Góc nhìn Alan Phan về “biển lớn”
Saturday, October 24, 2015 19:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ trì trệ, các công ty có công nghệ triển vọng hay năng lực marketing cao sẽ là những viên ngọc hiếm. Nguyên liệu và nông hải sản sẽ ổn định: lượng cầu chậm lại nhưng tăng trưởng về thu nhập và dân số thế giới sẽ tiếp tục. Các cổ phiếu của thị trường mới nổi sẽ sinh lời tốt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ kết thúc bằng sự nổ tung của bong bóng.
Chương 15 – Thiếu can đảm, nhiều người bỏ cuộc quá sớm
Tôi khám phá ra rằng sức chịu đựng và tinh thần sáng tạo của doanh nhân khi đối diện với khó khăn và vực thẳm của phá sản trở nên sắc bén kỳ diệu hơn mọi hình dung. Vì thiếu can đảm và kiên trì, nhiều người đã bỏ cuộc sớm.
Có 5 yếu tố căn bản của sự thành công trên thương trường: 1/ động lực hay ngọn lửa bên trong; 2/ thời gian và nỗ lực; 3/ sức khỏe để chịu đựng; 4/ hành động, chấp nhận rủi ro; và 5/ kinh nghiệm và quan hệ. Còn có yếu tố may mắn mà chúng ta không định lượng được.
Doanh nhân Việt chia sẻ nhiều đặc thù với doanh nhân Trung Quốc vì những điều kiện tương tự về văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Trung Quốc mở cửa thị trường trước ta 15 năm, nên doanh nhân của họ tích tụ nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi chỉ hơi tiếc là có rất nhiều bài học hay dở của họ mà chúng ta không nghiên cứu để tìm một lối đi riêng của mình.
Tôi đã sống và làm việc tại Trung Quốc hơn 14 năm nên tôi hiểu rõ quan niệm kinh doanh của người Trung Quốc. Vào thập niên 70, doanh nhân Trung Quốc còn nghèo và thiếu hụt đủ thứ, nên họ hồ hởi mở rộng mọi cánh cửa đón chào doanh nhân nước ngoài. Hiện nay, họ đã có vốn, chỉ thiếu công nghệ mũi nhọn và thương hiệu quốc tế, nên đây là hai lĩnh vực duy nhất họ mời chào. Không có hai món này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hứng chịu rất nhiều rào cản xã hội và thủ tục pháp lý, từ địa phương đến trung ương, để bảo đảm họ sẽ thua các đối thủ Trung Quốc.
Tinh thần lạc quan có thể ảnh hưởng đến những kết quả kinh doanh, nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cũng như tích cực. Tôi nghĩ, mọi doanh nhân nên chú tâm đến việc đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm và kế hoạch của mình hơn là tùy thuộc vào những yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Cùng đối diện với một tình thế, nhận thức của mỗi người cũng rất khác biệt, thể hiện qua câu chuyện khôi hài sau: Bà mẹ tố cáo nàng dâu với con trai: “Trong khi mày đi làm xa, con vợ mày ở nhà quá sức lăng loàn. Nó ngủ với hơn nửa đàn ông của thị trấn này”. Sau khi trầm ngâm suy nghĩ, người con trả lời: “Nghĩ cho cùng, thị trấn này cũng không lớn lắm”.
Chương 16 – Một cái nhìn khác về con người Alan Phan
* Những đầu tư lớn nhất của ông hiện nay nằm ở lĩnh vực nào?
- Quỹ Viasa của gia đình tôi và một số gia đình khác chia đều 50% vào các tài sản ngắn hạn, nhiều thanh khoản như tiền mặt, chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng nguyên liệu. Còn 50% thì đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ đang hoạt động tốt với tư cách cổ đông chiến lược, để giúp họ phát triển và tăng giá trị, nhất là trong lĩnh vực tài chính và thị trường quốc tế. Thời gian đầu tư khoảng 2 đến 5 năm.
* Nghe nói ông cũng đã đầu tư vào Việt Nam?
- Tôi có đầu tư hơn 1 triệu đô la Mỹ vào Vinabull, một công ty viết phần mềm và tạo dữ liệu cho những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Sau 4 năm, công ty vẫn lỗ nặng. Cùng với các đầu tư nhỏ lẻ cho bạn bè, bà con từ 1991 (lần đầu khi tôi về nước), tôi đã đầu tư vào Việt Nam hơn 2 triệu đô la Mỹ. Và 2 năm qua, số tiền tôi thu lại được là 12 triệu… Việt Nam đồng (là bút phí trả cho các bài viết).
* Do đó, Việt Nam là một kinh nghiệm xấu về đầu tư?
