Trong xã hội Việt Nam bảy chục năm nay chúng ta khi nào cũng hô hào sáng tác đi theo chân thiện mĩ, chân thiện mĩ thống nhất, mà thực tế thì chỉ có tiêu chuẩn chính trị là trên hết, chính trị là thông soái, cái gì không phù hợp với quan điểm chính trị thống soái thì dều không thật, không thiện, không đẹp. Người ta vẫn nói chân thiện mĩ, nhưng hồn cốt ở tư tưởng chính trị, ở tính đảng. Mà tính đảng thực chất là một tính chất thiên vị, mà đã thiên vị thì thiếu khách quan, công bằng, không đẹp, hoặc chỉ đẹp theo một ý nghĩa nào đó. Tình hình này ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác đều giống như nhau. Chỗ nào có tính đảng thì ở đó chân thiện mĩ không còn có vị trí quan trọng nữa. Khi văn học được coi là bánh xe, đinh ốc trong cỗ máy của đảng thì nó đâu còn tự do, mà thiếu tự do thì nó đầu còn là cái thật? Thực tế đó cho thấy quyền lực chi phối chân thiện mĩ. Chúng ta biết cuộc sống có thể không hoàn thiện, có thể xấu. Nhưng cái xấu không đáng sợ, không hoàn thiện cũng không đáng sợ. Sợ nhất là đem một cái hoàn thiện giả tạo, không tưởng để che lấp cái thật, cái không hoàn thiện kia, khiến con người mất phương hướng, thì đó là có hại. Biết bao cái kết có hậu rất đẹp đã mâu thuẫn sâu sắc với cái thật và có những cái thật trong nghệ thuật lại bị lên án. Cuộc sống thời nào cũng có yếu tố tốt đẹp, nếu chỉ chọn viết những cái ấy rồi “điển hình hóa” lên, ta sẽ được cái tốt đẹp, nhưng lại không thật, vì ta đã tách nó khỏi cái tổng thể chưa/ không đẹp của nó. Nếu ta theo đuổi một lí tưởng đẹp về xã hội đạo đức nào đó, thì vì đó là lí tưởng, nghĩa là cái chưa có, nó chỉ là một cái hứa hẹn, mà khi đang là hứa hẹn thì nó dứt khoát không thể là thật hay không thật. Như thế ta thấy chân, thiện, mĩ rất khó đi liền với nhau, có được cái này thì lại mất cái kia, giống như ý kiến của Max Weiber đã nói. Vì vậy, theo yêu cầu thống nhất chân thiện mĩ mà sáng tác thì sẽ có những tác phẩm chẳng những không đạt chân thiện mĩ, mà chỉ là giả tạo. Tất nhiên văn học nghệ thuật là đa dạng, nó không chỉ có chân thiện mĩ, mà còn có cả giả, ác, xấu. Văn học mà chỉ biết có chân thiện mĩ tức là chỉ ve vuốt thị hiếu tầm thường một chiều của một số người. Hãy đọc các tác phẩm của Kafka như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài, đọc Trăm năm cô đơn của Marquez, xem tranh S. Daly, xem tiểu thuyết hiện sinh như Buồn nôn, Người xa lạ, xem sự thống nhất cái thật, cái đẹp, cái thiện trong đó ở đâu, thể hiện như thế nào? Sáng tạo theo huyền thoại thì thường là siêu chân thiện mĩ. Ta rất khó đánh giá thần thoại Hy Lạp theo tiêu chí thống nhất chân thiện mĩ. Huyền thoại Sisiphe của Camus thống nhất chân thiện mĩ ở đâu? Có thể nhận thấy sự thống nhất chân thiện mĩ chỉ có trong sáng tác theo tinh thần của các nhà Khai sáng sùng thượng lí tính tuyệt đối. Còn trong các sáng tác phi lí tính, hiện sinh, vô thức…thì khó nói có sự thống nhất ấy. Nói cách khác trong văn học hiện đại chủ nghĩa, hâu hiện đại khó tìm thấy sự thống nhất đó.
