Bàn về vai trò của đồng thầy trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu
Monday, August 29, 2016 6:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Sự phát triển của tục thờ Mẫu hiện nay đã mang lại một diện mạo mới cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam, về một mặt nào đó đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của dân tộc[2]. Tuy nhiên, xét về bản chất, như bất kỳ một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nào, tín ngưỡng thờ Mẫu và sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu cũng tiềm ẩn trong nó những hạn chế không tránh khỏi – nhất là trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Trước tình hình đó, đã có không ít các giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu, chẳng hạn như chủ trương cấm đốt vàng mã của nhà nước, tổ chức các cuộc liên hoan diễn xướng hầu đồng nhằm tôn vinh và chấn hưng nghi lễ hầu thánh,… Tuy nhiên, dường như công việc này vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời và nặng về hình thức. Với ý nghĩa đó, từ việc tìm hiểu công việc và vị trí của các vị đồng thầy trong bản hội, bài viết này thực hiện nhằm đi đến nhận thức về việc cần thiết phát huy vai trò của họ trong việc chấn hưng văn hóa thờ Mẫu.[3]
1.Đồng thầy và vai trò của họ trong bản hội thờ Mẫu
*Đồng thầy là ai?
Tín ngưỡng thờ Mẫu hay còn gọi là tín ngưỡng Tứ phủ (dân gian quen gọi là đạo Tứ phủ, thuật ngữ đương đại gọi là đạo Mẫu) về bản chất là thuộc hình thức sa man tương tự như các hình thức tín ngưỡng Then, Pụt, Mo, Mỡi, Một… của các tộc người thiểu số Tày, Nùng, Thái, Mường ở Việt Nam. Đệ tử của đạo Mẫu về cơ bản là phải có “căn đồng”, hiểu nôm na là những người có khả năng giao tiếp với linh giới dưới hình thức phổ biến là xuất/nhập hồn các vị thần linh trong các nghi lễ hầu thánh. Nói trên cơ sở lý luận về nhân quả, thì người có căn đồng là người có duyên hoặc có nghiệp liên quan đến nhà Thánh. Có duyên, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng phụng sự cửa đền, hoặc đã từng tu theo đạo Mẫu rồi. Có nghiệp, nghĩa là kiếp trước người ta đã từng làm gì đó có lỗi với cửa đền (ví dụ phá phách, hoặc trộm đồ thờ), hoặc có lỗi với người tu theo đạo Mẫu (ví dụ ngăn cản vợ/chồng, anh/chị/em, con/cháu tu theo đạo Mẫu).
Tùy theo duyên hay nghiệp mà những người đến với tín ngưỡng Tứ phủ có thể bị cơ đầy khổ sở về thể xác và tinh thần hay không. Tuy nhiên, để chính thức trở thành thanh đồng – họ phải trải qua nghi lễ trình đồng mở phủ dưới sự chủ trì của một đồng thầy. Với nghi lễ này coi như họ được đồng thầy sinh ra ở cửa Thánh, trở thành con tinh thần của đồng thầy (cha/mẹ). Thông thường, sau khi trình đồng nếu người đệ tử này khiêm tốn chuyên cần; chịu khó học hỏi; tu tâm dưỡng tính; bền bỉ hành đạo không ngừng thì sau khi tạ 12 năm đồng xong, có thể chính thức được sắc phong trở thành đồng thầy, tùy theo duyên nghiệp của mình mà trở thành một trong bốn dạng đồng thầy sau đây:
1) Giáo hóa truyền đạo: là người làm thầy nhưng chỉ chuyên đi giáo hóa, truyền đạo, nhiệm vụ của họ là khai sáng cho những người còn u mê; chưa có tín ngưỡng; hoặc là thất tín hay cuồng tín và đang đi sai đường. Với những người thầy kiểu này thì “phương tiện thiện xảo” của họ là sức thuyết phục, khả năng lý luận, phân tích, tổng hợp, là ngòi bút viết nên những trang sách, bài thơ… để làm cầu nối dẫn dắt người khác nhập đạo.
2) Công đức hành thiện: là người làm thầy nhưng chỉ chuyên đi vận động, quyên góp, làm công đức, làm việc thiện nguyện ở cộng đồng. Với những người thầy kiểu này thì “phương tiện thiện xảo” của họ là khả năng kêu gọi, vận động cộng đồng, tạo dựng và lãnh đạo một phong trào, biến xã hội/cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
3) Cứu độ bách gia: đây là dạng có nhiều thầy nhất, trong đó lại chia thành nhiều loại thầy như sau:
a) Đồng dí: là thầy chuyên áp vong, triệu vong, gọi hồn – làm cầu nối Âm-Dương giới, cho phép gia tiên ngự về dạy bảo con cháu làm việc thiện
b) Đồng pháp: là thầy chuyên việc pháp sự, trục vong, trừ tà, trấn trạch, trấn trùng – làm chấp pháp trong Âm-Dương giới, khiến cho ma quỷ không lộng hành quấy phá người trần
c) Đồng bói: là thầy chuyên bói toán, tử vi, bốc phệ, bói trầu, bói cau, bói tiền, bói hương, bói bài – là người có khả năng soi tỏ quá khứ; hiện tại; vị lai, rồi dùng thông tin đó để uốn nắn và răn dạy người đời.
