Quan niệm nhất nguyên về giá trị trên thực tế tước bỏ quyền lựa chọn giá trị của con người, của nghệ sĩ, chỉ độc tôn một loại giá trị. Ngược lại, quan niệm đa nguyên buộc người ta thừa nhận nhiều giá trị và phải lựa chọn, và giữa các chân lí khác nhau đòi hỏi có thái độ khoan dung, đối thoại, chấp nhận các giá trị khác với quan niệm của mình. Cái thật đối thoại với cái thiện, cái chân. Hoặc chúng phủ định lẫn nhau, phê phán nhau. Nếu đem ánh sáng của cái đẹp, cái thiện mà miêu tả cái xấu, cái ác thì lúc đó chúng đối thoại với nhau, chứ không thống nhất với nhau. Do quan niệm nhất nguyên thống trị, ta hiểu vì sao ở Việt Nam hiện nay trong mọi lĩnh vực văn hóa vẫn khó thực hiện được khoan dung và đối thoại. Trong tất cả mọi cuộc trao đổi, phê bình, phê phán chỉ có một bên được nói, còn bên kia không có không gian để cất lên tiêng nói của mình. Các ý kiến phản biện xã hội hiện nay ở Việt Nam đều thuộc ở các không gian khác nhau, trượt bên nhau, không gặp nhau, không thông nhau, nghe nhau. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đang đi trên đường đa nguyên hóa. Từ chỗ không thừa nhận vô thức, phi lí tính, chúng ta đã phiên dịch và thưởng thức được các tác phẩm thuộc dòng văn học phi lí tính, như văn học hiện sinh, văn học phi lí tính. Từ chỗ không chấp nhận yếu tố sex trong văn chương đã thừa nhận từng bước sự xâm nhập của nó vào văn học, nghệ thuật. Ranh giới của sex trong nghệ thuật và khiêu dâm nằm ở chỗ một bên là giá trị tinh thần, còn bên kia là giá trị vật chất, vật thể. Trong văn học cách mạng trước đây, một nụ hôn đã bị coi là đồi trụy thì hiện tượng sex trong văn học hôm nay có thể coi là sự kiện thay đổi nhãn quan về giá trị thẩm mĩ, chân thực và đạo đức. Văn học hậu hiện đại đầy hoài nghi, mảnh vỡ, lắp ghép, đối thọai, giễu nhại đã thấm vào nhãn quan của nhiều nhà văn Việt Nam, làm thành những dấu hiệu của văn học này trong văn học đương đại. Nhà văn Việt Nam ngày nay đã hiểu tính đa nguyên trong các giá trị văn hóa. Ta hiểu vì sao trong phê bình văn học hiện nay sự đánh giá tác phẩm nghệ thuật thường ít gặp nhau. Sự kì vọng một đánh giá thống nhất thực tế rất xa vời.
Hiện tại nhà văn Việt Nam chưa có điều kiện phát huy tư tưởng của mình trong sáng tác một cách tự do. Điều đó hạn chế họ đi đến những sáng tạo mới mẽ, đột xuất. Trong một thế giới giá trị nhất nguyên mọi sáng tạo đều chỉ là sự biến tấu của một cài gì đã biết, đã quen, và do đó khó có sáng tạo mới khác biệt đích thực.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại những công thức quen tai, những diễn ngôn hợp lí, nhưng ảo tưởng. Đã đến lúc cần phải có nhận thức mới theo trào lưu tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Bản thân cuộc sống và người đọc luôn luôn đòi hỏi các giá trị chân thiện mĩ, không ai phủ nhận vài trò của chúng trong đời sống. Nhưng xem chúng như một sự thống nhất đương nhiên, tất nhiên, đồng đều, bắt buộc, hài hòa thì không phải. Sự thống nhất trong thực tế rất đa chiều. Nó có thể thiên về cái này hoặc cái kia và khi đó nó làm suy yếu các yếu tố khác biệt. Phân lượng các yếu tó cũng khác nhau. Các yếu tó đó có thể được hiểu khác nhau. Lúc đó cần có thái độ khoan dung và đối thoại, và chỉ có đa nguyên, khoan dung, đối thoại, mới thất sự có sự phát triển của văn học nghệ thuật.
Hà Nội, ngày 23 – 10 – 2013.