Yên Đệ Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc Đế, có tên thật là Chu Đệ, sinh năm 1360 tại Nam Kinh chết năm 1424 , là con trai thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và Hiếu Từ Cao hoàng hậu Mã thị. Chu Đệ khi sinh thì cha ông là Chu Nguyên Chương đang dấy binh chống lại nhà Nguyên trên đà sụp đổ. Chu Đệ trở thành hoàng tử nhà Minh khi Chu Nguyên Chương xưng đế năm 1368 với niên hiệu Hồng Vũ. Ông được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phong làm Yên Vương nên tục danh gọi là Yên Đệ. Ông cướp ngôi của cháu và tự lập làm vua, là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Minh, tại vị từ năm 1402 đến năm 1424, tổng cộng 22 năm. Ông chỉ dùng một niên hiệu Vĩnh Lạc, nên sử gia gọi ông là Vĩnh Lạc Đế.
Yên Đệ khi làm Yên Vương đóng đô ở Bắc Bình (nay là Bắc Kinh). Sau một loạt chiến dịch thành công chống quân Mông Cổ, ông bắt đầu củng cố quyền lực của mình ở phía bắc và tiêu trừ đại tướng Lam Ngọc cùng với các đối thủ. Lam Ngọc vốn là một danh tướng chỉ đứng sau Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân là các danh tướng khai quốc của nhà Minh. Lam Ngọc vốn được ví như Vệ Thanh nhà Hán, Lý Tĩnh nhà Đường do có công đánh dẹp người Mông Cổ, mở rộng bờ cõi nhưng do tài năng kiệt xuất oai lấn Chu Nguyên Chương nên Chu Đệ dùng kế hiểm, vu oan cho Lam Ngọc mưu phản. Chu Nguyên Chương cho lực lượng an ninh nội vụ Cẩm Y Vệ vào cuộc, bắt giữ cả nhà Lam Ngọc rồi tru di chín họ cùng 2 vạn người. Thái tử Chu Tiêu mất đi một người ủng hộ hùng mạnh, còn Chu Đệ thì không còn đối thủ trong quân đội nhà Minh ở phía bắc. Đây cũng là tiền đề để Chu Đệ cướp ngôi sau này, khi triều đình không còn danh tướng nào so được với ông.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương sau khi mất, người kế vị là Minh Huệ Đế cháu nội của Chu Nguyên Chương. Minh Huệ Đế là con trai thứ hai của Chu Tiêu Ý Văn thái tử (1355-1382) với bà phi họ Lã . Ông là người hiếu học, tính hiếu thảo. Do cha và anh trai ông là Chu Hùng Anh đã mất trước khi Chu Nguyên Chương qua đời cho nên Chu Nguyên Chương lập ông làm người kế vị vào tháng 9 năm 1382. Đến năm 1396, Chu Nguyên Chương cho lập Đông cung vương phủ. Minh Huệ Đế khi còn là hoàng thái tôn, từng dâng biểu đề nghị Minh Thái Tổ cho sửa 73 điều của Luật Hồng Vũ vì ông cho rằng các điều này quá ư nghiêm khắc. Tháng 5 nhuận năm 1398, Chu Nguyên Chương bị bệnh mất, Minh Huệ Đế lên ngôi, đóng đô ở Nam Kinh. Ông thay đổi chính sách của ông mình, giảm bớt hình phạt nghiêm khắc, tha nhiều tù nhân và áp dụng chính sách triệt phiên nhằm tập trung quyền lực về trung ương. ăm 1398, Minh Huệ Đế lên ngôi, Chu Đệ mang quan quân từ Bắc Bình về Nam Kinh viếng cha, Minh Huệ Đế đã sai người chặn lại ở Hoài An bắt Chu Đệ phải quay về Bắc Bình với lý do ba vị vương tử con ông đã được tân hoàng giữ lại thủ hiếu giùm ông. Chu Đệ khóc ầm lên mà nói rằng: “Cùng là cốt nhục chí thân, sao lại làm nhục ta quá vậy?“. Chu Đệ sau khi về nhà thì giả ốm và không lâu sau thì “phát điên” để bảo toàn cho ba người con trai của ông và tránh chính sách triệt phiên.
Yên Đệ đã lật đổ cháu trai Minh Huệ Đế trong một cuộc nội chiến đẫm máu, vốn bất lợi cho ông vào thời gian đầu, khi ba con trai của ông (Chu Cao Sí, Chu Cao Hú, Chu Cao Toại) còn ở Nam Kinh. Nhưng đến lúc Minh Huệ Đế thấy Chu Lệ sai sứ qua lại với thái độ mềm mỏng, cho rằng Chu Lệ thần phục nên thôi không giữ các con Chu Lệ nữa, thì tháng 7 âm lịch năm 1399, Yên Đệ khởi binh làm phản. Ban đầu, quân triều đình chiếm ưu thế nhưng do Chu Nguyên Chương trước đó đã lạm sát công thần nên Minh Huệ Đế không còn tướng giỏi cầm quân. Yên Đệ lại là một danh tướng dày dạn chiến trận, vì vậy cán cân lực lượng sau đó ngả về phía Yên Đệ. Tháng 4 năm 1402, quân triều đình thua trận tại Hoài Bắc, quân của Yên Đệ Chu Lệ thừa thắng vượt qua sông Hoài Hà tiến về Trường Giang. Trong chiến sự, vai trò của Chu Cao Hú – một người con của Yên vương được Huệ Đế thả về – có đóng góp rất lớn. Yên Đệ Chu Lệ giành được ngai vàng vào cuối năm 1402.
