ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits: 1,689,016,548
Stories: 8,394,854
Profile image
1
0
Tác giả: hoangkimvietnam
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước: 1
24h trước: 1
Tổng số: 35
Tư liệu chọn lọc về Nguyễn Du
Tuesday, November 25, 2014 8:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.

Một điều chắc chắn là ngay từ trẻ, Nguyễn Du đã mê văn chương và biết mình có tài về văn chương, như có lần, nhân dịp ghé thăm ngôi nhà cũ của Liễu Tông Nguyên (nhà thơ đời Đường, 773-819), trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa, ông đã tự nhận: “Tráng niên ngã diệc vi tài giả” (Thời trẻ, ta cũng là kẻ có tài năng). Cả đời, ông mê đọc sách. Thuở hàn vi, suốt 10 năm sống nhờ nhà người khác, hầu như lúc nào cũng đối diện với nguy cơ đói ăn và thiếu mặc, vậy mà nhà ông lúc nào cũng đầy sách: “Tứ bích đồ thư bất yếm đa” (Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng không vừa); “Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư” (Chuột đói leo giường gặm sách vở của ta). Bệnh, ông nằm với sách: “Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt” (Cạnh gối có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật). Sau này, năm 1813, ông được vua Gia Long cử làm chánh sứ sang Trung Hoa. Con đường đi sứ từ Huế đến Yên Kinh dài dằng dặc, băng qua những Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Nam, Hồ Bắc, An Huy, Hoài Nam, Sơn Đông; trên đường về, lại băng qua Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam, trước khi nhập lại con đường cũ, qua Hán Dương, Nhạc Dương, Hành Dương, Quế Lâm, v.v… Suốt cuộc hành trình dài đằng đẵng ấy, lúc thì đi bộ, lúc thì đi ngựa, lúc thì đi thuyền, phần lớn thời gian Nguyễn Du dành cho việc đọc sách: “Khách lộ trần ai bán độc thư” (Thì giờ trên đường gió bụi, một nửa là đọc sách).

Mê sách và mê văn chương như thế, nhưng hầu như lúc nào Nguyễn Du cũng ngậm ngùi khi nói đến văn chương. Ông không tin văn chương là đầu mối của bất hạnh (“Vị hữu văn chương sinh nghiệp chướng” – Chưa từng có chuyện văn chương sinh ra nghiệp chướng). Nhưng ông cũng thừa biết văn chương không giúp được gì trong việc giải quyết các bế tắc trong cuộc sống thường nhật, nhất là lúc đất nước nhiễu nhương, hết chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Trịnh thì đến chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Lúc ở ẩn và chịu nghèo đói ở quê vợ, ông nhận ra một sự thật bẽ bàng: “Thư kiếm vô thành sinh kế xúc” (Nghề văn nghề võ đều không thành, sinh kế quẫn bách), “Nhất sinh từ phú tri vô ích / Mãn giá cầm thư đồ tự ngu” (Một đời chuyên về từ phú biết là vô ích / Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình). Có lúc, nhìn tóc bạc trắng và ngửa mặt lên trời, ông tự hỏi: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng” (Văn tự nào đã dùng được việc gì cho ta). Sau, khi ra làm quan với Gia Long, ông được thăng cấp rất nhanh: thoạt đầu (1802) làm tri huyện; mấy tháng sau, đã được thăng lên làm tri phủ; ba năm sau, được thăng Đông Các Đại Học Sĩ; mấy năm sau, làm Cai Bạ, rồi được cử làm Chánh sứ sang Trung Hoa; về, được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ, hàm Tam phẩm. Có thể nói quan lộ của Nguyễn Du rất hanh thông. Nhưng ông vẫn buồn. Thấy cảm hứng văn chương càng ngày càng leo lắt. Trên đường đi sứ, ông than thở: “Lão khứ văn chương diệc tị nhân” (Già rồi, văn chương cũng xa lánh người); rồi lại than thở: “Văn chương tàn tức nhược như tơ” (Hơi tàn, văn chương mảnh như sợi tơ).

Buồn, ông quay sang đọc kinh Phật: “Ngã độc Kim cương thiên biến linh / Kỳ trung áo chỉ đa bất minh” (Ta đọc kinh Kim cương hàng nghìn lượt, những ý nghĩa gọi là sâu xa trong đó phần nhiều không rõ ràng).

Không biết việc đọc kinh Phật có làm ông nguôi ngoai hay không. Nhưng đọc thơ chữ Hán của ông, từ lúc trẻ đến lúc già, hết tập này đến tập khác, lúc nào cũng thấy một tâm trạng hiu hắt.

Bởi vậy, ông mới phân trần:

Tri giao quái ngã sầu đa mộng
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung?
(Bạn thường trách bảo hay sầu mộng,
Thiên hạ ai người thực tỉnh không?)