- Thực ra, số tiền nói trên quá nhỏ để rút ra một kết luận gì. Trong thời gian đầu tư, tôi không có thì giờ để quản lý, vì bận rộn với những đầu tư quan trọng hơn ở Trung Quốc và Âu Mỹ, nên dù thất bại, tôi cũng không nghĩ đó là một kinh nghiệm xấu. Tôi vẫn còn đang nghiên cứu và phân tích về cơ hội đầu tư ở đây.
* Người ta thường nói, nếu làm không được thì đi dạy vậy?
- Với thành quả đạt được trong 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ dám mở miệng “dạy” ai điều gì về nghệ thuật kiếm tiền. Thực tình, tôi khá xấu hổ khi so sánh với ông bầu Đức, cũng bắt đầu vào năm 1991 với chiếc xe ôm, bây giờ đã thành tỷ phú đô la. Cũng như ông Vượng của Vingroup, từ một sinh viên mới ra trường khoảng thời gian đó, hay ông Tuyển Tuần Châu, một công nhân của Sở Công viên thành phố, bây giờ đều là tỷ phú cả. Đây là những thiên tài về kiếm tiền, tôi cũng muốn đi học họ mà không ai chịu dạy.
* Những lời khuyên cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh?
- Với những bạn kém may mắn đang đấu tranh vất vả đề tìm sự nghiệp hay cơ hội kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì, biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một con người có ý chí. Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương tiện, hãy cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao. Nghĩ đến những người kém may mắn, tập cách chia sẻ và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa.
Chương 17 – Niêm yết sàn Mỹ – ra biển lớn trước khi có bão
Niêm yết trên sàn Mỹ, theo cảm nhận của tôi, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Những điều kiện để tìm vốn bằng cách phát hành cổ phiếu hay trái phiếu nghe qua thì khá dễ dàng, nhưng cho đến nay, vẫn chưa một doanh nghiệp Việt Nam nào thực hiện được mục tiêu này. Vì bốn lý do chính:
1/ Tư duy của ban quản lý. Những nguyên tắc căn bản không thể thiếu được khi lên sàn Mỹ: Minh bạch (transparency), trung thực và khai báo đầy đủ (full disclosure), kỷ cương đạo đức của công ty và cá nhân ban quản lý (corporate govermance); nhất là những mâu thuẫn lợi ích (conflitct of interest).
Không có một tư duy điều hành công ty theo đúng đòi hỏi về luật lệ và chuẩn mực của SEC (cơ quan Chứng khoán Mỹ), của cổ đông, của nhà phân tích đầu tư, của thị trường… thì sớm muộn gì, doanh nghiệp cũng thất vọng với sàn Mỹ.
2/ Chuyện niêm yết và chuyện bán cổ phiếu. Chuyện niêm yết trên sàn Mỹ thực sự khá dễ dàng, bạn chỉ cần một bản cáo bạch có luật sư chuyên về chứng khoán và một kiểm toán gia có tên trong danh sách của PCAOB ký nhận là SEC sẽ chấp nhận. Không một đòi hỏi nào khác về doanh thu, lợi nhuận, lịch sử doanh nghiệp, giấy phép đặc biệt hay những gì khác.
Tuy nhiên, không như ở Việt Nam hay Trung Quốc, chuyện bán được cổ phiếu cho các nhà đầu tư lại là một chuyện vô cùng khó khăn. Toàn thế giới có khoảng 36.000 cổ phiếu đủ loại (sàn Mỹ có hơn 12.000) để các nhà đầu tư lựa chọn. Bạn phải có một lý do khá độc đáo để thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty bạn thay vì Google hay Apple.
Ngoài ra, với những công ty vừa và nhỏ (SME), nếu thị giá của bạn không cao hơn 1 tỷ đô la, hay lớn hơn 3 đô la/cổ phiếu, phần lớn các quỹ đầu tư công chúng (mutual funds) sẽ không được phép mua, dựa trên điều lệ của quỹ.
3/ Phí tổn để được tiếp tục niêm yết. Với một công ty nhỏ, giản dị, phí tổn hàng năm cho các luật sư và nhà kiểm toán cũng phải hơn 150.000 đô la, chưa kể những chi phí về IR-PR, tư vấn tài chính, phí để lưu trữ hồ sơ đầu tư, phí đăng ký với các cơ quan chính phủ… Một công ty có chừng 10 công ty con, phải nhân lên gấp 5 lần số tiền nói trên.
4/ Vai trò của các tư vấn. Vì không thể mướn đủ nhân viên để lo cho mọi đòi hỏi của việc niêm yết và bán cổ phiếu (lương bên Mỹ rất đắt), nên bạn phải sử dụng đến nhà tư vấn độc lập. Sau đó phải nhắc nhở ban quản lý cộng tác chặt chẽ với họ để đạt hiệu quả cho mục tiêu. Ham tiết kiệm khoản chi phí này, đôi khi sẽ dẫn đến hậu quả trái ngược.