Theo các nhà Trầu Học thì tập tục ăn trầu phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương. Quốc đảo Đài Loan khoảng 25 triệu dân mà có tới 20% dân số ăn trầu. Cả nước mỗi năm chi ra 3 tỷ USD để nhai nhai, nhả nhả, một thứ chẳng ngon lành béo bổ gì. Thế nhưng đứng đầu thế giới về vụ ăn trầu phảỉ là dân Miến Điện. Những ai đi Miến về đều nói thế, và bu tui loanh quanh nước Miến 5 ngày cũng thấy thế. Từ nông thôn cho chí thành thị, hang cùng ngõ hẽm nào cũng có người bán trầu, gặp 10 người thì đã có tới 4, 5 người nhai trầu bỏm bẻm.
Cách tiếp thị trầu của người Miến khác xa người Đài Loan. Các em “Tây Thi bán trầu hút khách” xứ Đài có chiêu câu khách ngoạn mục: Áo mỏng liền váy ngắn, cúc cài chiếu lệ, “quên” mặc nội y, anh nào mua đủ 100 Đài tệ trầu cau thì em cho xem luôn vòng 1 !
Hehehe…. P/S Đoạn nói về “Tây Thi bán trầu hút khách” và tấm hình minh hoạ dưới đây bu dẫn theo tác giả Thu Hà trên báo điện tử Vietnamnet.
Người Miến không thế, trầu bày ra đấy, ai cần thì mua không thì thôi, chẳng đon đả mời chào, không nói lời đưa đẩy. Như anh chàng đen nhẻm dưới đây, đã không mời thì chớ, còn trừng trừng nhìn khách, thượng đế nào yếu bóng vía có khi phải co giò …chạy.Nhìn vào quầy bán trầu (ảnh dưới) của anh chàng này chỉ thấy trầu không , vôi, một hộp không nắp đựng vai (từ cây gỗ gì đó đẽo ra) còn 7 hộp khác đựng gì thì có trời biết nỗi. Bu đoán mò: Cau khô, vỏ chay, vỏ quạch, vỏ trầm, rễ sen, là những thứ người ăn trầu nói chung vẫn dùng. Có thể có thêm đinh hương và đậu khấu là hai món người Miến khoái xài như các nhà Trầu Học nói tới.Bàn dân thiên hạ ăn trầu thì không nói làm gì, đằng này chú cảnh sát giao thông cũng ăn trầu khi đang thi hành công vụ (ảnh dưới). Tay phải chú cầm roi (điện ?), tay trái cầm bộ đàm. Đang tả xung hữu đột điều khiển người đi đường thì bổng chú ta dừng lại, nhổ toẹt bả trầu xuống đường. Nhè lúc này bu giơ máy ảnh lên, chú ta quay tít cây roi (điện?) và hô to: No photo. No photo!! Bu đành rút êm nhưng vẫn ghi nhanh được cảnh chú vào quán trầu mua tiếp 5 miếng, cho vào bao ni lông, đút túi quần để dành ăn tiếp…
Người Việt ta ăn trầu chưa đến mức nổi tiếng thế giới, nhưng đã có một nềnVăn Hoá Trầu mang bản sắc Việt rất độc đáo, với sự tích trầu cau bi thương và cảm động, với tâm sự của dân gian: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Thương nhau cau sáu bửa ba, ghét nau cau sáu bửa ra làm mười. Rồi những nhà thơ viết về trầu: Xóm làng đã đỏ đèn đâu, chờ em ăn giập miếng giầu em sang (Nguyễn Bính). Các cụ ông say thuốc, các cụ bà say giầu, còn con trai con gái. chỉ nhìn mà say nhau (tác giả ?). Vậy thì xài trầu tầm cỡ nước Miến Điện hẳn phải có một nền Văn Hoá Trầu cực kì phong phú không kém gì người Việt, chưa nói là hơn . Hiềm nỗi chính phủ nước này chủ trương bế quan toả cảng, các nhà báo, nhà nghiên cứu không được tự do vào đó hành nghề. Văn học dân gian Miến chưa có ai dịch thuật giới thiệu. Bu tui được cái văn dốt võ dát, ở Miến có 5 ngày, chỉ nói được vài dòng chung chung, cốt mua vui cho bạn bè vậy, hehehe..
*
Bài viết “MỘT LẦN ĐẾN MIẾN ĐIỆN” trên đây, Bu nói những điều mắt thấy tai nghe ở cái xứ sở khuất nẻo và huyền bí. Có thể bạn sẽ hỏi: Tại sao Miến Điện rộng gấp đôi nước Việt, đất đai màu mỡ, tài nguyên dồi dào, dân số chỉ hơn nửa Việt Nam, có một quá khứ vàng son làm thế giới nể phục, lại nghèo nàn chậm tiến hơn nhiều nước Đông Nam Á. Anh Cô Cô người Miến hướng dẫn viên du lịch đã trả lời câu hỏi đó không chút dè dặt: “Thể chế chính trị Miến Điện nhiều năm do quân đội nắm giữ, họ dựa vào súng đạn, đàn áp nhiều cuộc nổi dậy đòi tự do và dân chủ của dân chúng và tăng lữ, đẩy Miến Điện một thời thịnh vượng trở thành một nước nghèo nàn, xứ sở của sự sợ hãi…”
Ngày 4 tháng 1 năm 1948 Miến Điện thoát khỏi ách nô dịch thực dân Anh trở thành nước cộng hòa độc lập với tên gọi Liên bang Myanma do Sao Shwe Thaik làm tổng thống và Unu làm thủ tướng. Dẫu sao thì chính phủ Unu cũng còn được gọi là dân chủ. Nhưng đến 1962 tướng Ne Win đảo chính quân sự và lên nắm quyền suốt 26 năm liền. Ông này theo đuổi chính sách Xã hội chủ nghĩa, thân cộng sản, lấy quốc hiệu Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanma. Đứng đầu phe cộng sản thời bấy giờ là Liên xô và Tàu đang coi nhau như “kẻ thù số một”. Mao Trạch Đông chống Liên Xô do việc Khơ rút sốp hạ bệ thần tượng Sta lin. Bản thân Mao đưa ra chính sách Đại nhảy vọt, chỉ trong ba năm làm chết đói 37,55 triệu người, mười năm Đại cách mạng Văn hóa chết thêm 20 triệu, tổng cộng 57,55 triệu, 100 triệu người bị đấu tố (trang 243, sách Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của giáo sư Tân Tử Lăng, Thông tấn xã Việt Nam xuất bản).
