Trong những tác phẩm như thế, Nguyễn Khải luôn có mặt, luôn tự phác họa chân dung chính trị – đạo đức của mình, nhưng tác giả ẩn kín, không ra mặt. Đó cũng là một thủ pháp. Nguyễn Khải cũng đã để cho Biên, một sĩ quan quân đội Sài Gòn, một người thấu hiểu cái kiếp nô lệ của đời lính cho ông chủ Mỹ, nói lên thật dữ dội, chọi lại cái “cơ hội chính trị” của bà Hoàng, một nhân vật quý phái, đỏng đảnh, mãnh liệt đòi “treo cổ cộng sản lên các cột đèn”, người luôn bảo vệ những giềng mối cũ: “Chúng ta đâu phải là những chính nhân quân tử? Chỉ cần cái mạng sống của riêng mình là chúng ta sẵn sàng phản bội, phản bội mọi người và phản bội chính mình. Chỉ cần mỗi chúng ta có một chút xíu tự do là có thể bán đứt tự do của những người khác, của hàng triệu người khác. Cái tính ích kỷ của chúng ta đã trở thành tội lỗi mất rồi…” (Nguyễn Khải, Ký sự và kịch, tr. 412-413).
Chủ đề “phản bội” cũng là một chủ đề của văn học đương đại, bởi lẽ ngày nay nói như nhà văn Nga Raxputin, có người đang nâng những cung bậc khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị. Nhưng chính Nguyễn Khải cũng lại là người hết lòng hòa giải, hòa hợp: ông đến với người khác mình bằng tấm lòng thành, và ông là bậc thầy của sự hòa giải.
***
Nguyễn Khải đã tìm ra cho mình một ngôn ngữ tiểu thuyết của riêng mình. Trong văn chương Việt Nam sau Nam Cao và Vũ Trọng Phụng (nhất là Số đỏ), thì Nguyễn Khải là người khám phá ra được đặc trưng ngôn ngữ mang tính tiểu thuyết hiện đại. Tính đối thoại đã được thực hiện trong tác phẩm Nguyễn Khải trên nhiều cấp độ: cấp độ xã hội, giữa chính – tà, ta – địch (trong Gặp gỡ cuối năm) cấp độ cá nhân và cá nhân, cấp độ tác giả và nhân vật, tôn giáo và phi tôn giáo (Cha và con và…), cấp độ siêu hình học (con người và không gian, thời gian trong Cõi nhân gian bé tí).
Chất đối thoại, suồng sã, giễu nhại ngay chính bản thân mình – làm cho tác phẩm nhạt đi chất “quyền uy” của một số tác giả viết nhân danh lịch sử, tư tưởng… Nguyễn Khải vẫn không thôi là một “cán bộ chính trị quân đội”, vẫn mang “chất tuyên giáo”… nhưng có điều là ông biết đan xen nó với ngôn ngữ tự vấn, với ngôn ngữ đời thường, thông tục; chất trào tiếu dân gian, chất hoài nghi triết học trộn vào nhau. Nên nó mở ra qua những trùng trùng chi tiết cuộc sống vốn rất giàu có ở Nguyễn Khải một bút pháp hiện đại, mang được chiều sâu nghệ thuật, khác với nhiều tác giả đương đại cùng lứa, cùng thời. Đó là chỗ mạnh của ông.
Thế còn chỗ yếu? Nói đi cũng nên nói lại. Ông không phải là “vô địch”… Ông đuổi theo thời sự, nóng, hấp dẫn vô cùng, nhưng “chất báo chí, chất thông tấn” (như có người nói) đôi khi lấn át chất nhân văn vĩnh cửu, đáy sâu xao động lòng người bền lâu của văn chương. Cả đời ông đi, nghe nhìn, quan sát… nhanh nhạy, lý giải thông minh; nhưng ít chất nghệ sĩ bẩm sinh, như ông có lần tự thú nhận.