Yên Đệ đã bắt đầu triều đại của mình bằng cách hợp pháp hóa việc lên ngôi xóa bỏ lịch sử toàn bộ thời gian trị vì của người cháu và thiêu hủy hay sửa đổi tất cả các tài liệu có liên quan đến tuổi thơ và cuộc nổi loạn của mình. Điều này dẫn đến việc thanh trừng vô số quan viên ở Nam Kinh và ban thẩm quyền đặc biệt ngoài vòng pháp luật cho chính sách bí mật của hoạn quan và nội chính. Ông nối tiếp chính sách tập trung của Chu Nguyên Chương, tăng cường thể chế của đế quốc và thành lập thủ đô mới tại Bắc Kinh. Ông cho cải cách khoa cử và theo đuổi chính sách đối ngoại bành trướng với nhiều chiến dịch quy mô lớn chống lại quân Mông Cổ, đồng thời tăng cường sự ảnh hưởng và cường thịnh của nhà Minh đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Vĩnh Lạc Đế thành lập một hạm đội hùng hậu do Trịnh Hòa điều khiển. Trịnh Hòa (1371–1433) đã dẫn hạm đội xuống Bắc nước Úc, qua bán đảo Ả Rập và có tài liệu cho rằng Trịnh Hòa qua tận châu Mỹ. Hoàng đế còn cho sửa và mở lại Đại Vận Hà và vào khoảng năm 1407 đến năm 1420, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Tử Cấm Thành. Dưới thời ông, các học giả đương thời đã hoàn thành công trình đồ sộ Vĩnh Lạc đại điển.
Yên Đệ xô lệch lịch sử bằng cách xóa bỏ hồ sơ thời cai trị của Minh Huệ Đế nhập vào thời kỳ Minh Thái Tổ. Tất cả các đại thần và gia đình họ cùng những kẻ thù tiềm năng trên hai vạn người đều bị hành hình. Người anh trai cả đã mất của Chu Đệ là Chu Tiêu, vốn được Huệ Đế truy phong làm hoàng đế cũng bị ông giáng xuống làm Ý Văn Thái tử. Một quan viên trung thành của Huệ Đế là Phương Hiếu Nhụ, vốn được coi là bậc đại nho đương thời, không chịu quy hàng Chu Đệ khi Nam Kinh đã bị công phá, còn miệt thị ông là đồ phản tặc. Chu Đệ giận lắm, muốn giết ông nhưng đã bị một người thân tín là hòa thượng Đạo Diễn khuyên can: “Nay giết Nhụ thì tiệt hết cái nòi đọc sách trong thiên hạ, vậy còn ai dám ra sức vì bệ hạ?”. Chu Đệ nghe theo, sai người bắt Phương Hiếu Nhụ viết một đạo chiếu thư giả của Thái Tổ để hợp pháp hóa việc kế vị của mình vì Hiếu Nhụ là người đứng đầu bách quan, bù lại sẽ cho Hiếu Nhụ giữ lại chức quan cùng với tăng thêm bổng lộc, dù rằng chính Hiếu Nhụ là người ra các kế sách triệt phiên, dẫn đến cái chết của người em ruột của Thành Tổ. Phương Hiếu Nhụ nhận lấy giấy bút rồi viết lên bốn chữ to: “Yên tặc soán vị”. Chu Đệ xem xong hận ông lắm nhưng vẫn tiếc, cho đòi ông đến rồi hỏi: “Ngươi không sợ bị tru di chín họ sao?”. Phương Hiếu Nhụ đáp lại: “Tru di mười họ thì đã làm sao?”. Chu Đệ không nhịn nữa, sai người bắt hết thân tộc chín họ của Phương Hiếu Nhụ, lại bảo rằng: “Đã thế thì gom hết môn sinh, bạn bè, hàng xóm của nó lại cho đủ mười họ”, tổng cộng hơn nghìn người đều bị hành quyết. Đây là việc “Tru di thập tộc” nổi tiếng, trước chưa từng có, sau không xuất hiện, làm nổi bật sự tàn bạo của Chu Đệ.
Yên Đệ cướp nước Đại Việt, xóa sạch di sản, thực hiện sự đồng hóa triệt để, với các chính sách hết sức thâm độc và tàn bạo. Với chiêu bài giúp đỡ nước yếu, tăng cường sự ảnh hưởng của nhà Minh đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Yên Đệ đã gây chia rẽ Đại Việt với Chiêm Thành tạo cớ gây hấn liên tục từ phương Nam. Với âm mưu nham hiểm “phù Trần diệt Hồ”, năm 1406, Hoàng đế Vĩnh Lạc chính thức đáp lại các thỉnh cầu từ Trần Thiêm Bình – người xưng là dòng dõi nhà Trần đã bị nhà Hồ lật đổ năm 1400. Tuy nhiên khi trở về nước, Trần Thiêm Bình và tướng lĩnh, quân đội nhà Minh đi cùng đã bị quân nhà Hồ đánh bại và bủa vây. Tướng Hoàng Trung phải nhượng bộ xin giao nộp Trần Thiêm Bình cho nhà Hồ bắt giết để được mở đường rút quân về nước. Minh Thành Tổ đã đem hai đạo quân xâm lược Đại Ngu, đánh bại nhà Hồ năm 1407, sau đó thực hiện âm mưu đồng hóa nước Việt một cách lâu dài.