
được dư luận quốc tế quan tâm từ sau khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển
OECD tổ chức các kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme
for International Student Assessment). Thành công xuất sắc của học sinh Phần
Lan trong các kỳ thi này đã làm cả thế giới ngạc nhiên.
PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện 3 năm một kỳ
tại hơn 40 địa điểm cho gần nửa triệu HS trên toàn cầu. PISA mới tiến hành được
4 kỳ (2000-2003-2006-2009) thì Phần Lan giành được vị trí thứ nhất trong 3 kỳ
đầu. Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu
về toán học.
Sau một thời gian say sưa tranh cãi về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ, cuối cùng
phương pháp giáo dục của Phần Lan lại đang trở thành một chủ đề nóng ở Mỹ sau
khi nước này chiếu bộ phim tài liệu Chờ đợi Siêu nhân [1], vạch ra các vấn đề
tồn tại của giáo dục công lập Mỹ, có so sánh với Phần Lan. Báo The Economist
của Anh Quốc còn kiến nghị các nhà lãnh đạo châu Âu tạm ngừng công việc để đến
Phần Lan dự các giờ học cấp phổ thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này
giỏi thế. Người Trung Quốc càng hết lời ca ngợi giáo dục Phần Lan. Một bà mẹ
đem hai con sang Phần Lan sống mười mấy năm, tự mình trải nghiệm thực tế giáo
dục từ vườn trẻ đến đại học của xứ này, sau đó nhận xét: So với Phần Lan thì
giáo dục Trung Quốc chỉ là một bãi rác lớn. Cần nhấn mạnh: người Phần Lan không
hề coi trọng mọi kỳ sát hạch học sinh, kể cả PISA, họ không bao giờ mở các lớp
chuyên để đào tạo “gà nòi” đi thi PISA như ở một số nước khác. GS Pasi
Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp
tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International Mobility and
Cooperation, CIMO) nói: “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách để học chứ
không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới
PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi nhắm tới”.Chính người Phần Lan cũng không
hiểu tại sao HS họ lại chiếm vị trí hàng đầu trong các kỳ kiểm tra PISA, bởi lẽ
họ đâu có quan tâm gì tới việc xếp hạng. Nhưng khi các đoàn cán bộ giáo dục từ
khắp thế giới kéo đến Phần Lan tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học của xứ này thì
họ mới để ý tới chuyện ấy. Ngành du lịch Phần Lan cũng khởi sắc nhờ thành tích
của ngành giáo dục.
Triết lý giáo dục đúng đắn
Giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý (tư tưởng) giáo dục độc đáo, thể
hiện ở quan điểm đối với học sinh và giáo viên: hai chủ thể quan trọng nhất này
của nhà trường phải được quan tâm và tôn trọng hết mức.
Sự ưu ái HS thể hiện ở chỗ ngành giáo dục phải làm cho nhà trường trở thành
thiên đường của trẻ em! Muốn thế người Phần Lan đã hủy bỏ mọi chuyện khiến lũ
trẻ đau đầu nhức óc như cạnh tranh (hoặc dưới mỹ từ “thi đua”), xếp hạng giỏi
kém trong học tập và các kỳ sát hạch thi cử. Ở cấp tiểu học hoàn toàn không có
kiểm tra kiến thức. Nhiệm vụ của giáo viên là làm cho HS hào hứng học tập, say
mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội. Tóm lại, HS không phải chịu bất cứ
một sức ép nào trong học tập.
GS Sahlberg nói: “Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin
rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời HS chỉ
có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước
khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì
họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, HS
cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui
thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp
tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo HS sau này sẽ
cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội đầy cạnh tranh”.
Luật pháp Phần Lan quy định không được dùng cách xếp hạng hoặc cho điểm để đánh
giá các HS trước lớp 6. Khi các thầy cô muốn bình xét năng lực và biểu hiện của
HS nào đó thì họ phải dùng văn bản ghi lại sự đánh giá, có thuyết minh cặn kẽ,
chứ không được đơn giản dùng điểm số hoặc thứ bậc xếp hạng để bình xét. Bởi lẽ
mỗi HS đều có sở trường của riêng mình, giáo viên chỉ có thể thông qua nhiều
hình thức hoạt động để tìm hiểu HS và khai thác phát huy tiềm năng của các em.