So với Nguyễn Đình Thi, ông không thể đọ được chất trữ tình sâu lắng, chất triết luận tinh tế trong kịch và thơ, nhưng có lẽ hơn Nguyễn Đình Thi cái gai góc, xù xì của truyện. So với Nguyễn Minh Châu, ông ít xao xác hơn, mặc dù ông “tung hoành” hơn…
Có gì cần nói thêm về Nguyễn Khải? Ông là một con người, một nhân vật của thời đại chúng ta với tất cả mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nguyễn Khải là người tinh khôn, không dễ bị lôi kéo (ông “lôi kéo người khác thì có!”). Nói về sự khác biệt giữa chính trị – chính quyền – chính chức và văn nghệ, ông nói rất hay ở nhiều nơi vì ông đã thể nghiệm mối quan hệ này suốt cả một đời. Nhưng có suy nghĩ này về văn học, hồi ông làm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, nhân xảy ra “sự cố” báo Văn Nghệ, ông viết thật hay:
“Tôi không thích một lần nữa Hội Nhà văn và lãnh vực văn nghệ lại trở thành một trận địa quyết chiến của mấy ông tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới, bôi nhọ, vu khống tất cả những ai dám nói ngược, viết ngược; đe dọa ra mặt hoặc bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi, cái sự tàn sát tận diệt, gây một không khí căng thẳng, hung bạo ấy sặc mùi chính trị. Cứ bảo văn nghệ và chính trị phải chia ra, không được nhập làm một, chúng ta chỉ làm có văn nghệ thôi, nói thế tức là chính trị lắm đấy, chính trị từ gót chân đến đỉnh đầu, vì những người hò hét phải xua đuổi chính trị ra khỏi văn nghệ lại rất thích nắm quyền, rất thích quyền lực, nói ra miệng chứ không phải nghĩ thầm, mà quyền lực là mục tiêu cao nhất của chính trị rồi. Rõ thật cái vòng luẩn quẩn… Một lần nữa, với mấy anh muốn mượn Hội Nhà văn để xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: “Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em chúng tôi đánh lẫn nhau, đừng quấy nhiễu chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi!” (trích thư đề ngày 1-9-1988 gởi Ban Chấp hành Hội Nhà văn). Như thế là quyết liệt, rạch ròi lắm đấy chứ, đâu phải “tay mơ”! Chân đế của giàn khoan văn chương Nguyễn Khải vẫn là và bao giờ cũng là chính trị – xã hội với những suy tư đích thực của một văn nghệ sĩ. Tôi tin rằng người đọc, người nghiên cứu vẫn sẽ còn quay lại với Nguyễn Khải lâu dài vì những đặc tính của tác phẩm ông.
Nghịch lý Nguyễn Khải
Hoàng Đình Quang
Do sự phân công của Hội nhà văn, tôi và Triệu Xuân được chỉ định thay phiên nhau ngồi thường trực đón những đoàn thể và cá nhân đến viếng nhà văn Nguyễn Khải, tại đám tang ông vào các ngày 16-17/01/2008. Công việc nhiều quá, bận bịu thế, ngồi đấy mà như lửa đốt, nhưng chúng tôi vẫn làm tròn bổn phận của mình. Sau 3 ngày tang lễ, tôi lại thấy trong đầu ốc xuất hiện những cảm giác lạ, cảm thấy mình như vừa có một chuyến đi thực tế, không kém phần phong phú và nghĩ ngợi.
***
Gần đây, nhiều nhà văn ra đi quá, mà toàn những người tiếng tăm, có cảm giác là vơi đi mất một góc chiếu. Trong số ấy, tôi muốn nói đến Trần Quốc Thực, một người từ biệt thế giới này vào những phút cuối cùng của năm 2007.
Tôi với Trần Quốc Thực là bạn, nhưng không thân. Năm 1990, tôi ở Hà Nội khá nhiều. Lúc đó Hà Nội chưa đông như bây giờ, và Văn Miếu – Quốc tử giám còn rất hoang phế. Hàng bia tiến sĩ bỏ hoang, tôi vào một cách tự nhiên, và những con rùa đá cụt đầu cùng với phân chó và phân người rải rác. Tôi gặp Trần Quốc Thực trong bầu không khí như thế. Thực rủ tôi đến 19-Hàng Buồm (trụ sở Hội Văn Nghệ Hà Nội và báo Người Hà Nội lúc bấy giờ) để lấy tiền nhuận bút 2 bài thơ của anh rồi đi uống bia hơi. Thực rủ tôi về nhà anh ăn cơm, nhưng tôi ngại nên thôi. Tôi nhớ, lúc đó đang có dư luận về việc xét giải Văn học năm 1990. Thực có tập thơ Miền chờ mỏng thôi, nhưng có nhiều tìm tòi, nên cũng hy vọng. Chúng tôi xôn xao lắm. Không khí thì nghèo nàn, nhưng thơ ca thì sôi động. Năm ấy, Nguyễn Quang Thiều với chiếc xe đạp cuốc Liên Xô và tập thơ Ngôi nhà tuổi mười bảy, đã chủ trì một đêm mạn đàm thơ của Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tốn mất mấy con ngan và 20 lít rượu trắng. Trần Quốc Thực rủ rỉ thuyết phục tôi: thơ phải thay đổi. Tôi ậm ừ, nhưng thấy mình không thể theo được thơ nữa rồi.
Sau này có nhiều lần gặp nhau, nhưng chúng tôi không bàn gì nữa, Thực như một đạo sĩ, chậm chạp, mệt mỏi. Gần đây nhất, với đôi mắt buốn bã, Thực nói với tôi: Quang gửi ra một chùm thơ nhé. Tôi cười: có biết làm thơ nữa đâu! Và thôi. Cho đến khi nghe tin anh ra đi…
Năm ấy, tôi về Sài Gòn in xong tập Nói thầm thì thôi, không làm thơ nữa và chuyển hẳn sang viết văn xuôi.