Quyền lực ngụy trang và quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ
Sunday, December 28, 2014 0:43
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Vietsciences- Nguyễn Trường 17/05/2012
Các hoạt động ngụy trang của chính quyền không phải là điều mới mẻ trong lịch sử Hoa Kỳ. Tuy vậy, trong thập kỷ vừa qua, các hoạt động loại nầy, trước đây chỉ là một vũ khí phụ trong số các trang thiết bị an ninh quốc gia, nay đã trở thành phương sách mũi nhọn trong quyền lực Hoa Kỳ.
Phi cơ không người lái, giám sát điện tử, “hành quân tàng hình” [1]với các đơn vị như Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt Liên Ngành – JSOC,[2] cũng như sử dụng những công ty tư nhân, các đội quân đánh thuê, và các nhóm khủng bố, ngày nay đã trở thành những dụng cụ ngày một phổ thông trong quan hệ đối ngoại dần dà thay thế chiến tranh quy ước và ngoại giao truyền thống. Đã hẳn, những dụng cụ nầy rất dễ trở thành các phương tiện hoạt động phi pháp hay ngoài vòng pháp luật, tạo nhiều nguy cơ phản tác dụng đối với Hoa Kỳ. Với những phương tiện đó, Hoa Kỳ thường dễ biến thái thành một cường quốc ngày một bị xa lánh.
Quyền lực ngụy trang ngay cả đã trở thành một đề tài trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống. Newt Gingrich chủ trương phải tăng cường các hoạt động ngụy trang bên trong Iran. T T Obama đã đáp lại lời buộc tội chủ hòa và thích thỏa hiệp của Mitt Romney khi gợi ý với những người đối lập nên “hỏi thẳng bin Laden”[3].
Obama thường nói “làn sóng chiến tranh đang lùi bước,”[4] nhưng câu đó chỉ đúng với chiến tranh quy ước. Ở Afghanistan, nơi chính quyền hy vọng cuộc chiến quy ước sẽ chấm dứt vào cuối năm 2013, Hoa kỳ đang có nhiều kế hoạch quân sự dài hạn với các lực lượng đặc biệt qua các đơn vị như JSOC. Chưa rõ cấu trúc pháp lý nào sẽ được thiết kế làm cơ sở cho các hoạt động ngụy trang vừa nói, ngoài một nháy mắt hay gật đầu của T T Hamid Karzai.
Mặc dù người Iraq đã thành công buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi xứ sở của họ vào cuối năm 2011, Hoa Thịnh Đốn tuy vậy vẫn đang tìm cách duy trì ảnh hưởng qua các hành động ngụy trang. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Baghdad đang hoạt động với khoảng 16.000 nhân viên, phần lớn là các nhà thầu dân sự. Trong số nầy có 2.000 nhân viên ngoại giao, và vài trăm nhân viên tình báo.
Cũng nên nhớ toàn bộ nhân viên ngoại giao của Mỹ hiện vào khoảng dưới 14.000. Chính quyền Obama đã quyết định giảm bớt con số các nhà thầu, và rút toàn bộ số nhân viên xuống mức 8.000. Con số lực lượng ngụy trang nầy không những có nhiệm vụ đại diện quyền lợi của Hoa Kỳ ở Iraq, mà phần lớn với nhiệm vụ định hình quốc gia nầy và hoạt động như Bộ Tư Lệnh miền Đông vùng Trung Đông Nới Rộng.
Chẳng hạn, theo báo Washington Post, các binh sĩ ngụy trang của Hoa Kỳ sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn “ảnh hưởng của Iran.” Vì lẽ các đảng chính trị Shiite ở Iraq đang giữ địa vị áp đảo trong Nghị Viện và nội các, thường gần gũi với Iran, nhiệm vụ vừa nói có thể đòi hỏi phải can thiệp vào chính trị nội bộ của Iraq.
Và cũng không ai có thể đoan chắc CIA chỉ làm nhiệm vụ tình báo hay gây ảnh hưởng bên trong Iraq. Các cơ sở ngụy trang của Mỹ luôn bắt cóc những ai người Mỹ xem như nguy hiểm và gửi họ đến các “trung tâm đen để tra tấn”[5], thường qua các chính quyền địa phương để giữ bàn tay của Mỹ luôn trong sạch. Như lệ thường với các hoạt động ngụy trang, các công ty tư nhân luôn được vận dụng để thực hiện các chương trình di chuyển, hayrendition programs, ngoài khuôn khổ luật pháp quốc gia và quốc tế , và coi thường các âu lo nhạy cảm của các xứ đồng minh của chính Hoa Kỳ.
Người Mỹ có thể ứng xử như thế nào ở Iraq có thể được ngoại suy từ cách ứng xử của chính họ gần đây trong các xứ đồng minh khác bên ngoài Iraq. Tháng 11-2009, một tòa án Ý đã tuyên án khiếm diện 23 phạm nhân, phần lớn là các viên chức CIA, đã bắt cóc một người họ cho là nhân viên tín cẩn của Al Qaeda, Abu Omar, trên đường phố Milan và chuyển đến Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak để thẩm vấn. Obama cũng đã minh thị tiếp tục cách ứng xử nầy như một “dụng cụ chống khủng bố”, mặc dù đã công khai tuyên bố đã chấm dứt các hành động tra tấn. Iraq rất có thể phải tiếp tục giữ vai trò một sân khấu cho các màn trình diễn ngụy trang nói trên.