Trong thực tiễn phê bình, nếu ta theo tiêu chí đạo đức, tức dựa vào tác dụng giáo dục mà dánh giá thì tiêu chí thẩm mĩ có thể bị hi sinh. Ví dụ như cụ nghè Ngô Đức Kế đánh giá Truyện Kiều, khi xét theo tiêu chí đạo đức, cụ chỉ thấy tác dụng xấu của nó: “ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi, tám chữ ấy không tránh đâu cho khỏi”. Cụ cũng thấy Truyện Kiều văn chương đẹp, nhưng không thấy thống nhất đâu cả. Trong sáng tác, nếu chạy theo tác dụng tuyên truyền, giáo dục thì tính chân thực thường bị vi phạm.
Cội nguồn của vấn đề còn là ở sự khác nhau trong quan niệm nhất nguyên và đa nguyên về giá trị. Các nhà Khai sáng theo quan niệm nhất nguyên luận về giá trị cho rằng, toàn bộ giá trị mà con người mong muốn rút cuộc đều thống nhất với nhau, thực hiện được giá trị này, ví dụ như mô phỏng tự nhiên hay chế độ chính trị lí tính, nếu thực hiện chân thực, đúng đắn, thì các giá trị khác đều lần lượt được thực hiện, bởi vì giữa các giá trị không có mâu thuẫn, mà đồng nhất với nhau, gắn kết nhau, thống nhất với nhau, không loại trừ nhau mà phát triển hài hòa với nhau. Quan niệm về sự thống nhất ảo tưởng này phù hợp với lòng mong mỏi của không ít người nên thường được nhiều người chấp nhận. Có một thời gian dài từ chủ nghĩa cổ điển đến chủ nghĩa hiện thực văn nghệ cố gắng đạt đến sự thống nhất ấy, nhưng thực tế chúng vẫn khó thống nhất với nhau. Song dần dần người ta phát hiện thấy không phải bao giờ chúng cũng thống nhất, thậm chí không thể thống nhất. Baudelaire, Tolstoi, M. Weiber là những ví dụ như thế. Ví dụ Tolstoi không thừa nhận thống nhất chân thiện mĩ, thì trong sáng tác của ông cũng không có thống nhất ấy. Trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Tolstoi vì muốn khẳng định sự thống nhất của nhân dân Nga trong cuộc chiến chống quân Pháp, ông đã xóa đi các mâu thuẫn giữa các giai cấp, giảm đi tính sắc nhọn của ngòi bút xé toạc các mặt nạ giả dối của xã hội. Tức là vì cái thiện, cái đẹp, ông hi sinh bớt một phần cái thật.
Quan niệm giá trị đa nguyên cho thấy điều đó. Nó thừa nhận xã hội con người có nhiều giá trị và quan niệm giá trị khác nhau, nhưng biết rõ các giá trị ấy thường không thống nhất, mà mâu thuẫn nhau, nhiều khi loại trừ nhau, có cái này thì không có cái kia hoặc vừa thế này, vừa thế kia. Chân thiện mĩ chẳng những khó thống nhất, mà đồng thời có nhiều chân lí, nhiều cái đẹp, nhiều cái thiện và các cái chân, cái thiện, cái đẹp ấy lại còn mâu thuẫn nhau, không dung hòa và hài hòa nhau. Các giá trị ấy không có cái duy nhất đúng hoặc duy nhất sai, mà đúng khác nhau, đẹp khác nhau. Chẳng hạn cái đẹp cổ điển, cái đẹp hiện thực, cái đẹp siêu thực, cái đẹp tượng trưng, cái đẹp huyền ảo, cái đẹp trừu tượng…là rất khác nhau. Còn các sự thật khác nhau thì ai cũng biết. Có người đem cái giả, cái hư ảo làm cái thật, ngược lại, họ coi cái thật đích thực là giả, là thù địch hoặc ngược lại. Lợi ích và quyền lực chi phối cái thật, cái thiện và cái đẹp. Có những sự thật không được nói lên. Một nửa sự thật không phải là sự thật. Do vậy sự thống nhất chân thiện mĩ trên thực tế bị biến chất.