TQ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tác động đến VN
Monday, February 23, 2015 18:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Tác giả: Nguyễn Minh Khôi
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, Trung Quốc (TQ) đã có những bước đi mới nhằm thúc đẩy việc quốc tế hóa (QTH) đồng nhân dân tệ (NDT) và đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Đến cuối năm 2014, TQ đã ký 29 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ[1] song phương với các trên thế giới; đến tháng 10/2014, đồng NDT đã vượt qua đồng đô-la Úc và đô-la Canada để trở thành đồng tiền được sử dụng thanh toán nhiều thứ 5 trên thế giới, gần tiếp cận với đồng Yên Nhật. Mức độ sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế trong 2 năm qua (2012-2014) đã tăng trên 321%. Riêng năm 2014, mức tăng trên đạt 102% so với mức tăng chung 4,4% của tất cả các loại tiền tệ khác trong thanh toán quốc tế.[2]
Những lý do chính thúc đấy TQ thực hiện QTH đồng NDT
QTH đồng NDT sẽ buộc TQ phải từ bỏ mục tiêu kiểm soát dòng luân chuyển vốn, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, các nước có đồng tiền quốc tế đều chấp nhận mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhằm tăng cung tiền ra nước ngoài. Những yếu tố trên đều mang lại nhiều rủi ro và biến động cho nền kinh tế TQ và đó cũng chính là lý do Đức và Nhật Bản không thúc đẩy mạnh mẽ việc QTH đồng tiền của họ. Vậy có những động lực gì khiến một TQ luôn chủ trương theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao lại kiên trì mục tiêu QTH đồng NDT?
Thứ nhất, giảm thiểu rủi ro về tỷ giá cho các doanh nghiệp TQ thông qua: (1) Việc QTH đồng NDT đồng nghĩa với việc gia tăng các giao dịch và hợp đồng được thực hiện bằng đồng NDT, qua đó giảm đáng kể các rủi ro về tỷ giá cho các doanh nghiệp TQ; (2) tăng tỷ trọng các tài sản xác định bằng đồng NDT trong các tổ chức tài chính quốc tế của TQ. Khi Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) tính Tỷ lệ an toàn tối thiểu, tài sản của các tổ chức này sẽ ít bị tác động bởi tỷ giá hơn; (3) giảm rủi ro cho các nhà đầu tư TQ khi đầu tư vào các quỹ đầu tư nước ngoài; và (4) gia tăng tính độc lập của TQ trong điều hành tỷ giá, tránh khả năng phải đối mặt với vấn đề “original sin”[3] mà nhiều nền kinh tế mới nổi gặp phải.
Thứ hai, tăng khả năng cạnh tranh và sức mạnh của các tổ chức tài chính quốc tế của TQ, giúp hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại TQ đại lục. Nếu việc QTH đồng NDT được mở rộng, các thể chế tài chính TQ có thể tiếp cận nguồn tài sản bằng đồng NDT phong phú, theo đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực dịch vụ tài chính TQ. Cùng với sự lớn mạnh của các tổ chức tài chính trong nước, với sự hỗ trợ của trung tâm tài chính Hong Kong (HK), TQ có thể phát triển Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế như Luân-đôn hay Wall Street trong tương lai.
Thứ ba, thúc đẩy giao dịch kinh tế qua biên giới. QTH đồng NDT sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương và du lịch qua biên giới của TQ; đồng thời cũng có tác dụng mở rộng các hoạt động trao đổi kinh tế vùng biên của TQ, hỗ trợ phát triển các khu vực dân tộc thiểu số của nước này.
Thứ tư, thu lợi thông qua thuế phát hành tiền.[4] Mặc dù đây có thể không phải là mục tiêu của TQ nhưng trong dài hạn, lợi nhuận từ việc phát hành đồng NDT ra quốc tế cũng sẽ giúp TQ bù đắp chi phí “trả thuế in tiền” mất đi từ việc nắm giữ đồng đô-la Mỹ.