Có người cho rằng trong môi trường không có so sánh, không có cạnh tranh, không
có sát hạch thi cử thì HS sẽ không có động lực để học tập. Thực ra HS Phần Lan
vẫn có thi đại học, kỳ thi duy nhất sau 12 năm học, cạnh tranh cũng rất quyết
liệt, nhưng khi ấy HS đã trưởng thành. Người ta cố gắng không để HS cạnh tranh với
nhau quá sớm. Các nhà trường ở châu Á cạnh tranh với nhau rất gay gắt, đó là do
giáo viên, phụ huynh, HS và mọi người luôn so bì lẫn nhau. Người Phần Lan không
làm như vậy, họ trau dồi cho HS tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh,
nhấn mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu không khí
không có cạnh tranh. Đây là một ưu điểm của chế độ giáo dục Phần Lan.
Một nhà tâm lý học từng nói: “Hôm nay HS biết hợp tác với nhau thì ngày mai họ
sẽ có năng lực cạnh tranh”. Muốn giỏi cạnh tranh thì trước hết phải biết mình,
rồi tìm hiểu người khác. Biết mình để tự tin. Biết người, tức biết đối phương,
là để hiểu được ưu điểm của họ; điều ấy thực hiện được trong quá trình hợp tác
với họ, qua đó sẽ có được năng lực cạnh tranh. Trau dồi năng lực sáng tạo trong
môi trường chan hòa tình người thì tốt hơn trong môi trường cạnh tranh khốc
liệt, vì khi ấy người ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm cho người khác, và cũng
không muốn mạo hiểm, như vậy sao có thể có được sức sáng tạo. Vì thế người Phần
Lan chủ trương HS học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau thành công của mình.
Người Phần Lan trau dồi cho học sinh tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh
tranh, nhấn mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu không
khí không có cạnh tranh. Chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục là giáo viên
cũng phải được sống trong môi trường ít sức ép nhất. Thầy cô giáo phải được xã
hội tôn trọng hết mức. Muốn vậy, cũng như với HS, đối với giáo viên, nhà trường
áp dụng nguyên tắc không so sánh, không xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo
viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh
giá giáo viên.
Ngành giáo dục không làm cái việc đánh giá, xếp hạng chất lượng các trường. Nhờ
thế tất cả giáo viên đều rất tự tin, ai cũng tự hào về trường mình. Họ giải
thích: Nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì HS sao có thể tin vào nhà
trường?
GS Sahlberg nói: “Rất nhiều quốc gia tiến hành cải cách giáo
dục xuất phát từ mặt hành chính, thậm chí tham khảo giới kinh doanh, đưa phương
thức vận hành công ty vào áp dụng trong trường học, lập chế độ thưởng phạt.
Cách làm như thế là không đúng. Chúng ta đều biết, trừ khi nhà trường có giáo
viên giỏi, trừ khi chúng ta luôn đào tạo chuyên môn cho giáo viên và giúp đỡ
họ, trừ khi xã hội biết tôn trọng giáo viên, nếu không thì cải cách giáo dục sẽ
không thể thành công”.
Điều đó xuất phát từ nhận thức: Nếu xã hội đã không tín nhiệm chính thầy cô
giáo của mình thì còn nói gì tới việc HS tin yêu và nghe lời thầy cô? Một khi
thực thi cơ chế đánh giá xếp hạng giáo viên thì tất nhiên giáo viên bị xếp hạng
thấp sẽ còn đâu uy tín để dạy các em? Một nhà trường bị xếp hạng kém thì còn ai
muốn cho con mình vào học? Như vậy giáo dục còn có ý nghĩa gì?
Nếu bạn hỏi bất cứ quan chức nào của Bộ Giáo dục Phần Lan về chất lượng giáo
viên xứ này thì họ sẽ nói: “Tất cả thầy cô giáo của chúng tôi đều giỏi như
nhau!”. Họ cũng nói: “Tất cả các trường của chúng tôi đều giỏi như nhau!” “Tất
cả các HS của chúng tôi đều giỏi cả”. Câu trả lời ấy nói lên sự tự tin của một
quốc gia đã thực sự đạt được sự bình đẳng trong giáo dục, vì vậy họ có quyền
nói như thế. [2]