuyên, con của Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành.