3. Chỉ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật người ta có thể thực hiện sự thống nhất chân, thiện, mĩ, song phải điều chính nội hàm khái niệm và quan hệ của chúng một cách khác. Tính chân thực của văn học là phức tạp nhất. Roman Ingarrden đã từng nêu ra hơn 40 định nghĩa khác nhau, đủ thấy nó khó nhận thức biết chừng nào (Các nghiên cứu về mĩ học, M. Khoa học, 1962). Chân thực ở đây không đồng nhất theo nhận thức luận. Nếu xét văn học như một diễn ngôn, một tu từ học, một diễn thuyết, nghĩa là sự sáng tạo một thực tại tinh thần có ý nghĩa, thì văn học giống như một ngôn ngữ hành vi (thuật hành), thì tính chân thực phải xét theo cách khác. Văn học là sáng tạo hư cấu, không phải sao chép hiện thưc, do đó tính chân thực của văn học là chân thực của các khả năng trong đời sống mà nhà văn đã lựa chọn, khái quát thành thế giới nghệ thuật. Tính chân thực ở đây là phù hợp với các khả năng đời sống. Khi người đọc chấp nhận thế giới ấy như là có thật, thì nó có tính chân thật. Cái thật ấy phải đi trước, sau đó mới tiến hành đánh giá nó về mặt đạo đức, luân lí như đối với mọi hiện tượng đời sống. Một hiện thực mà đã thừa nhận từ trước là chân chính, là tốt đẹp rồi, thì tuyệt đối không còn là hiện thực của nhận thức nghệ thuật. Chỉ sau khi đã có cái hiện thực đã được nhận thức và đánh giá như một phát hiện rồi thì nhà văn mới bắt đầu sáng tạo hình thức nghệ thuật cho nó. Hình thức đóng vai trò là cái thẩm mĩ dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật, bao chứa nó từ bên ngoài, biến nó thành khách thể thẩm mĩ đối với người đọc. Nghệ sĩ với vị thế đứng ngoài (вненаходимость) có khả năng bao quát, hoàn tất nội dung tác phẩm, anh ta mở đầu, triển khai và kết thúc, khiến cho người đọc được soi ngắm, thể nghiệm. Cái thẩm mĩ là hình thức chủ thể cho nên nó cũng bày tỏ thái độ ngợi ca, đồng tình, mỉa mai, chế nhạo đối với cuộc sống trong tác phẩm. Cái thiện trong nghệ thuật có thể chỉ là quan điểm đánh giá, cũng có thể là cái cần phải có theo quan điểm lí tưởng nào đó. Cái trước là cái thiện trong văn học phê phán, còn cái sau là sản phẩm của cảm hứng lãng mạn, nhiều khi không tưởng, mà như thế lại càng không thật. Đó là khái niệm chung về “sự thống nhất” chân thiện mĩ trong văn học nghệ thuật theo một trật tự đặc biệt. Đó chỉ là một sự thống nhất có tính quy ước trong từng trường hợp cụ thể.