d) Đồng chữa: là thầy chuyên chữa bệnh bằng phép (bùa, ngải) hoặc bằng thuốc (lá, nước, tàn hương) – là người không cần viện tới các phương tiện Tây y hiện đại nhưng vẫn chữa được bệnh, đặc biệt những bệnh thuộc về nghiệp.
4) Phò trì chánh pháp: Có người làm thầy nhưng chỉ có mục đích “vệ đạo”, nhiệm vụ của họ là sử dụng mọi phương tiện, biện pháp có thể – nhằm mục đích bảo vệ văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của dân tộc không bị mai một, không bị đồng hóa. Nhóm này có ít thầy nhất và họ cũng ẩn dật nhất. Có thể xem họ như phần “Mật tông” trong lòng đạo của dân tộc Việt Nam.[4]
Như vậy, nhóm đồng thầy thuộc trường hợp “Cứu độ bách gia” hiện phổ biến và được biết đến nhiều nhất trong xã hội. Công việc của họ là thực hiện các nghi lễ trình đồng mở phủ cho đệ tử, tùy theo năng lực mà thực hiện các việc chữa bệnh, áp vong, trừ tà, kêu cầu, di cung hoán số, trả nợ tào quan, cắt duyên âm… cho các con nhang đệ tử, hình thành nên bản hội riêng của mình. Một đồng thầy có uy tín thường có đông con nhang đệ tử. Theo quy luật, đến lượt mình các đệ tử của đồng thầy lại tiếp tục làm đồng thầy và thiết lập các bản hội riêng.
Tuy bất thành văn nhưng trong giới thanh đồng cũng có quan niệm coi bố mẹ sinh ra mình chỉ là người mà họ mượn cửa để đầu thai, cho nên thường họ chỉ gọi bố mẹ mình là “anh Sinh, chị Đẻ”, còn đồng thầy – là người dẫn dắt họ, xem như tái sinh ra họ lần thứ hai, còn gọi là “đẻ đồng” – cho họ được là chính họ (được yên ngôi, chính vị) cho nên phải gọi đồng thầy là bố, là mẹ. Từ quan niệm này dẫn đến những quy định mang tính thứ bậc gia đình đối với các thanh đồng trong bản hội. Theo đó, những người được “đẻ đồng” trước (trình đồng mở phủ trước) thì sẽ được coi là anh chị (đồng anh, lính chị), còn người được “đẻ đồng” sau thì dù có nhiều tuổi hơn – cũng vẫn bị coi là em. Quan niệm này cũng phổ biến ở các hình thức tín ngưỡng tương tự của một số tộc người thiểu số như Then, Pụt, Mo của người Tày, Nùng hoặc ở các thầy cúng người Dao, tức là ở các hình thức cúng bái có giao lưu tiếp biến với Đạo giáo[5].
Về đại thể, có thể hình dung sự phát triển của các bản hội tương tự như sự phát triển phả hệ của một dòng họ gia đình theo sơ đồ như sau :

Từ đây có thể tạm hình dung: đồng thầy nào có đông con (đệ tử) thì sẽ nhiều cháu, chắt, chút, chít…
Tuy nhiên, giống như trong đời thường cũng có người không sinh con nên không phải bất cứ đồng thầy nào cũng “đẻ đồng”. Vì vậy cũng có những bản hội của các thanh đồng không “đẻ đồng”, họ lập điện thờ để kêu cầu cho các tín chủ, được các tín chủ tín nhiệm.
Giới thanh đồng nói chung cũng coi đồng thầy là một chức nghiệp chứ không phải là một nghề, người có duyên nghiệp thì mới được làm đồng thầy. Theo đó nếu không có “mệnh” làm đồng thầy thì không thể “học” để trở thành đồng thầy được.
Do chưa có điều kiện bao quát hết các nguồn tư liệu nên bài viết này chủ yếu hướng tới đối tượng đồng thầy thuộc nhóm 3- nhóm “Cứu độ bách gia”.
*Vai trò của đồng thầy trong bản hội
Theo một cách hiểu chung nhất thì bản hội là một tập hợp những người có chung niềm tin về các vị thánh Tứ phủ nằm dưới sự dẫn dắt của một vị đồng thầy.