Góc nhìn Alan Phan về “biển lớn”
Saturday, October 24, 2015 19:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Tôi còn nhớ một trải nghiệm kinh hoàng về biển lớn. Tôi được một đại gia mời ra khơi đi Bermuda trên một du thuyền khá lớn trong một ngày đẹp trời vào năm 2002, khởi hành từ Key West, Florida. Giữa đường, một cơn sóng kỳ dị cao 20 mét đánh vào thuyền, gây nhiều thiệt hại, suýt lật và đưa thuyền chúng tôi đi lạc hướng đến gần bờ biển Cuba. Sau cùng, chúng tôi được trực thăng của US Coast Guard cứu và đưa về lại Miami. Tất cả xảy ra trong một ngày nắng đẹp, không bão tố, không gió lớn, thật bất ngờ.
Tôi liên tưởng đến những tai nạn có thể xảy đến khi một doanh nghiệp Việt Nam tìm ra biển lớn (thị trường quốc tế). Chúng tôi thoát hiểm nhờ du thuyền thuộc loại lớn và có một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm quen thuộc với khu vực Caribbean. Nếu tôi ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, mong manh, tay lái không vững, thì có lẽ đã làm mồi cho đủ mọi loại cá. Hay nếu đi vào những cơn bão với sóng to gió lớn, liệu thuyền mình có chống chọi nổi?
Do đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc các bài báo gần đây về những “tai nạn” khiến rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất tiền khi ra biển lớn. Những thưa kiện với những thủ tục và luật lệ quốc tế phức tạp có thể làm điên đầu một tập đoàn đa quốc gia nhiều kinh nghiệm, quản lý bài bản; do đó, rất dễ dàng nhấn chìm một vài doanh nghiệp cỡ lớn của Việt Nam, nhất là khi ban quản lý lại cẩu thả, coi thường những rắc rối pháp lý. Khi ra biển lớn, không hiểu luật lệ, tự tin vào những phán đoán chủ quan của mình là sẽ đối diện, không sớm thì muộn với những hiểm họa sống còn.
Có 1.001 cách mất tiền ở biển lớn, từ bị lừa đảo đến bị thua kiện. Nhiều vụ việc không thể tránh được, nhưng nếu doanh nhân biết thay đổi tư duy và phương thức quản lý của mình thì sẽ giảm thiểu tối đa những rắc rối về pháp lý hay những tình huống “ngậm đắng nuốt cay”.
Nhiều doanh nhân Việt Nam rất hồ hởi khi chi tiêu ăn nhậu hay bỏ tiền mua quà cáp, nhưng lại rất keo kiệt khi phải trả tiền phí tư vấn. Phần lớn xem các chuyên gia tư vấn là những người bán nước bọt. Tư duy này sẽ thu hẹp sự hiểu biết và các quan hệ cần có khi giao tiếp với đối tác hay khách hàng nước ngoài.
Mỹ là quốc gia có nhiều luật sư nhất trên tỷ lệ đầu người (1 trong số 200 người lớn là luật sư) cho thấy sự phức tạp của luật lệ và tính “hở ra là kiện” của người Mỹ.
Ở Trung Quốc và các quốc gia đang mở mang khác, rắc rối về pháp lý mang hình thức tinh vi hơn. Ở những nơi này, luật lệ mơ hồ, các quan chức tha hồ diễn giả, và bạn sẽ chắc chắn thua kiện nếu họ muốn gây khó khăn cho công ty của bạn.
Do đó, bạn cần những tư vấn về pháp lý rất chuyên biệt mỗi khi ký một hợp đồng, ra một quyết định có ảnh hưởng đến đối tác hay khách hàng nói chung, khi làm bất cứ một chuyện gì hơi quan trọng.
Không chịu chi phí cho tư vấn và làm mọi chuyện theo suy nghĩ chủ quan của mình là mời gọi những tranh tụng không cần thiết.
Mỗi quốc gia tuân thủ những thủ tục pháp lý và luật lệ khác nhau, nên không thể có một quy tắc đồng nhất nào cho mọi thị trường trên biển lớn. Người địa phương – dù là đối tác, đối thủ hay nhân viên dưới quyền, sự hiểu biết của họ về những rắc rối trong môi trường kinh doanh vẫn cao hơn chúng ta rất nhiều.
Quốc gia, dân tộc nào cũng có kẻ xấu người tốt, dân làm ăn lương thiện và dân phi pháp, người quản lý bài bản bền vững và dân chụp giật vô dâm. Đừng để những hấp dẫn bề ngoài làm xao nhãng việc điều tra sâu kỹ về bất cứ một đối tác, tư vấn hay nhân viên quan trọng nào.