Các chế tài khe khắt đơn phương của chính quyền Obama đối với Iran và các nổ lực loại trừ xứ nầy khỏi hệ thống ngân hàng của thế giới cũng mang thuộc tính một quyền lực ngụy trang. Với mục đích làm thui chột khả năng xuất khẩu dầu, các biện pháp vừa kể cũng đang gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc nhập khẩu thực phẩm như lúa mì của Iran. Mặc dù Hoa Thịnh Đốn phủ nhận những hoạt động ngụy trang ở Iran, người ta vẫn tin chính quyền Mỹ và đồng minh Do Thái hiện đang tiến hành các hoạt động như thế.
Theo nhiều nguồn tin quân sự và tình báo Mỹ dấu tên, qua phỏng vấn của phóng viên Seymour Hersh của báo The New Yorker, Hoa Kỳ đã huấn luyện các thành viên của MEK[6], đặt căn cứ ở Camp Ashrab, nhằm thực hiện các công tác tình báo ngụy trang, tương tự như những gì Saddam Hussein đã từng làm, mặc dù bất cứ một trợ giúp nào cho tổ chức cũng trực tiếp mâu thuẩn với hành động của Bộ Ngoại Giao liệt kê MEK vào danh sách các tổ chức khủng bố.
MEK bị nghi ngờ đã dính líu vào hàng loạt các vụ ám sát các khoa học gia nguyên tử của Iran, nhưng theo tiết lộ của giới tình báo Hoa Kỳ, chính tổ chức Mossad của Do Thái, không phải CIA, là tòng phạm. Thực vậy, phân biệt các hoạt động ngụy trang của Hoa Kỳ khỏi những hành động của đối tác đàn em — như đã được tiết lộ bởi tình báo Hoa Kỳ khi than phiền nhân viên Mossad đã nhân danh CIA tuyển mộ các thành viên của nhóm khủng bố Jundullah trong vùng Baluchistan thuộc Iran, trong các hoạt động ngụy trang chống lại Iran — là một việc làm khó khăn. Jundullah, một nhóm Sunni, đã nhiều lần cài bom các giáo đường Shiite trong khu vực Zahedan và nhiều nơi khác trong miền Đông Nam Iran.
Chẳng cần phải nói, các áp lực công khai hoặc ngụy trang của Obama đối với Iran có thể dễ dàng, ngay cả vô tình, khơi mào một cuộc chiến.
Sự tiết lộ hơn 5 triệu điện thư, lấy trộm từ hệ thống vi tính của công ty tình báo tư Stratfor, cho thấy công ty nầy không chỉ làm việc phân tích. Stratfor đã làm công việc giám sát và hoạt động tình báo cho các công ty bảo trợ. Chẳng hạn, Dow Chemical đã mướn Stratfor theo dõi và kiểm tra hành động của nhóm người phản kháng tai nạn thoát tán hơi độc năm 1984 ở Bhopal, Ấn Độ, gây trên 3.500 tử vong. WikiLeaks quả quyết Stratfor tượng trưng cho cánh cửa quay vòng[7] nối kết và trao đổi thông tin giữa các xí nghiệp tình báo tư và các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ.
Việc sử dụng ngày một nhiều các nhà thầu an ninh dân sự, chính yếu là các lính đánh thuê, là một điều nhức nhối đối với người Mỹ. Hàng chục nghìn nhà thầu, trước đây được triển khai ở Iraq, là tối thiết cho việc người Mỹ chiếm đóng xứ nầy, nhưng đồng thời cũng đã đem lại nhiều điều bất lợi nghiêm trọng. Thiếu hiểu biết tập tục và văn hóa của dân bản địa, tự kiêu, thiếu phối trí với giới quân sự Mỹ và với cảnh sát và quân đội địa phương, đã đem lại nhiều thất bại, như vụ nổ súng năm 2007 ở Quảng Trường Nisour, Baghdad, nơi các nhân viên công ty Blackwater đã giết chết 17 thường dân Iraq. Cuối cùng, chính quyền Iraq đã trục xuất Blackwater, ngay cả trước khi trục xuất quân lực Mỹ, đã mang các nhà thầu vào xứ sở của họ.

Những hậu quả bất lợi của chính sách dùng lính đánh thuê cũng đã được phơi bày qua vụ Raymond Davis ở Lahore, Pakistan. Ngày 27-1-2011, Davis, một nhà thầu CIA, dừng xe vì đèn đỏ khi hai người Pakistan chạy xe gắn máy cũng vừa tới dừng bên cạnh. Davis, sau đó lập luận: một trong hai có vũ khí nên hoảng sợ và nổ súng giết cả hai. Tên lái xe sống sót sau loạt súng đầu, nhưng khi tìm cách chạy trốn, Davis lại nổ súng hai lần vào lưng. Thay vì thoát thân, Davis đã dùng thì giờ lục soát, chụp hình hai xác chết rồi gọi Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ “yêu cầu được ứng cứu”[8]