(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước dịch)

Đọc Nguyễn Du, nhớ Nguyễn Khuyến

Nguyễn Hưng Quốc

 Nguyễn Khuyến

Hình: Wikipedia Commons

Nguyễn Khuyến

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thấy tâm trạng buồn rầu và cảm giác bế tắc của ông khi nghĩ về chuyện văn chương, tự dưng tôi nhớ đến Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến (1835-1909) ra đời sau khi Nguyễn Du đã mất được 15 năm. Cả hai đều trải qua những thời loạn lạc: với Nguyễn Du, loạn lạc xảy ra lúc còn trẻ; với Nguyễn Khuyến, lúc đã về già. Mức độ của cái gọi là loạn lạc ấy cũng khác: thời Nguyễn Du, đất nước thay chủ, từ Lê-Trịnh sang Nguyễn Tây Sơn và cuối cùng, Nguyễn Gia Miêu (quê gốc của các chúa và sau đó, của các vua Nguyễn, thuộc Tống Sơn, Thanh Hóa); thời Nguyễn Khuyến, không phải là chuyện thay đổi triều đại, mà là chuyện đánh mất chủ quyền: cả nước lọt vào tay thực dân Pháp. Cuối cùng, phạm vi của khái niệm loạn lạc cũng khác: thời Nguyễn Du, chỉ là loạn lạc về chính trị và xã hội; thời Nguyễn Khuyến, loạn lạc một cách toàn diện: không những chỉ trong lãnh vực chính trị hay xã hội mà còn cả trong lãnh vực văn hóa với sự thất thế của chữ Hán và sự lên ngôi của chữ quốc ngữ, từ đó, sự thay đổi trong hệ thống học đường và khoa cử, sự đảo lộn trong bảng giá trị đạo đức cũng như thẩm mỹ.

Cả hai, lúc còn trẻ, chắc chắn có rất nhiều tham vọng. Nguyễn Du thì sinh ra trong gia đình thế gia vọng tộc, lại nổi tiếng tài hoa về văn chương. Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình khiêm tốn hơn: cha chỉ đỗ tú tài, làm nghề dạy học và khá nghèo. Nhưng về khoa cử, ông lại hơn hẳn Nguyễn Du: Trong khi Nguyễn Du chỉ đỗ tam trường (tú tài), Nguyễn Khuyến lại thi đỗ cả ba kỳ thi Hương (1864), thi Hội (1871) và thi Đình (1871); hơn nữa, ở cả ba cuộc thi, ông đều đỗ đầu; nổi tiếng cả nước với danh hiệu “Tam nguyên Yên Đổ”. Đó là điều Nguyễn Khuyến rất tự hào. Trong bài “Di chúc”, có đoạn ông viết:

… Đức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.
Học chẳng có rằng hay chi cả;
Cưỡi đầu người kể đã ba phen….

Mà tự hào kể cũng phải. Nên nhớ trong cả lịch sử khoa cử bằng chữ Hán tại Việt Nam, kể từ khoa thi đầu tiên vào năm 1075 đến khoa thi cuối cùng vào năm 1918, tức hơn 800 năm, chỉ có cả thảy năm người đoạt được danh hiệu “tam nguyên” như thế: Đào Sư Tích (đời Trần), Lê Quý Đôn (1726-1784), Trần Bích San (1838-1877), Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm (1864-1910).

Nhờ đỗ đạt cao, con đường làm quan của Nguyễn Khuyến khá thuận lợi, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Hai năm sau khi đỗ khoa thi Hội và thi Đình, ông được bổ làm Đốc học ở Thanh Hóa; năm sau, làm Án sát Nghệ An, rồi mấy năm sau, được thăng làm Bố Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó, hoạn lộ của ông bắt đầu bị trắc trở. Năm 1879, vì chuyện gì đó, ông bị đàn hặc và bị điều về Huế, làm Toản tu Quốc tử giám, không còn quyền lực gì cả. Năm năm sau, ông cáo quan, lúc mới 50 tuổi ta. Tổng cộng ông làm quan chỉ được 11 năm.

Có cảm tưởng phần lớn những bài thơ còn lại đến bây giờ của Nguyễn Khuyến đều được sáng tác sau khi ông về hưu. Khung cảnh là khung cảnh làng quê. Một số nhân vật xuất hiện trong thơ ông cũng là những người dân dã. Tâm trạng là tâm trạng của một người đứng ngoài công danh. Tuy nhiên, chính ở đây, chúng ta thấy có sự khác biệt sâu sắc giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Nguyễn Du hầu như lúc nào cũng phấp phỏng lo sợ, lúc nào cũng cô đơn và cô độc, lúc nào cũng thu mình lại, kín kẽ, giữ gìn, thậm chí có lúc phải đóng kịch: “Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục / Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân” (Ở đất khách, giả vụng về để phòng thói tục; gặp đời loạn vì muốn giữ thân nên luôn sợ người ta). Nguyễn Khuyến thì khác. Ông sống chan hòa với mọi người. Ông xem những người dân quê chung quanh như là bạn bè: “Chú Đáo làng bên lên với tớ / Ông Từ xóm chợ lại cùng ta.” Điểm chung giữa Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến là tâm trạng của họ khi nói đến chuyện văn chương: Nhìn đâu cả hai cũng đều thấy bế tắc.

Prev12345NextView as Single Page
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.