Thứ năm, QTH đồng NDT sẽ giúp TQ duy trì giá trị kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình. TQ hiện đang là nước có mức dự trữ ngoại hối cao nhất thế giới với trên 3.983 tỷ đô-la (31/12/2014) và hơn 70% lượng dự trữ là bằng đồng đô-la Mỹ. Nếu các khoản trên được thay thế dần bằng đồng NDT, TQ sẽ không phải lo lắng về nguy cơ mất vốn một khi chính phủ Mỹ định giá lại đồng đô-la Mỹ. Hiện tại, TQ đang nắm giữ các khoản nợ của Mỹ lên đến trên một ngàn tỷ đô-la, nếu Mỹ hạ giá đồng đô-la, số tiền thực tế nắm giữ của TQ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.[5]
Thứ sáu, gia tăng ảnh hưởng chính trị[6] của TQ tại khu vực Châu Á. TQ đang trỗi dậy và nếu TQ có thể cùng các nước trong khu vực thành lập một liên minh tiền tệ, đây sẽ là bước tiến lớn để mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Tuy nhiên, khác biệt chính trị, kinh tế giữa TQ với Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực sẽ là rảo cản cho việc thành lập liên minh tiền tệ. Trong bối cảnh đó, TQ có thể thay đổi cách tiếp cận theo hướng “từ dưới lên” bằng việc QTH đồng NDT, giúp nó được sử dụng rộng rãi trong khu vực. Khi các nước trong khu vực chấp nhận đồng NDT, dần dần TQ có thể đưa ra triển vọng về một liên minh tiền tệ, hoặc một liên minh kinh tế do TQ dẫn đầu giống Đức ở Châu Âu.
Cuối cùng, nỗ lực QTH đồng NDT của TQ là bước đệm nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. QTH đồng NDT đòi hỏi TQ phải chấp nhận tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa lãi suất và không hạn chế chuyển đổi đồng NDT với các đồng tiền khác. Thực chất, đó cũng là mong muốn của TQ bởi trong những năm gần đây, đồng NDT đã liên tục tăng giá và gần với mức cân bằng tự do của thị trường. Hơn nữa, TQ cũng nhận thấy cần phải đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện thị trường vốn trong nước nhằm tạo điều kiện để dòng luân chuyển vốn trong nền kinh tế được thông suốt, và tạo vùng đệm cho việc thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả hơn. Những nội dung trên chỉ được thực hiện nếu có các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Việc QTH đồng NDT sẽ kịp thời tạo động lực và yêu cầu để các nhà lãnh đạo TQ thúc đẩy các lực lượng trong nước cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế nội địa.
Các biện pháp đã triển khai
Để thực hiện mục tiêu QTH đồng NDT, TQ đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu tập trung trong bốn lĩnh vực chính: (1) trong thương mại quốc tế; (2) khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT; (3) phát triển thị trường giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế; và (4) ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước đối tác, cụ thể:
2.1. Thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế
Thúc đẩy sử dụng đổng NDT trong thanh toán thương mại QT có lẽ là thành công lớn nhất của TQ trên cả hai khía cạnh, QTH đồng NDT và gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Năm 2009, các thỏa thuận thanh toán thương mại qua biên giới bằng đồng NDT với Hong Kong, Macau, một số nước ASEAN đã được ký. TQ bắt đầu thí điểm việc thanh toán thương mại bằng đồng NDT ở một số doanh nghiệp tại 5 thành phố với các công ty của Hong Kong, Macau, ASEAN. Đến năm 2011, TQ cho phép tất cả các doanh nghiệp của TQ được thanh toán ngoại thương với tất cả các nước trên thế giới bằng đồng NDT. Kết quả, đến cuối năm 2013, tăng trưởng sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế đạt mức tăng 58% so với năm 2012.
Tuy vậy, việc sử dụng đồng NDT trong ngoại thương của TQ và thế giới cũng vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu. Dù đồng NDT đã vươn lên trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trên thế giới, nhưng tỷ trọng trong giao dịch toàn cầu vẫn khá nhỏ (2,17% tổng số giao dịch trên toàn thế giới)[7] so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, theo thống kê của NHTƯ Trung Quốc, tổng mức thanh toán thương mại quốc tế của TQ được thực hiện bằng đồng NDT trong các năm 2011 và 2013 cũng khá khiêm tốn, lần lượt khoảng 5,5% và 11,7% tổng số giá trị thanh toán của cả nước.
2.2. Khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT
Để khuyến khích dòng đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT, vào tháng 1/2011, TQ đã có quy định về Đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng đồng NDT (RMB Overseas Direct Investment-ODI) cho phép các doanh nghiệp TQ đầu tư ra nước ngoài bằng đồng NDT. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng NDT ghi nhận tại TQ (cả chiều vào và ra) đã tăng mạnh. Năm 2012, tổng đầu tư nước ngoài của TQ là 284 tỷ NDT (đầu tư vào TQ đạt 253,6 tỷ NDT; đầu tư của TQ ra nước ngoài đạt 30,4 tỷ NDT). Trong đó, có tới 36% tổng số đầu tư nước ngoài vào TQ được thực hiện bằng đồng NDT.