Thể chế XHCN của Ne Win thân cộng ngày càng mất lòng dân. Chính vì thế năm 1974 nhân đám tang của U Than (Tổng thư kí Liên hợp quốc người Miến Điện) một cuộc biểu tình lớn đã xẩy ra, quân đội nổ súng đàn áp, máu người đổ đầy đường. Năm 1988 tướng Saw Maung làm đảo chính buộc Ne Win từ chức, lập nên Hội đồng Khôi phục trật tự và luật pháp Liên bang (SLORC). Hội đồng này lãnh đạo kinh tế yếu kém, thẳng tay đàn áp các phong trào đòi dân chủ, phản đối áp bức chính trị, dẫn đến cuộc nổi dậy 8888 (ngày 8 tháng 8 năm 1988), và bị quân đội đàn áp dã man, làm chết 3000 người (theo Trần Viết Đại Hưng, Email: dalatogo@yahoo.com).
Tuy nhiên cuộc biểu tình 8888 đã dọn đường cho bầu cử Quốc hội Nhân dân năm 1990. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu kyi lãnh đạo thắng hơn 60% số phiếu và chiếm 80% ghế trong Quốc hội. Nhân dân Miến Điện hy vọng có sự đổi đời . Nhưng chính quyền quân sự đã thẳng thừng bác bỏ kết quả bầu cử, không những không trao quyền lực cho (NLD) mà còn giam cầm, quản thúc bà Suu kyi tổng cộng 15 năm ( trong số 21 năm từ 1990 đến 2011). Chủ trì việc loại bỏ NLD là thống tướng Than Xuề lúc bấy giờ giữ chức phó tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, kiêm phó chủ tịch Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang (SLORC). Tháng 3 năm 1992 Than Xuề làm bộ trưởng bộ quốc phòng , tháng 4 năm đó giữ chức chủ tịch (SLORC) tiếp theo làm thủ tướng.
Việc loại bỏ NLD trong bầu cử 1990 và chính sách đàn áp dân chúng của Than Xuề làm nhiều nước như Ái Nhĩ Lan, Anh quốc, Áo, Ấn Độ, Bỉ, Đức, Hoa Kì, Ca na đa, Na Uy, Hàn quốc, Pháp, Tân Tây Lan, Singgapo, Thái Lan, Tây Ban Nha, Úc…đã có các cuộc biểu tình chống chính quyền quân phiệt Miến Điện. Liên Hiệp Quốc, trực tiếp can thiệp bằng ngoại giao. Hội đồng Bảo an LHQ cử đặc sứ Ibrahim Gambari đến Miến Điện cùng với các nước Đông Nam Á làm áp lực đòi chính phủ quân sự phải đối thoại với thủ lãnh đối lập – bà Aung San Suu Ky.
Mỹ và EU đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế như cấm nhập hàng hóa Miến Điện, hạn chế đầu tư… Nền kinh tế Miến do vậy gặp rất nhiều khó khăn. Có gần 2 triệu người Miến Điện sang lao động kiếm sống ở Thái Lan. Jackie, điều phối viên của MAP cho biết lao động nhập cư phải làm việc quá giờ và được trả lương thấp, thậm chí thấp hơn mức tối thiểu mà chính phủ Thái đưa ra. Họ không có quyền thành lập công đoàn và gặp rào cản về ngôn ngữ. Tính ra người lao động Miến Điện ở Thái thu nhập khoảng 3000 baht (1,2 triệu VNĐ)/ tháng. Con số đó còn cao gấp đôi những người lao động ở chính quốc. Tại các thị trấn giáp biên về phía nam quán karaoke và nhà thổ nhiều gấp đôi nhà hàng và quán rượu, tệ nạn xã hội vượt tầm kiểm soát của chính quyền sở tại. Một sự thực hiển nhiên, khi còn là thuộc địa Anh (1948 trở về trước) xuất khẩu gạo của Miến Điện đứng đầu thế giới. Đến năm 2011 dự kiến xuất khẩu 1,5 triệu tấn, chỉ bằng 1/5 số gạo xuất của Việt Nam. Ở SEA Games (1965-1973) đội tuyển bóng đá quốc gia Miến Điện 5 lần liền giành cúp vô địch, từ đó đến nay trên bảng xếp hạng chỉ là con số không.