Cái thẩm mĩ trong nghệ thuật, theo M. Bakhtin trong bài nghiên cứu đã nêu trên, là thuộc về hình thức dùng để hoàn tất hiện tượng đời sống được thể hiện trong tác phẩm. Như thế nội dung của văn học là những cái khả nhiên (sự kiện có thể có, xin xem bài Văn học như tư duy về cái khả nhiên của cúng tôi) của đời sống do nhà văn phát hiện ra, được đánh giá về đạo đức, luân lí, nó không nhất thiết là cái đẹp hay cái xấu, cái ác, miễn là cái có ý nghĩa, có tầm quan trọng về mặt xã hội, nhân văn phổ quat là được. Quan niệm văn học nghệ thuật chỉ miêu tả cái đẹp trong cuộc sống là không đúng với thực tế. Nghệ thuật vẫn thường miêu tả cái xấu và cái ác, cái bạo lực, cái tội lỗi, và không phải mọi đánh giá đạo đức, thẩm mĩ đều che lấp được sức lôi cuốn hấp dẫn của các thứ đó. Kim Bình Mai, Phế đô không giấu được sự ham thích tính dục, Đàn hương hình không che giấu sự thích thú với tội ác túng xẻo, Chém treo ngành không giấu được sự hâm mộ đối với lối chém người có nghệ thuật. Cái thiện không nhất thiết là cái hoàn thiện, mà là nội dung đạo đức, luân lí thể hiện trong khi đánh giá các hình tượng nhân vật, hiện tượng đời sống. Cái thẩm mĩ, là hình thức sáng tạo độc đáo mang cá tính của nghệ sĩ. “Hoạt động thẩm mĩ là hướng tới chất liệu, chỉ tạo hình cho nó: hình thức có ý nghĩa thẩm mĩ là hình thức của chất liệu, một chất liệu có tính khoa học tự nhiên hay có thể hiểu được bằng ngôn ngữ, hình thức khẳng định của các nghệ sĩ, rằng sáng tạo của họ có tính chỉnh thể, hướng ra thế giới, có quan hệ với con người, quan hệ xã hội, và các giá trị đạo đức, tôn giáo và các giá trị khác.” (Bakhtin, bài đã dẫn). Như trên đã nói, trong nghệ thuật, cái chân (cái thật) là cái có trước tuyệt đối, là cái không chịu phụ thuộc bất cứ cái gì có trước nó. Cái tốt (cái thiện) là cái cần phải có, so với cái hiện có, gắn với lí tưởng của nhà văn. Nếu cái cần phải có chiếm ưu thế thì sẽ tồn hại đến cái thật. Cái thẩm mĩ là cái dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật. Nhưng cái thẩm mĩ ngày nay không nhất thiết là chỉnh thể, nó phân mảnh, tạp chủng, lai ghép không còn giống như Bakhtin quan niệm vào đầu thế kỉ XX nữa. Theo công thức của Bakhtin quan hệ đó là như sau: “Hiện thực chỉ có thể đối lập với nghệ thuật như là một cái gì tốt (thiện) hay là một cái gì thật (chân) đối với cái đẹp (với nghĩa là hình thức. TĐS).” (Tài liệu đã dẫn, tr. 97). Ở đây Bakhtin nói cái thật hay cái tốt trong quan hệ lựa chọn. Ông không nói cái đẹp là đối tượng, bởi nó phụ thuộc vào cái thật. Cái thẩm mĩ đem cái thật hay cái tốt lại gần với sự thụ cảm, soi ngắm của người đọc. Như vậy thống nhất chân thiện mĩ không phải là đem bao nhiêu cái tốt, cái thật, cái đẹp trong đời sống tập họp lại làm thành nghệ thuật, mà chỉ là đem cái thật (vốn có), hay cái tốt (cần phải có) biến thành yếu tố của khách thể thẩm mĩ. Với nghĩa đó, theo Bakhtin, “cuộc sống vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong nghệ thuật; nghệ thuật giàu có, không khô khan, không chuyên biệt; người nghệ sĩ chỉ là chuyên gia với tư cách là người thợ, tức là chỉ trong quan hệ với chất liệu của anh ta.” (xuất xứ như trên). Như vậy chân thiện mĩ thống nhất theo phương thức cái đẹp (thẩm mĩ) trở thành hình thức biểu đạt cho cái thật hay cái thiện, trong đó cái thật, cái thiện và cái mĩ ở vào một tương quan hoàn toàn quy ước.
4. Điều kiện của sự thống nhất chân thiện mĩ
Để có được sự thống nhất chân thiện mĩ như nghệ thuật yêu cầu, nghệ sĩ trước hết phải được tự do trong nhận thức như yêu cầu vốn có của nhận thức. Nhận thức theo những kết quả có trước thì chỉ tạo thành minh họa và đánh mất cái chân. Nghệ sĩ cũng phải được tự do trong việc xác nhận cái cần phải có, tức là cái thiện theo quan niệm của mình. Miêu tả cái cần phải có theo quan điểm của một ai đó, một nhóm nhỏ nào đó là biến nghệ sĩ thành kẻ minh họa. Việc tạo thành cái đẹp cũng vậy, không theo những khuôn mẫu định sẵn.