Tại Mỹ, những công ty thám tử tư chuyên về điều tra doanh nghiệp như Kroll, Rehmann… chứa đầy vài trang niên bạ điện thoại. Tốn vài nghìn đô la để hiểu rõ mọi đối tác là cái giá bảo hiểm rẻ, so với những hậu quả tệ hại có thể xảy đến. Trong những giao tiếp sơ khởi, thì Google, Bing, Yahoo Search là điều phải làm.
Người Việt Nam rất bén nhạy và thông minh. Tuy vậy, với một nền kinh tế tài chính đã toàn cầu hóa, sự gia nhập và phối hợp của các phần tử tội ác từ khắp thế giới đã thành một vấn nạn lớn, không những cho các cơ quan cảnh sát, mà còn ảnh hưởng đến mọi doanh nhân khắp nơi.
Khi làm ăn tại nước ngoài, đừng ham những lợi nhuận cao ngất trời (chứng tỏ sự hoang tưởng) mà mắc bẫy những trò lừa gạt này.
Trên hết, để tránh mất tiền vì những tranh tụng thì nguyên tắc hữu hiệu nhất là cách giao tiếp trong tôn kính và coi trọng những quyền lợi của đối tác, khách hàng và ngay cả đối thủ. Luôn bắt đầu bằng cách coi các than phiền và khiếu nại là “đúng”; rồi nghiên cứu kỹ lại vấn đề, với sự tham dự của các tư vấn, để nhìn rõ về việc phải làm và việc không thể làm. Nếu có bị thiệt hại đôi chút, hay mất chút sĩ diện, nên sẵn sàng chấp nhận để vụ việc trôi qua. Về lâu dài, đây vẫn là những lối mất tiền ít nhất.
Khi còn trẻ, tôi đã ngang ngạnh chống lại một cơ quan chính phủ đầy quyền lực là Sở Chứng khoán Mỹ (SEC). Dù tôi được thỏa mãn tự ái là mình “đúng” khi thắng kiện, nhưng hậu quả là công ty Hartcourt bị mất gần 400 triệu đô la thị giá, chưa kể những phí tổn pháp lý đến hơn 5 triệu đô la và 7 năm kiện cáo. Tôi đã làm kiệt quệ công ty vì cái “tôi” quá lớn của mình. Trong khi đó, nếu tôi chịu nhận lỗi (dù vô lý) và trả tiền phạt, chỉ mất 500 ngàn đô la và giải quyết vấn đề trong 3 tháng. Một bài học vô cùng quý báu về rắc rối pháp lý.
Ra đấu trường quốc tế, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kỹ năng bài bản từ những doanh nhân siêu việt, sáng tạo và năng động; cũng như những siêu sao lường gạt rất tinh vi. Điều duy nhất phải nhớ là “cảnh giác cao độ” và đừng để lòng tham làm mờ mắt.
Người Mỹ có câu “Nếu đề nghị quá tốt như mơ ước, thì đó chỉ là mơ ước” (If it’s too good to be true, then it is). Ai cũng mất một ít tiền và bị gạt trên bước đường kinh doanh, nhưng người khôn ngoan là đừng để những trải nghiệm cay đắng này biến thành thói quen.
Chương 14 – Các cuộc chiến sắp xảy ra
Có một điều chắc chắn là với việc liên tục tìm cách phá lợi thế cạnh tranh của nhau bởi các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, thì những ngày hưng phấn của chủ nghĩa thương mại tự do toàn cầu với các thỏa thuận của WTO sẽ không còn nữa. Các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, sẽ bắt đầu bảo vệ thị phần của mình và tung ra mọi dạng cơ chế phòng thủ nhằm hạ gục đối thủ.
Các cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo, những rào cản không chính thức, những thao túng tỷ giá tiền tệ sẽ trở thành một điều bình thường mới. Thương mại tự do không chết, nhưng nó sẽ đi giật lùi vài bước. Phải có đột phá mạnh về công nghệ mới giúp tránh hoặc giảm nhẹ thách thức này.
Thực tế mới sẽ không giúp Mỹ hay châu Âu giành lại chiếc vương miện siêu cường kinh tế của mình. Các yếu kém cố hữu trong cấu trúc xã hội của họ quá lớn nên khó có thể giải quyết (sự phát triển chín muồi của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng lãng phí, chi tiêu chính phủ quá cao, các chương trình phúc lợi xã hội quá nhiều…). Tuy nhiên, kết quả của cuộc chiến tranh trong tương lai cũng sẽ làm chậm lại sự phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc và khiến họ phải quay lại với giải pháp hướng nội.
Trong khi đó, có một dòng tiền cực lớn được tích tụ trong thời gian thịnh vượng đã qua và đang tìm kiếm một lợi nhuận tốt. Chúng sẽ đổ vào đâu? Vàng và kim lại quý sẽ được lợi, vì truyền thống tích trữ vàng trong những thời điểm bấp bênh. Giá bất động sản quá rẻ tại các nước đã phát triển ổn định sẽ là một đầu tư hấp dẫn.